Chất lượng giáo viên là một yếu tố then chốt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn đóng vai trò định hình nhân cách và kĩ năng tư duy cho học sinh, đặc biệt tại bậc tiểu học. Tuy nhiên, hệ thống đào tạo giáo viên hiện nay dù đã được chuẩn hóa vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng tối ưu nhu cầu phát triển toàn diện của giáo viên. Đa phần các chương trình đào tạo chuyên môn dành cho giáo viên hiện nay tuân theo một mô hình tuyến tính, tiến hành qua các giai đoạn như đào tạo chính thức, thực tập giảng dạy, và phát triển chuyên môn. Tuy vậy, các mô hình này chưa phản ánh được những nhu cầu phát triển cá nhân cũng như khả năng thích nghi và phản ứng linh hoạt của giáo viên trong môi trường giáo dục không ngừng thay đổi.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu về giáo dục hiện đại, giáo viên cần được chuẩn bị không chỉ về mặt kiến thức mà còn phải có kĩ năng công nghệ và khả năng giảng dạy sáng tạo. Những thay đổi này thúc đẩy việc cần thiết phải nghiên cứu các mô hình phát triển chuyên môn linh hoạt hơn, kết hợp giữa phát triển tuần tự và khả năng tự học hỏi, thích nghi của giáo viên. Bài báo đã tiến hành phân tích và tổng quan các mô hình phát triển chuyên môn theo hai hướng tuyến tính và phi tuyến tính, đồng thời đưa ra mô hình tích hợp kết hợp ưu điểm của cả hai, giúp giáo viên phát triển năng lực chuyên môn trong thời đại số.
Mô hình tuyến tính là mô hình phát triển chuyên môn theo tuần tự qua từng giai đoạn từ người mới bắt đầu đến chuyên gia, với các bước cụ thể như đào tạo trước khi vào nghề, thực tập giảng dạy, và tiếp tục phát triển chuyên môn sau khi chính thức làm nghề. Các mô hình này có tính hệ thống cao, dễ áp dụng vào chương trình đào tạo, giúp theo dõi sự tiến bộ của giáo viên theo từng giai đoạn cụ thể. Mô hình này mang lại sự rõ ràng và chuẩn mực trong lộ trình phát triển sự nghiệp của giáo viên, cho phép giám sát và đánh giá một cách có hệ thống. Tuy nhiên, sự cứng nhắc của mô hình tuyến tính lại tạo ra hạn chế đáng kể, khi giáo viên phải tuân theo một lộ trình cố định mà không thể điều chỉnh linh hoạt để đáp ứng nhu cầu phát triển cá nhân. Điều này làm giảm khả năng của giáo viên trong việc ứng phó với những thay đổi không lường trước và những đòi hỏi ngày càng cao trong giảng dạy hiện đại.
Trong khi đó, mô hình phi tuyến tính lại nhấn mạnh tính linh hoạt và khả năng thích ứng của giáo viên. Mô hình này không chia quá trình phát triển chuyên môn thành các giai đoạn cụ thể mà xem đó là một quá trình liên tục, giáo viên không ngừng học hỏi và tự điều chỉnh theo nhu cầu giảng dạy và thay đổi của môi trường giáo dục. Khác với mô hình tuyến tính, mô hình phi tuyến tính tạo điều kiện để giáo viên tự phát triển, khuyến khích khả năng phản tư, tự nhận thức và linh hoạt điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp với từng tình huống và nhu cầu của học sinh. Ví dụ, mô hình khuyến khích giáo viên áp dụng các chiến lược giảng dạy khác nhau, thực hiện các thay đổi sáng tạo và phù hợp với từng bối cảnh lớp học khác nhau. Tuy nhiên, do tính chất không theo quy trình cố định, mô hình phi tuyến tính lại thiếu đi hệ thống rõ ràng, khó theo dõi sự phát triển theo chuẩn mực cụ thể, gây khó khăn trong việc đánh giá chính thức.
Trước những hạn chế của từng mô hình, mô hình tích hợp được đề xuất như một giải pháp kết hợp cả hai phương pháp tiếp cận tuyến tính và phi tuyến tính, nhằm tạo ra một hệ thống phát triển chuyên môn toàn diện cho giáo viên. Mô hình tích hợp này cho phép giáo viên vừa có thể tuân theo một lộ trình phát triển có hệ thống, vừa có khả năng điều chỉnh linh hoạt để đáp ứng các thay đổi không ngừng của môi trường giáo dục. Cách tiếp cận này bao gồm các yếu tố của học tập suốt đời, khuyến khích giáo viên liên tục cập nhật và phát triển kĩ năng, đồng thời thích ứng với các công nghệ mới, phương pháp giảng dạy hiện đại và yêu cầu của xã hội. Mô hình tích hợp không chỉ giúp giáo viên phát triển chuyên môn qua các giai đoạn sự nghiệp khác nhau mà còn cung cấp cho họ khả năng tự điều chỉnh, tự học hỏi để thích nghi tốt hơn với các yêu cầu giảng dạy đặc thù của từng lớp học và từng nhóm học sinh khác nhau.
Để phát triển đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp đáp ứng các yêu cầu của giáo dục hiện đại, cần có sự kết hợp giữa các yếu tố cố định của mô hình tuyến tính với tính linh hoạt, tự học hỏi từ mô hình phi tuyến tính. Mô hình tích hợp là một giải pháp khả thi, tạo ra một lộ trình phát triển chuyên môn bền vững, vừa giúp giáo viên duy trì nền tảng kiến thức và kĩ năng chuyên môn, vừa có khả năng thích ứng nhanh chóng với thay đổi. Giáo viên không chỉ cần theo đuổi những chuẩn mực cứng nhắc mà còn phải có khả năng sáng tạo, linh hoạt, sẵn sàng điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của học sinh trong môi trường số hóa.
Việc phát triển chuyên môn phải được thực hiện một cách toàn diện và có hệ thống, kết hợp giữa học tập chính quy và khả năng tự phát triển không ngừng để nâng cao chất lượng giáo viên và giáo dục hiệu quả. Giáo viên cần có sự hỗ trợ từ các chương trình phát triển chuyên môn liên tục, từ các khóa đào tạo ngắn hạn đến những hoạt động học hỏi dài hạn, giúp họ duy trì hiệu quả giảng dạy và cập nhật kiến thức mới. Việc phát triển mô hình tích hợp sẽ tạo điều kiện để giáo viên không chỉ trở thành những chuyên gia giảng dạy mà còn là những người học hỏi không ngừng, đóng góp vào sự tiến bộ chung của hệ thống giáo dục.
Tại Việt Nam, việc đào tạo và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên trở nên cấp thiết trước bối cảnh chuyển đổi số. Để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới, giáo viên cần có kiến thức chuyên môn vững chắc, kĩ năng công nghệ và khả năng giảng dạy linh hoạt. Các mô hình phát triển chuyên môn tuyến tính và phi tuyến tính mang lại những lợi ích thiết thực, nhưng một mô hình tích hợp, kết hợp hệ thống đào tạo bài bản với khả năng tự học hỏi và thích nghi, sẽ giúp giáo viên Việt Nam vừa duy trì chuẩn mực chuyên môn vừa dễ dàng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng trong giáo dục. Đặc biệt, việc tăng cường các chương trình phát triển chuyên môn liên tục, kết hợp đào tạo kĩ năng số và phương pháp giảng dạy hiện đại, sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của học sinh.
Huyền Đức lược dịch
Nguồn: Raduan, N. A., & Na, S. I. (2020). An integrative review of the models for teacher expertise and career development. European Journal of Teacher Education, 43(3), 428–451. https://doi.org/10.1080/02619768.2020.1728740