Phổ cập mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi: Tạo nền móng vững chắc cho phát triển giáo dục

Phổ cập giáo giáo dục mầm non cho trẻ 3 đến 5 tuổi được nêu rõ ở Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và gần nhất là Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị vừa ban hành tháng 8 vừa qua.

Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non từ 3 tuổi. Ảnh: PV

Bỏ qua giai đoạn thí điểm

“Điều đó khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến việc thực hiện nhiệm vụ này. Nếu ví giáo dục như một ngôi nhà thì bậc mầm non chính là nền móng. Vì vậy, cần tập trung ưu tiên cho việc xây dựng nền móng thật vững chắc”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Thị Kim Chi nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, bậc học mầm non đã hoàn thành phổ cập cho trẻ 5 tuổi từ năm 2010, mang lại những thay đổi, phát triển cho bậc học này về quản lý, chỉ đạo, mạng lưới và quy mô. Tuy nhiên, giáo dục mầm non vẫn cần được quan tâm hơn nữa để đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi thực tế và quan trọng hơn là phát triển thế hệ măng non của đất nước. Bộ GDĐT thực hiện nhiệm vụ được giao là xây dựng trình Quốc hội ban hành “Nghị quyết thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi tại một số tỉnh thành phố”. Quy mô thí điểm dự kiến là 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, ngày 24/11/2023 Ban chấp hành Trung ương đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 42, đưa chỉ tiêu đến năm 2030 phải "hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi". Theo Bộ GDĐT, nếu trình Quốc hội phê duyệt Nghị quyết thí điểm thì các tỉnh ngoài 14 tỉnh, thành phố tham gia thí điểm không có căn cứ pháp lý để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo theo yêu cầu của Nghị quyết số 42. Vì vậy, Bộ GDĐT đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt và ban hành Nghị quyết “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi” để tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành, các địa phương triển khai đại trà việc phổ cập cho trẻ em mẫu giáo.

Điều này càng đặc biệt quan trọng khi theo thống kê và tính toán của Bộ GDĐT, hiện mạng lưới trường lớp bậc mầm non vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Đây là bậc học có tỷ lệ phòng học kiên cố hóa thấp nhất, thiếu phòng học, thiếu giáo viên nhiều nhất. Đến năm 2030, vấn đề cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho giáo dục mầm non lại càng tăng lên. Cụ thể, theo đánh giá của Bộ GDĐT, năng lực đáp ứng nhu cầu huy động trẻ của mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non còn hạn chế. Hiện tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo (từ 3 đến 5 tuổi) toàn quốc đạt 93,1% (riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi huy động đạt tỷ lệ 99,8%), còn khoảng 6,9 trẻ mẫu giáo chưa được ra lớp, tương ứng với khoảng 300.000 trẻ, chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống trường mầm non công lập hiện nay chưa đủ điều kiện để nhận thêm trẻ. Đến năm 2023, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa ở bậc học này là 83%. Số phòng học mầm non cần bổ sung là trên 25.400 phòng, số phòng học cần kiên cố hóa là trên 24.200 phòng.

Trong khi đó, hệ thống trường ngoài công lập khó phát triển ở nhiều nơi, đặc biệt ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Tại các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư, phần lớn trẻ em con công nhân, con người lao động đang được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non độc lập với điều kiện về chất lượng còn nhiều hạn chế, đặc biệt phải gửi ở những nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa 7 trẻ - nơi mà đội ngũ người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ phần lớn chưa đảm bảo trình độ, năng lực chuyên môn nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ khá lớn.     

Căn cứ vào số liệu dự báo dân số độ tuổi của Tổng Cục thống kê, đồng thời theo dự báo kế hoạch phát triển giáo dục mầm non của các tỉnh, thành phố đã ban hành, đến năm 2030, số lớp mẫu giáo có xu hướng giảm chung do dân số giảm. Dự báo chỉ có 7/63 tỉnh tăng dân số trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi (trên 176.000 trẻ) nên sẽ tăng lớp mẫu giáo cục bộ ở một số địa phương, dự báo tăng 1.831 lớp.

Theo tính toán của Bộ GDĐT, đến năm 2030, ngành giáo dục dự báo thiếu trên 55.400 biên chế. Trong khi đó tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc và việc tuyển dụng giáo viên mầm non ở nhiều địa phương không đáp ứng được nhu cầu do áp lực công việc của giáo viên mầm non rất lớn, thời gian làm việc dài, thu nhập thấp. Về cơ sở vật chất, số phòng học thiếu đến năm 2030 là trên 39.000 phòng học. Trong đó, số phòng tăng thêm do thiếu và do tăng quy mô lớp là 6.078 phòng  (thiếu 4.247 phòng, tăng lớp 1.831 phòng); xây dựng thay thế phòng học chưa đạt chuẩn (bán kiên cố) 32.940 phòng; đầu tư mới 256 bộ đồ chơi ngoài trời cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập tăng thêm giai đoạn đến 2030. Theo đó, cần mua sắm thêm 6.078 bộ thiết bị, đồ dùng dạy học trong lớp cho các lớp thiếu phòng học và tăng lớp. Nhu cầu kinh phí dự báo cần 32.126 tỷ đồng (bình quân 6.425,2 tỷ đồng/năm).

Đảm bảo nguồn lực thực hiện phổ cập

Trước thực trạng trên, Bộ GDĐT nhận định việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Phổ cập giáo dục mầm non trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi và Dự thảo Nghị định triển khai thực hiện Nghị quyết sẽ là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp đáp ứng nhu cầu về nguồn lực thực hiện Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo. Dự thảo Nghị quyết cũng sẽ có quy định cơ chế, chính sách để đảm bảo các nguồn lực thực hiện Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo (như chính sách cho đối tượng trẻ em yếu thế; chính sách, cơ chế cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non; cơ chế chính sách để đầu tư cho vùng khó khăn và xã hội hóa, khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập).

Báo cáo đánh giá tác động của chính sách xây dựng Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết hằng năm, có trên 5,1 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại 15.256 trường mầm non và 17.444 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Giáo dục mầm non đã từng bước vượt qua khó khăn, phát triển khá toàn diện về quy mô, mạng lưới trường lớp, các điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ; chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên. Trẻ em vùng miền núi, dân tộc thiểu số được chuẩn bị về tiếng Việt và được hỗ trợ ăn trưa nên tỷ lệ ra lớp cao hơn, bảo đảm chuyên cần.

Việc thực hiện thành công các mục tiêu cơ bản của Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ em được tới trường/lớp; thu hút được một nguồn lực lớn để đầu tư cơ sở vật chất theo yêu cầu kiên cố hóa, chuẩn hóa phục vụ công tác chăm sóc và giáo dục trẻ ở các địa phương. Trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đã được chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng vào học lớp một đồng thời tạo sự an tâm, tin tưởng của cha mẹ trẻ và cộng đồng đối với giáo dục mầm non.

Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi nhằm đảm bảo trẻ em mẫu giáo được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng; chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để vào lớp một, góp phần vào thực hiện quyền của trẻ em; đảm bảo việc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội, chỉ đạo của Chính phủ về phổ cập giáo dục mẫu giáo trên phạm vi cả nước; xây dựng hành lang pháp lý để huy động nguồn lực đầu tư đảm bảo các điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo.

Với các mục tiêu trên, theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi, trong việc xây dựng dự thảo Nghị quyết, dù đã có sự chuẩn bị tích cực song quan trọng nhất là phải tham mưu, xây dựng Nghị quyết như thế nào để khi đi vào thực tế triển khai, các địa phương có thể tham mưu, ban hành nhiều chính sách, đưa ra các giải pháp, tạo nguồn lực đổi mới giáo dục mầm non. Để đạt yêu cầu này, mới đây, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội thảo tham vấn thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo, với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo, các phòng giáo dục và đào tạo cùng đại diện các cơ sở giáo dục mầm non.

Đóng góp ý kiến cho Bộ GDĐT, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ cho rằng con người và cơ sở vật chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai tại các địa phương. Do đó, cần tập trung nguồn lực, đảm bảo các yếu tố để khi ban hành, chính sách được thực hiện thành công, hiệu quả. Phó Giám đốc Sở GDĐT Bắc Giang Nguyễn Văn Thêm đề xuất Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn về các tiêu chuẩn, mức độ đạt chuẩn và có sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản; thêm đối tượng trẻ mầm non được thụ hưởng các chính sách là con công nhân tại các khu công nghiệp. Phó trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học-Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk Võ Thị Phượng cho rằng cần có những cơ chế đặc thù cho vùng khó vì chỉ tiêu huy động trẻ ra lớp ở những địa phương này rất khó khăn. Ngoài ra, cần có những chính sách thu hút, tuyển dụng giáo viên mầm non nhằm tạo sự thay đổi cho giáo dục mầm non ở những địa phương khó khăn.

Các ý kiến đóng góp sẽ được ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết ghi nhận, tiếp thu, điều chỉnh phù hợp nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Chính phủ.

Thái Bình

Bạn đang đọc bài viết Phổ cập mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi: Tạo nền móng vững chắc cho phát triển giáo dục tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19