Nhằm tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025, ngoài yêu cầu về hoàn thiện thể chế, Chính phủ đã giao UBND cấp tỉnh phải thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ “Thực hiện và rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục theo hướng; không tiếp tục phát triển mở rộng các cơ sở giáo dục công lập mà cần đầu tư có trọng điểm, dành ngân sách nhà nước cho các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc một số cơ sở giáo dục trọng điểm; tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao; đẩy mạnh tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục công lập với lộ trình phù hợp cho từng cấp học; chủ động phân luồng và định hướng cho phụ huynh và người học lựa chọn các mô hình trường không phân biệt công lập hay ngoài công lập”.
Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: T.N
Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/06/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2025 có nêu: “Ở các địa phương đều có loại hình giáo dục đào tạo ngoài công lập với 2.955 cơ sở (chiếm 6,68% trong tổng số 44.228 cơ sở giáo dục đào tạo của cả nước); 1,35 triệu học sinh, sinh viên (chiếm 6% trong tổng số 22,5 triệu học sinh, sinh viên cả nước); tạo ra gần 100.000 việc làm cho nhà giáo, người lao động.
Đối với giáo dục đại học, hiện có 65 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập với tổng số 244.000 sinh viên, chiếm 13,8% tổng số sinh viên cả nước; đã có 5 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đào tạo trên 5.000 sinh viên mỗi năm”.
Đến năm học 2020-2021, cả nước đã có 42.080 cơ sở giáo dục từ nhà trẻ, mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có 4.077 cơ sở giáo dục ngoài công lập (3.326 cơ sở giáo dục mầm non, 685 cơ sở giáo dục phổ thông và 60 trường đại học tư thục/dân lập và 6 trường đại học 100% vốn nước ngoài) với gần 1,9 triệu học sinh, sinh viên ngoài công lập.
Từ mục tiêu “chủ động phân luồng và định hướng cho phụ huynh và người học lựa chọn các mô hình trường không phân biệt công lập hay ngoài công lập”, mới đây, Hà Nội dự kiến sẽ có 40% học sinh THPT vào trường tư.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục. Mục tiêu là số trường tư chiếm 21% tổng số trường học và 14-16% số học sinh vào năm 2025.
Trong đó, ở bậc mầm non, cả hai tỷ lệ này đều là 30%. Với phổ thông (lớp 1-12), số trường tư trung bình đạt khoảng 13%, số học sinh từ 7 đến 40% (cao nhất ở THPT).
Cuối năm học trước, Hà Nội có 2.875 trường, khối tư thục chiếm 20,6% với 330.000 học sinh. Riêng ở THPT, tỷ lệ học sinh trường tư đạt hơn 25%.
Thành phố giao Sở GDĐT chủ trì kiểm tra, giám sát hoạt động trường tư, nhất là công khai học phí, tài chính và cam kết chất lượng; rà soát mạng lưới trường học để phát triển xã hội hóa giáo dục.
Năm học 2024-2025, Hà Nội có khoảng 2,3 triệu trẻ mầm non và học sinh phổ thông, đông nhất cả nước. Điều này tạo áp lực lên hệ thống trường công lập, sĩ số lớp ở tiểu học ở 28/30 quận, huyện vượt quy định của Bộ GDĐT (35 học sinh một lớp). Đặc biệt, kỳ thi vào lớp 10 căng thẳng, như năm học vừa qua, khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng các trường THPT công lập chỉ có khoảng 77.000 suất học. Tính đến năm học 2024 - 2025, Hà Nội có khoảng 600 trường tư thục. Trong đó, cấp THPT có khoảng 100 trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 30.000 học sinh lớp 10.
Tại TP.HCM, trong quyết định phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục TP.HCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045 do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký, TP.HCM phấn đấu thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á, đạt trình độ tiên tiến của khu vực Châu Á vào năm 2030.
TP.HCM xây dựng xã hội học tập, khuyến khích, tạo điều kiện công bằng, thuận lợi để mọi người dân TP được học tập suốt đời; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và hội nhập quốc tế của TP.HCM.
Với mục tiêu tổng quát đó, TP.HCM đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, TP.HCM sẽ giảm tối thiểu bình quân 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Đến năm 2030, TP.HCM đảm bảo 60% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 70% trường THCS và 50% trường THPT công lập đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia.
Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025 có 54 trường học ngoài công lập trong kế hoạch thực hiện việc tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2025.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, mục tiêu mà tỉnh này đưa ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 là trường Mầm non ngoài công lập đạt tỷ lệ 21,66% (34/157 trường) số trường Mầm non trong tỉnh, tương ứng với số trẻ theo học đạt khoảng 12,59%.
Trường Tiểu học ngoài công lập đạt tỷ lệ 5,45% (14/257 trường) số trường Tiểu học trong tỉnh, tương ứng với số học sinh theo học đạt khoảng 3,15%.
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của giáo dục
Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội cho biết, sẽ xây dựng, ban hành chính sách về quyền lợi của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục làm việc tại các trường tư, bảo đảm ít nhất ngang bằng với quyền lợi của đội ngũ giáo viên công lập. Các cơ sở giáo dục tư thục sẽ được tiếp cận, thụ hưởng vốn viện trợ ODA theo quy định của pháp luật liên quan.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, trong bối cảnh tốc độ gia tăng dân số nhanh, Sở GDĐT sẽ tăng cường tham mưu với thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả việc rà soát bổ sung, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Kế hoạch của UBND tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc rà soát, sắp xếp mạng lưới các trường Mầm non và phổ thông; quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp theo hướng không tiếp tục phát triển mở rộng cơ sở giáo dục công lập mà cần đầu tư có trọng điểm, tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao; chủ động phân luồng và định hướng cho phụ huynh và người học lựa chọn các mô hình trường không phân biệt công lập hay ngoài công lập.
Đồng thời với mục tiêu, chiến lược phát triển giáo dục, TP.HCM chỉ ra các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030. Trong đó, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người học. Thành phố sẽ triển khai hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng hóa các mô hình đào tạo, chương trình giáo dục.
Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GDĐT Điện Biên cho biết: "Phát triển loại hình giáo dục ngoài công lập đang là xu thế tất yếu và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Nhất là khi nhiều địa phương đang đẩy mạnh thực hiện việc rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khoá XII (mục tiêu đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021)”. Lãnh đạo Sở GDĐT Điện Biên khẳng định, việc phát triển giáo dục ngoài công lập đã có đóng góp lớn cả về mặt giáo dục và lợi ích kinh tế, xã hội; làm tăng cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng cho người học và làm giảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục. Đồng thời, tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng thúc đẩy giáo dục phát triển.
Ông Trần Thiện Toản, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GDĐT Tuyên Quang cho hay, các trường tư thục ở địa phương đều có cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục đảm bảo theo quy định của Bộ. Hệ thống trường tư thục trên địa bàn tỉnh đã góp phần giảm tải đối với các trường công lập, nhất là trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, các khu vực thị trấn, khu vực đông dân cư. Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, tính đến thời điểm hiện tại, có 5 trường tư thục (1 trường tiểu học và 4 trường mầm non); 58 nhóm trẻ mầm non độc lập với tổng số 3.096 học sinh. Ông Trần Thiện Toản nói thêm, những kết quả về giáo dục đạt được của các trường tư thục đã góp phần vào kết quả chung của ngành giáo dục tỉnh Tuyên Quang trong những năm vừa qua; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Thanh Nga
Tài liệu tham khảo: