Quản lý tài năng trong giáo dục đại học: Định hướng chiến lược cho phát triển bền vững

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, nền kinh tế tri thức ngày càng đòi hỏi về chất lượng nhân lực cao, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các tổ chức giáo dục đại học trong việc đào tạo và phát triển nguồn tài năng tương lai. Điều này làm nổi bật vai trò của quản lý tài năng, một lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm sâu rộng nhờ vào vai trò then chốt trong duy trì và nâng cao chất lượng lực lượng lao động.

Hiện trạng nghiên cứu và khoảng trống trong phát triển nguồn tài năng

Mặc dù quản lý tài năng đang là chủ đề trọng tâm, nghiên cứu về phát triển tài năng trong giáo dục đại học vẫn còn mới mẻ và thiếu sự tiếp cận hệ thống nhằm xác định rõ các xu hướng, tác giả, tạp chí và chủ đề nghiên cứu chính. Để lấp đầy khoảng trống ấy, bài viết này đã áp dụng phân tích trắc lượng thư mục - một công cụ hữu ích giúp hệ thống hóa và đánh giá các yếu tố quan trọng liên quan đến quản lý nguồn tài năng. Phương pháp trên không chỉ hỗ trợ xác định những xu hướng nghiên cứu mà còn giúp phân tích các công trình có ảnh hưởng lớn, từ đó tạo nền tảng cho các nghiên cứu và ứng dụng trong quản lý tài năng tại các tổ chức giáo dục.

Đào tạo tài năng trẻ: Đảm bảo chất lượng và hạn chế “chảy máu chất xám”

Với nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo và phát triển tài năng trẻ trở thành yếu tố chiến lược trong giáo dục đại học và là nhiệm vụ quan trọng của các tổ chức giáo dục và các quốc gia. Đào tạo sinh viên tốt nghiệp không chỉ nhằm nâng cao chất lượng lực lượng lao động, mà còn hướng đến giảm thiểu hiện tượng “chảy máu chất xám” - tình trạng các tài năng ưu tú tìm kiếm cơ hội tại các quốc gia phát triển thay vì quay lại đóng góp cho quê hương. Nghiên cứu của Ananthan và cộng sự (2019), Latukha và cộng sự (2022) đã làm sáng tỏ các phương pháp quản lý tài năng nhằm giữ chân nguồn nhân lực chất lượng, bao gồm các biện pháp như kết nối sinh viên với các cơ hội nghề nghiệp trong nước, phát triển chương trình thực tập và hỗ trợ tài chính sau khi tốt nghiệp. Điều này đặt nền tảng cho việc thiết kế các chương trình giáo dục có mục tiêu dài hạn, giúp các trường đại học chuẩn bị và duy trì một lực lượng lao động tài năng đáp ứng yêu cầu xã hội trong nhiều lĩnh vực.

Tính bao trùm và thách thức trong quản lý tài năng

Sự đa dạng trong lực lượng học thuật, bao gồm các yếu tố khác biệt về giới tính, độ tuổi, văn hóa và xuất thân, tạo ra những thách thức cho việc quản lý tài năng, yêu cầu các tổ chức phải có cách tiếp cận linh hoạt và bao trùm. Nghiên cứu của Mousa và cộng sự (2022), cùng với Mousa và Ayoubi (2019) đã phân tích các yếu tố cản trở và các điều kiện cần thiết để phát triển nguồn tài năng bao trùm trong môi trường học thuật. Những phát hiện này giúp các nhà quản lý và giáo dục hiểu rõ hơn vai trò của tính bao trùm trong quản lý tài năng và khả năng điều chỉnh chương trình đào tạo sao cho phù hợp với đặc thù của tổ chức và nhu cầu của từng nhóm nhân lực. Khai thác tính khả thi của phát triển tài năng bao trùm là bước tiến quan trọng trong việc tạo dựng một môi trường giáo dục tích cực, nơi mọi cá nhân đều có cơ hội phát triển tối đa năng lực của mình.

Quản lý tài năng theo từng giai đoạn: Phát triển và duy trì nguồn lực học thuật

Trong môi trường giáo dục đại học, sự đa dạng về tuổi tác, kinh nghiệm và kỹ năng đặt ra yêu cầu cao đối với việc quản lý tài năng. Nghiên cứu của Gandy và cộng sự (2018) đã đưa ra cách tiếp cận đặc thù cho từng giai đoạn trong đời sống học thuật, giúp các tổ chức giáo dục không chỉ thu hút mà còn động viên và duy trì các tài năng suốt hành trình nghề nghiệp của họ. Các tài năng, đặc biệt là giảng viên và nhân viên, thường trải qua những giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp, từ những năm đầu làm việc với mục tiêu phát triển chuyên môn, cho đến giai đoạn sau với nhu cầu củng cố và chia sẻ kiến thức. Các trường đại học có thể xây dựng chương trình phát triển tài năng theo từng giai đoạn này để hỗ trợ tối đa các giảng viên và nhân viên, từ đó nâng cao hiệu quả của tổ chức và phát triển năng lực cá nhân.

Quản lý tài năng - “Chìa khóa” tạo lợi thế cạnh tranh cho các trường đại học

Quản lý tài năng không chỉ là một phương pháp quản lý nguồn nhân lực mà còn là công cụ chiến lược giúp các trường đại học đạt được lợi thế cạnh tranh. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và áp lực đổi mới liên tục, thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài đã trở thành một yêu cầu thiết yếu đối với các tổ chức giáo dục. Hazelkorn (2017), Ramaditya và cộng sự (2022) nhấn mạnh rằng phát triển nguồn tài năng không chỉ giúp cải thiện chất lượng giáo dục mà còn thúc đẩy sáng tạo, quản lý tri thức và khuyến khích phát triển những tài năng mới. Bằng cách tập trung vào quản lý tài năng, các trường đại học có thể xây dựng môi trường học thuật tiên tiến, thu hút các giảng viên và sinh viên tài năng, và tạo ra giá trị cốt lõi thông qua chất lượng đào tạo và nghiên cứu.

Ứng dụng và triển vọng cho giáo dục đại học tại Việt Nam

Trước thách thức từ thị trường lao động và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, Việt Nam có thể học hỏi các chiến lược quản lý tài năng từ các quốc gia phát triển. Để giảm thiểu tình trạng “chảy máu chất xám”, chính phủ cần phát triển các chương trình quản lý tài năng bền vững, từ việc kết nối sinh viên với các cơ hội nghề nghiệp trong nước, tạo điều kiện để sinh viên có thể tiếp cận với các chương trình thực tập chất lượng cao, đến việc xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính nhằm khuyến khích sinh viên gắn bó lâu dài với quê hương. Đồng thời, tính bao trùm trong phát triển nguồn tài năng cũng đóng vai trò quan trọng, đảm bảo mọi sinh viên, bất kể nền tảng, đều có cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, quản lý tài năng theo từng giai đoạn sự nghiệp học thuật sẽ giúp các trường đại học xây dựng lộ trình sự nghiệp cho sinh viên, giảng viên và nhân viên, từ đó nâng cao khả năng giữ chân nhân tài.

Nghiên cứu về quản lý tài năng trong giáo dục đại học đã đóng góp quan trọng vào việc xây dựng nền tảng lý thuyết và thực tiễn cho phát triển nguồn tài năng. Các phát hiện và phương pháp này không chỉ cung cấp định hướng cho các nhà nghiên cứu và giáo dục mà còn khẳng định vai trò quan trọng của quản lý tài năng trong xây dựng hệ sinh thái học thuật bền vững. Trong tương lai, các nghiên cứu sâu hơn sẽ giúp các tổ chức giáo dục hiểu rõ và ứng dụng tốt hơn các chiến lược quản lý tài năng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho ngành giáo dục và phục vụ phát triển nguồn nhân lực cho quốc gia.

Vân An lược dịch

Nguồn: 

Razali, R., Arifin, M. A., Shafie, L. A., Azizan, F. L., & Ishak, M. A. M. (2024). Mapping the landscape of talent management research in higher education: a bibliometric analysis. Cogent Business & Management, 11(1). https://doi.org/10.1080/23311975.2023.2298300

Bạn đang đọc bài viết Quản lý tài năng trong giáo dục đại học: Định hướng chiến lược cho phát triển bền vững tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn