Vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An có 2 xã tái định cư Thanh Sơn và Ngọc Lâm, thuộc khu vực III với 13 thôn, bản. Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái và Khơ Mú sinh sống. Họ là những cư dân nhường đất cho công trình thủy điện Bản Vẽ, di dời từ huyện Tương Dương về định cư ở vùng đất mới Thanh Chương. Điều kiện cuộc sống của đồng bào Thái và Khơ Mú từ trước khi di rời gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tiếp cận phát triển giáo dục, nâng cao dân trí rất hạn chế, trong đó rất nhiều người chưa thành thạo tiếng phổ thông nên việc nâng cao cấp học cho trẻ em chưa hiệu quả. Để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Nhà nước đã cấp tổng kinh phí cho 2 xã là 24,52 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 2 công trình giao thông, 3 công trình trường học, 2 nhà sinh hoạt cộng đồng, tổ chức duy tu bảo dưỡng được 9 công trình khác nhằm vừa ổn định đời sống cư dân tái định cư, phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt quan tâm công tác giáo dục địa phương.
Trường mầm non bản Thanh Dương, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ảnh: PV
Sau quá trình ổn định tái định cư, chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành giáo dục huyện Thanh Chương nhận thấy tỷ lệ đi học, tiếp thu bài học của trẻ em Thái và Khơ Mú chưa cao, đặc biệt là trẻ em Khơ Mú ở cấp tiểu học. Thực tế cho thấy trẻ không hiểu ngôn ngữ phổ thông có thể cảm thấy bị cô lập, khó hòa nhập với bạn bè và giáo viên. Nắm vững tiếng Việt giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp, đồng thời thúc đẩy khả năng hoà nhập tốt hơn với các học sinh từ các dân tộc khác.
Việc không thông thạo tiếng Việt là một trong những yếu tố dẫn đến chênh lệch chất lượng giáo dục giữa học sinh dân tộc thiểu số và học sinh người Kinh. Nếu không tăng cường tiếng Việt, trẻ em dân tộc thiểu số có thể bị tụt hậu trong quá trình học tập, ảnh hưởng đến cơ hội phát triển sự nghiệp và cuộc sống sau này. Do đó, tạo cơ hội tiếp cận ngôn ngữ phổ thông là cách để hướng tới một nền giáo dục bình đẳng hơn. Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số là một biện pháp cần thiết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vì ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiếp thu kiến thức và phát triển kỹ năng của trẻ. Trường mầm non bản Thanh Dương, xã Thanh Sơn chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số, trong đó trẻ người dân tộc Khơ Mú chiếm gần 70%. Giáo viện hiệu trưởng của trường cho biết: Hầu hết các em khi mới vào học chưa biết nói tiếng phổ thông, chưa mạnh dạn khi giao tiếp. Để nâng cao hiệu quả giáo dục, nhà trường có biện pháp bố trí giáo viên mầm non người dân tộc thiểu số thông thạo cả hai ngôn, nhằm thuận lợi trong việc giao tiếp và truyền dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ song vẫn có thể giải thích cho trẻ bằng tiếng mẹ đẻ, để trẻ cảm thấy gần gũi, dễ tiếp thu và không bị cô lập. Thực tế, độ tuổi mầm non là giai đoạn trẻ đang tập nói và khám phá thế giới tự nhiên, do đó việc học tập ngôn ngữ phổ thông lúc này sẽ giúp thuận lợi hơn rất nhiều so với việc học tiếng Việt khi trẻ lớn hơn. Hơn nữa, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số không chỉ là việc hỗ trợ ngôn ngữ mà còn là giải pháp để thu hẹp khoảng cách giáo dục và phát triển xã hội, giúp trẻ có cơ hội hòa nhập và phát triển toàn diện.
Nhằm mục đích tuyên truyền các chiến lược, chính sách về việc nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh và gia đình các đồng bào dân tộc thiểu số trong việc đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông các trường mầm non ở Thanh Sơn được quán triệt thực hiện tốt công tác xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Quan tâm trang trí lớp học, các góc học tập khoa học, có ứng dụng nâng cao năng lực ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ; các góc chơi trong trường được xây dựng mang tính mở, phong phú về hình ảnh có gắn chú thích bằng tiếng Việt; kết hợp chữ viết ở trên các bảng biểu, góc học tập, đồ dùng, đồ chơi, ghi tên các cây hoa, cây xanh quanh khuôn viên nhà trường… Việc giúp trẻ mầm non vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông thạo tiếng phổ thông là chìa khóa quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mục tiêu là giúp các em mạnh dạn hòa nhập tốt hơn trước khi vào học lớp 1, tạo tiền đề lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo.
Mai Hoàng