Sử dụng điện thoại trong lớp học (Ảnh minh họa nguồn internet)
Trong thời đại công nghệ số phát triển vượt bậc như hiện nay, việc sử dụng điện thoại thông minh smartphone giúp con người ứng dụng và bắt kịp xu thế thời cuộc. Tuy nhiên, với học sinh, việc sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học mang lại tác động hai mặt. Mặt tốt là tạo sự thuận lợi khi học sinh cần tìm hiểu thêm thông tin tham khảo, tra cứu, mở rộng kiến thức ngoài sách giáo khoa, tham gia trao đổi học tập trên các hội nhóm, group mà không bị giới hạn địa điểm, khoảng cách, bắt kịp xu hướng chuyển đổi số trong đổi mới giáo dục... Nhưng mặt trái là điện thoại thông minh có nhiều ứng dụng, công nghệ hấp dẫn dễ cuốn học sinh vào những hoạt động như: quay cóp bài, chơi game, lướt web, mạng xã hội facebook, tiktok, xem phim, chụp ảnh... khiến học sinh xao nhãng, mất tập trung trong học tập, hạn chế sự tương tác, trò chuyện, trao đổi học tập trực tiếp với bạn bè, thầy cô, gia đình.
Đặc biệt, trên môi trường mạng, các nội dung vô cùng phong phú, tích cực có, tiêu cực cũng rất nhiều, nếu học sinh chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh các thông tin độc hại, hoặc chưa biết cách bảo vệ hành động của mình sẽ dễ bị bạo lực, bắt nạt, lạm dụng, lừa đảo... ảnh hưởng tới tâm sinh lý và sức khỏe của học sinh.
Cấm sử dụng điện thoại ở các quốc gia trên thế giới
Việc cấm hoặc cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh có kiểm soát trong trường học không chỉ là vấn đề tại Việt Nam mà nó là vấn đề mang tính toàn cầu. Được biết, từ tháng 7 năm 2023, UNESCO đã đề xuất cấm điện thoại thông minh tại các trường học trên toàn thế giới.
Trong năm học 2024 – 2025, với mục tiêu giảm thiểu sự phân tâm và cải thiện khả năng tập trung của học sinh trong trường học, tại các quốc gia trên thế giới phong trào cấm sử dụng điện thoại trong trường học trở nên bùng nổ.
Theo tạp chí The Guardian, tại Cộng hòa Pháp, Bộ Giáo dục Pháp cho biết, sẽ thử nghiệm lệnh cấm điện thoại di động tại trường học đối với học sinh dưới 15 tuổi nhằm mục đích cho trẻ em một "khoảng dừng kỹ thuật số", nếu thử nghiệm được đánh giá là thành công sẽ triển khai trên toàn quốc từ tháng 1.2025. Thực hiện thử nghiệm này có gần 200 trường trung học ở Pháp sẽ tham gia thử nghiệm, với yêu cầu trẻ em phải nộp điện thoại khi đến quầy lễ tân.
Tại Cộng hòa liên bang Đức, không có lệnh hạn chế chính thức nào nhưng hầu hết các trường học đều cấm sử dụng điện thoại di động và thiết bị kỹ thuật số trong lớp học, ngoại trừ mục đích giáo dục.
Tại Anh, vào tháng 2-2024, nước này đã ban hành hướng dẫn về việc cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học. Các trường học sẽ tự lựa chọn cách thực hiện lệnh cấm.
Bồ Đào Nha đang thử nghiệm một giải pháp thỏa hiệp bằng cách áp dụng một số ngày không sử dụng điện thoại tại các trường học mỗi tháng, trong khi ở Tây Ban Nha, các trường học ở một số vùng đã áp dụng lệnh cấm nhưng không có lệnh cấm trên toàn quốc.
Nước Ý đã ban hành lệnh cấm điện thoại sớm, áp dụng lệnh này vào năm 2007 trước khi nới lỏng vào năm 2017 và áp dụng lại vào năm 2022. Lệnh này áp dụng cho mọi nhóm tuổi.
Tại Hà Lan, từ ngày 02-9-2024, học sinh tiểu học bị cấm sử dụng điện thoại di động, đồng hồ thông minh và máy tính bảng tại trường. Đến tháng 1-2025, việc cấm sử dụng điện thoại di động sẽ được áp dụng đối với các trường trung học. Tuy nhiên, điện thoại vẫn có thể được sử dụng trong lớp nếu cần thiết cho nội dung bài học, các vấn đề liên quan đến y tế hoặc khi hỗ trợ người khuyết tật. Theo Chính phủ Hà Lan, quy định này nhằm giúp học sinh tránh khỏi ảnh hưởng của điện thoại để tập trung hơn và tăng hiệu suất học tập.
Ở châu Á, Trung Quốc là quốc gia đã áp dụng lệnh cấm này. Cụ thể, Bộ Giáo dục Trung Quốc cấm học sinh tiểu học và trung học mang điện thoại di động đến trường từ năm 2021.
Tại Singapore cũng đang chuẩn bị công bố các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng sử dụng điện thoại ở các trường học trong những tháng tới.
Quy định cấm sử dụng điện thoại trong trường học tại Việt Nam
Khảo sát của UNICEF năm 2022 cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam từ 12 – 13 tuổi sử dụng Internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14 – 15 là 93%. Trong khi đó, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội là từ 5-7 giờ mỗi ngày. Vấn đề bảo vệ trẻ em Việt Nam trên mạng đang đặt ra nhiều thách thức. Trong 6 nhóm rủi ro khi trẻ em tham gia môi trường mạng có vấn đề nghiện Internet.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam (LĐTB&XH) năm 2024, có tới gần 90% trẻ em truy cập internet hàng ngày, nhưng chỉ có khoảng 35% các em được học về cách bảo vệ mình trên môi trường mạng. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh vấn đề chất lượng học tập, còn có nhiều vấn đề khác phải tính đến như: vấn đề bạo lực, bắt nạt cũng có thể nảy sinh.
Theo báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu năm 2023 của Unesco, việc sử dụng công nghệ trong lớp học cũng có thể làm gián đoạn việc học tập. Ở Việt Nam, 30% học sinh được khảo sát trong báo cáo này cho biết việc sử dụng công nghệ để học tập làm tăng sự lo lắng và xao nhãng trong các hoạt động phi học thuật. Việc sử dụng điện thoại di động được cho là gây rối, gây khó khăn cho giáo viên trong việc quản lý lớp học.
Ở nước ta hiện nay, nhiều trường học không chỉ cấm các em học sinh không được sử dụng điện thoại trong giờ học mà cả trong giờ ra chơi. Một số trường học chỉ cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong những tiết được giáo viên cho phép tra cứu, tham khảo mở rộng bài học hoặc chỉ sử dụng điện thoại giờ ra chơi.
Một số trường, giáo viên sẽ thu điện thoại của học sinh trong giờ học (Ảnh minh họa, nguồn internet )
Nhiều câu hỏi đặt ra là có nên hay không cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học? Và quy định quản lý việc sử dụng điện thoại của học sinh như thế nào là hợp lý?
Vấn đề này luôn là chủ đề được các cấp, các ban ngành, gia đình, nhà trường và xã hội dành nhiều sự quan tâm cũng như tìm các phương án để quản lý và hướng dẫn học sinh sử dụng sao cho hiệu quả. Đặc biệt, ngành giáo dục đã có những thông tư, quy định hướng dẫn giáo viên và học sinh thực hiện việc quản lý điện thoại trong giờ học cụ thể, linh hoạt.
Theo Điều lệ trường trung học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GDĐT có quy định “học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.
Việc sử dụng điện thoại trong lớp học với mục đích học tập của học sinh chính là khai thác các lợi thế kết nối của các thiết bị thông minh (trong đó có điện thoại) góp phần nâng cao hiệu quả dạy học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thời kì chuyển đổi số đang diễn ra.
Để hướng dẫn giáo viên và các nhà trường quản lý, khai thác và sử dụng thiết bị dạy học (trong đó có điện thoại di động) một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học và kinh tế xã hội của địa phương, Bộ GD-ĐT có Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục: “không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được giáo viên hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong Kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập. Giáo viên thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học”.
Như vậy, việc sử dụng điện thoại ở trường về cơ bản vẫn là hành vi bị cấm và học sinh chỉ được sử dụng khi được sự đồng ý của giáo viên và phục vụ mục đích học tập dưới sự quản lý, giám sát của giáo viên, nhà trường và gia đình học sinh.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ GD& ĐT: Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào về việc
2. Bộ GD&ĐT: Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào về việc.
3. Unesco (2023): Báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu năm 2023 của Unesco về Đông Nam Á, Công nghệ trong giáo dục.
Trịnh Thu