Mức độ trao quyền quản lí của lãnh đạo nhà trường và sự tác động đến chất lượng giáo viên và trường học

Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, tự chủ trường học là yếu tố then chốt để đáp ứng nhu cầu phát triển và cải tiến giáo dục. Trao quyền tự chủ giúp nâng cao sự hài lòng, cam kết của giáo viên và cải thiện chất lượng giáo dục toàn diện.

Trong bối cảnh hiện nay, lãnh đạo trường học không chỉ đóng vai trò quản lí mà còn là người định hướng và dẫn dắt quá trình giáo dục. Các lãnh đạo trường học cần có quyền tự chủ để có thể xây dựng các chiến lược giáo dục phù hợp, phân bổ nguồn lực và phát triển chương trình giảng dạy đáp ứng nhu cầu của nhà trường. Bài viết này tìm hiểu tác động của mức độ trao quyền quản lí lên hiệu quả làm việc của giáo viên và hiệu quả tổng thể của trường học, từ đó khuyến nghị chính sách hỗ trợ cho lãnh đạo trường học đạt được hiệu quả tối ưu trong quá trình quản lí.

Nguồn: Linkedln

Kết quả cho thấy mức độ trao quyền quản lí không đồng đều, bị ảnh hưởng bởi cấu trúc hành chính và chính sách tại mỗi địa phương. Trong các hệ thống tập trung, lãnh đạo trường học thường có ít quyền tự chủ, khiến họ khó thích ứng với nhu cầu đặc thù của từng trường. Ngược lại, trong các hệ thống phân quyền, lãnh đạo có thể linh hoạt định hướng các mục tiêu của trường, phù hợp với yêu cầu giáo dục tại địa phương. Điều này giúp tăng cường hiệu quả cải tiến trường học một cách có hệ thống, tạo ra môi trường làm việc minh bạch và nâng cao tinh thần trách nhiệm.

Một phát hiện quan trọng là vai trò của phong cách lãnh đạo chuyển đổi (transformational leadership) trong việc tối ưu hóa sự trao quyền. Phong cách lãnh đạo chuyển đổi góp phần to lớn trong việc tạo động lực làm việc cho người lao động, trong đó người lãnh đạo bằng cách tạo sự hấp dẫn ở nhân viên bằng phẩm chất, bằng hành vi, bằng nguồn cảm hứng, bằng khuyến khích trí tuệ và bằng quan tâm đến từng cá nhân người lao động. Ở đây, những lãnh đạo có khả năng truyền cảm hứng, khuyến khích giáo viên và thúc đẩy sự đổi mới sẽ tăng cường tính hiệu quả của giáo viên và nhà trường qua việc khuyến khích tham gia tích cực và phát triển nghề nghiệp. Lãnh đạo chuyển đổi không chỉ thúc đẩy giáo viên đạt hiệu quả cao mà còn tạo ra một môi trường làm việc tích cực, đồng lòng với sứ mệnh của trường học, tăng tính cam kết và tinh thần trách nhiệm. Lãnh đạo trường học với phong cách này thường mời giáo viên và các bên liên quan tham gia vào quá trình ra quyết định, từ đó làm phong phú thêm quan điểm và đóng góp cho nhà trường.

Các lãnh đạo trường học được trao quyền sẽ tạo ra các giá trị và quy tắc phù hợp, giúp xây dựng một môi trường học đường nơi giáo viên và học sinh đều cảm thấy được trân trọng, tạo nên văn hóa trường học tích cực. Văn hóa này thúc đẩy sự gắn bó tổ chức của giáo viên, khuyến khích họ cống hiến cho sự phát triển của trường, đồng thời cải thiện chất lượng giáo dục và thành tích học tập của học sinh. Ngoài ra, môi trường văn hóa tích cực này còn tăng cường tinh thần hợp tác giữa các giáo viên và tạo ra một cộng đồng học tập bền vững. Khi lãnh đạo trường học mời phụ huynh, giáo viên và cộng đồng tham gia vào các quyết định quan trọng, họ có trách nhiệm và cam kết hơn với mục tiêu của nhà trường. Sự tham gia của các bên liên quan tạo điều kiện để các sáng kiến của trường được triển khai một cách bền vững và nhận được sự ủng hộ rộng rãi.

Tuy nhiên, việc trao quyền quản lí hiệu quả vẫn gặp phải một số khó khăn liên quan đến cấu trúc hành chính cứng nhắc và các chính sách hạn chế quyền tự chủ của lãnh đạo. Các hệ thống giáo dục tập trung áp đặt mô hình quản lí từ trên xuống dưới, làm cho lãnh đạo trường học phải tuân theo các quy trình chuẩn hóa và không thể linh hoạt điều chỉnh theo nhu cầu riêng của trường. Điều này khiến họ gặp khó khăn trong việc triển khai các sáng kiến giáo dục mới. Ngoài ra, áp lực từ bên ngoài, chẳng hạn như yêu cầu tuân thủ các quy định hành chính, cũng làm giảm khả năng sáng tạo của lãnh đạo trường học. Các nhà lãnh đạo trường học thường được khuyến khích cần tránh rủi ro và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, điều này làm giảm tính năng động và cản trở sự phát triển của nhà trường.

Khi lãnh đạo trường học có quyền tự chủ, họ có thể hỗ trợ giáo viên phát triển chuyên môn qua các hoạt động đào tạo và phát triển liên tục, chẳng hạn như các cộng đồng học tập nghề nghiệp. Điều này giúp giáo viên cảm thấy được công nhận và hài lòng với công việc, từ đó tăng cường cam kết và hiệu quả giảng dạy. Các lãnh đạo trường học có quyền tự chủ cao cũng có khả năng tổ chức các chương trình hỗ trợ giáo viên phát triển kĩ năng giảng dạy, kĩ năng quản lí lớp học và các kĩ năng cần thiết khác, giúp họ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của học sinh. Trao quyền cho lãnh đạo còn giúp đồng bộ hóa các mục tiêu của trường với mục tiêu giáo dục địa phương và quốc gia, từ đó tăng hiệu quả phân bổ nguồn lực và nâng cao hiệu quả giáo dục. Khi các trường học có lãnh đạo được trao quyền cao, họ có thể dễ dàng thực hiện các chiến lược cải tiến, đạt được thành tích học tập cao hơn và xây dựng một môi trường học tập tích cực, giúp học sinh phát triển toàn diện.

Có thể thấy, trao quyền quản lí là yếu tố cốt lõi trong việc cải thiện hiệu quả của giáo viên và trường học. Việc trao quyền quản lí không chỉ tạo ra môi trường làm việc tích cực, nâng cao động lực của giáo viên mà còn giúp nhà trường đạt được các mục tiêu giáo dục một cách bền vững. Các nhà hoạch định chính sách được khuyến nghị xây dựng các cấu trúc và chính sách hỗ trợ trao quyền cho lãnh đạo trường học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng giáo dục.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn: Kilag, O. K., Tokong, C., Enriquez, B., Deiparine, J., Purisima, R., & Zamora, M. (2023). School Leaders: The Extent of Management Empowerment and Its Impact on Teacher and School Effectiveness. Excellencia: International Multi-disciplinary Journal of Education (2994-9521)1(1), 127-140.