Tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025: Chuẩn bị từ sớm, từ xa

Năm học 2024-2025, sẽ là lần đầu tiên Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 với nhiều điểm mới theo chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, đặt ra nhiều thách thức, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, bảo đảm an toàn, chất lượng, hiệu quả.

Theo báo cáo tổng kết năm học 2023 – 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024 đã được tổ chức thành công, đảm bảo nghiêm túc và an toàn, tỷ lệ thí sinh dự thi đạt 99,6% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi, có 2.323 điểm thi, 45.149 phòng thi. Kỳ thi năm nay, Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến cho đối tượng thí sinh đang học lớp 12 năm học 2023 - 2024, với gần 95% số lượng thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến. Trong các ngày đăng ký dự thi, hệ thống quản lý thi hoạt động ổn định; việc đăng ký dự thi của thí sinh diễn ra bình thường, cơ bản thuận lợi, bảo đảm cơ sở dữ liệu thi chính xác, góp phần quan trọng để tổ chức Kỳ thi khách quan, công bằng. Nội dung đề thi năm 2024 được dư luận xã hội đánh giá cao, nhiều câu hỏi gắn với các vấn đề thực tiễn trong xã hội và chuẩn bị cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025. Đề thi có sự phân hóa phù hợp bảo đảm khách quan để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Phổ điểm từng môn thi và phổ điểm các tổ hợp xét tuyển truyền thống được phân tích và thông tin công khai.

Ảnh minh họa. Ảnh: Trung tâm TTSK (Bộ GDĐT)

Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đã ban hành chỉ thị và các văn bản hướng dẫn, xây dựng kế hoạch tổ chức thi sát thực tế; thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và phân công nhiệm vụ cho các thành viên bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và thời gian thực hiện. Các địa phương có các giải pháp, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong các ngày thi, đặc biệt là thí sinh người đồng bào dân tộc, thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo mọi thí sinh đều có thể tham dự Kỳ thi. Công tác chấm thi được các địa phương thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GDĐT.

Năm học 2024-2025, sẽ là lần đầu tiên Kỳ thi Tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 với nhiều điểm mới theo chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, đặt ra nhiều thách thức, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, bảo đảm an toàn, chất lượng, hiệu quả. Vì vậy ngày 08/3/2024 Bộ GDĐT ban hành Quyết định số 764/QĐ-BGDĐT về việc quy định cấu trúc định dạng đề thi cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025; tổ chức nhiều đợt tập huấn toàn quốc cho các chuyên gia, giảng viên, giáo viên cốt cán xây dựng ngân hàng câu hỏi thi phục vụ Kỳ thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025; thành lập ban soạn thảo, ban hành kế hoạch soạn thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Dự kiến quý IV năm 2024 sẽ đăng tải rộng rãi để thí sinh và người dân nắm rõ thông tin. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đã ban hành quyết định số 1158/QĐ-BGDĐT ngày 17/4/2024 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng phần mềm chấm thi trắc nghiệm, phần mềm quản lý thư viện/ngân hàng câu hỏi thi và hỗ trợ ra đề thi cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, kết thúc năm học 2024-2025, Kỳ thi Tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học, mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Kỳ thi sẽ bám sát mục tiêu chương trình; đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Mỗi thí sinh thi bốn môn trong đó có hai môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn trong số các môn học ở lớp 12; môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Để bảo đảm công tác đề thi và xây dựng ngân hàng câu hỏi thi cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo hướng mở, phù hợp với chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, Bộ GDĐT đã triển khai hai đợt tập huấn cho các giáo viên trên toàn quốc và huy động toàn ngành xây dựng câu hỏi thi và đề thi của 18 môn thi. Ngày 18/10/2024, Bộ GDĐT đã công bố 18 đề tham khảo bảo đảm đúng quy định về cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, bám sát Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và tập trung chủ yếu vào chương trình học lớp 12.

Đối với Quy chế thi được tổ chức tiếp thu các ý kiến xã hội để sớm ban hành, triển khai thực hiện tập huấn kỹ cho các địa phương từ sớm, từ xa; triển khai hoàn thiện các hệ thống phần mềm tổ chức thi và thử nghiệm trên diện rộng, kiểm tra đánh giá về an ninh, an toàn trước khi đưa vào sử dụng...

Không chỉ Bộ GDĐT, tại thời điểm này, các Sở GDĐT đều xác định từ năm 2025 Kỳ thi Tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều thay đổi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nên ngay từ đầu năm học đã có sự chỉ đạo sâu sát các cơ sở giáo dục tăng cường công tác dạy và học, nhất là tiếp cận với phương thức thi mới nên sẽ tổ chức nhiều cuộc đánh giá diện rộng, nhiều kỳ thi thử nhằm rèn luyện các kỹ năng, bổ sung kiến thức để tiếp cận theo hướng đề thi mới.

Tại Bến Tre, chuẩn bị cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025, Sở GDĐT đã yêu cầu các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên chủ động có kế hoạch tổ chức truyền thông, dạy học và ôn tập tốt cho học sinh lớp 12. Đồng thời, tổ chức thi thử khi có điều kiện nhằm tập huấn giáo viên thực hiện các quy định trong tổ chức thi, học sinh làm quen với cách thức thi mới theo Quy chế của Bộ GDĐT và tự ôn tập kiến thức, chuẩn bị tốt để tham gia kỳ thi. Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tiết kiệm chi phí và đảm bảo hiệu quả trong tổ chức thi. Để giúp học sinh có năng lực tốt dự thi tốt nghiệp THPT, ông Bùi Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở GDĐT Bến Tre nhấn mạnh việc các trường cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ theo định hướng đánh giá năng lực học sinh. Quan tâm xây dựng ngân hàng câu hỏi, bài tập để phục vụ cho việc kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ chính xác, theo yêu cầu đánh giá năng lực học sinh của Chương trình GDPT hiện hành, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả Kỳ thi Tốt nghiệp THPT. Cơ sở giáo dục tự thực hiện đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với kết quả đánh giá học tập của học sinh, làm cơ sở rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng.

Chú trọng công tác ôn tập cho học sinh trước kỳ thi, Sở GDĐT Lạng Sơn yêu cầu các trường thực hiện kế hoạch dạy và học, ôn tập, kiểm tra, đánh giá học sinh bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Sở cũng tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên các bộ môn về kỹ thuật xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra đánh giá đáp ứng các yêu cầu cần đạt trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và định hướng thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 ngay từ đầu năm học 2024-2025.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, năm 2025 là năm đầu thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cho nên tất cả các công tác liên quan kỳ thi, từ chỉ đạo, hoạt động chuyên môn đến kiểm tra, thanh tra trước, trong, sau kỳ thi... cần thực hiện kỹ lưỡng với yêu cầu cao hơn so với những năm trước. Vì vậy, các sở GDĐT cần chỉ đạo tổ chức hoạt động chuyên môn ở các nhà trường bám sát yêu cầu kiểm tra, đánh giá thường xuyên; đồng thời quan tâm lựa chọn cử giáo viên có trình độ, năng lực tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi. Đối với các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 7/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025. Bảo đảm tổ chức kỳ thi theo hướng giảm áp lực, giảm chi phí, ít tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội; bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; làm căn cứ đánh giá quá trình dạy và học ở các nhà trường, các địa phương; cung cấp dữ liệu tin cậy, trung thực để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong công tác tuyển sinh.

Minh Phong

Bạn đang đọc bài viết Tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025: Chuẩn bị từ sớm, từ xa tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19