Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lào Cai đặt ra mục tiêu có ít nhất 38% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 98% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi mẫu giáo; 95% học sinh người dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học. Trong đó, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Để đạt được mục tiêu trên, trong năm học 2023-2024, Lào Cai triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng các giải pháp tăng cường tiếng Việt, tạo môi trường Tiếng Việt trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, gia đình và cộng đồng vùng dân tộc thiểu số; Nâng cao trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ cho trẻ em, đưa nội dung giáo dục tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số vào chương trình đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học trong trường Sư phạm; Bổ sung học liệu, sách truyện thư viện, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, hoàn thiện cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với giáo dục mầm non và tiểu học vùng dân tộc thiểu số, trong đó tập trung 34 xã có nhiều dân tộc khác nhau (Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Sa Pa, Bát Xát: 25 xã; Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên, thành phố Lào Cai: 9 xã) và 108 trường có nhiều điểm trường; Ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho người nấu ăn trong các cơ sở giáo dục mầm non vùng dân tộc thiểu số. Nội dung giáo dục tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số được soạn thảo bài bản để đưa vào chương trình đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học; lựa chọn, bổ sung tài liệu, học liệu, tranh ảnh, băng đĩa phù hợp, phổ biến cho các trường mầm non, tiểu học ở vùng có người dân tộc thiểu số.
Tại trường mầm non Choản Thèn, xã Y Tý, một xã biên giới thuộc huyện Bát Xát, giáo viên được nhà trường yêu cầu phải nói được tiếng đồng bào địa phương, ở đây là tiếng dân tộc Hà Nhì để làm tốt công tác dạy học song ngữ cho học sinh và giao tiếp với phụ huynh học sinh. Xây dựng mối quan hệ gia đình đồng hành với nhà trường, tuyên truyền để phụ huynh hiểu được sự quan trọng của việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, đặc biệt là giai đoạn tiền tiểu học. Trường đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường tiếng Việt ở không gian bên ngoài lớp học, tăng thời lượng hoạt động ngoại khóa cả ở trường chính và các điểm trường. Trường yêu cầu giáo viên dạy trẻ 5 tuổi thường xuyên trao đổi chuyên môn với giáo viên lớp 1 để tìm hiểu những yêu cầu chung, từ đó có cách hướng dẫn dạy trẻ phù hợp, bảo đảm sự liên thông kiến thức, nhận biết khi bước vào lớp 1.
Học sinh trường mầm non Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai trong giờ ngoại khóa. Ảnh: PV
Học sinh trường mầm non Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai nhận quà từ tổ chức từ thiện. Ảnh: PV
Còn tại huyện Si Ma Cai, nơi có 10/17 trường đang thực hiện mô hình điểm về tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Trong đó, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Si Ma Cai) là một trong những điểm trường ngày càng có nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Năm học 2024-2025 trường có 315 học sinh thì chiếm đến 80% là người Hmông. Trước đây, khi trẻ bắt đầu đi học, đa số chưa biết nói tiếng phổ thông, các em khá nhút nhát, kém hòa đồng, đặc biệt là với các bạn khác dân tộc. Những năm học gần đây, với chủ chương tăng cường học tiếng Việt, xác định phương châm “Tiếng Việt là tiên quyết của chất lượng”, đã tạo động lực cho thầy và trò quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu học tập. Để việc làm quen với ngôn ngữ phổ thông được thuận lợi, phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số, trước tiên trẻ vẫn tiếp tục học chương trình song ngữ tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ. Nhờ đó bên cạnh tăng cường khả năng giao tiếp, phát triển nhận thức nhờ tiếp cận với nguồn văn hóa, tri thức rộng lớn được xuất bản bằng tiếng phổ thông.
Mai Hoàng