“Tính minh bạch” của đánh giá trong giáo dục đại học: Trường hợp tại Vương quốc Anh

Tính minh bạch trong các hoạt động đánh giá là một yếu tố cốt lõi của hệ thống giáo dục đại học tại Anh, góp phần duy trì sự công bằng và tin cậy trong quy trình học tập và đánh giá năng lực sinh viên. Chính sách này không chỉ đòi hỏi sự rõ ràng trong mục tiêu, tiêu chí và phản hồi đánh giá, mà còn là yếu tố giúp điều chỉnh kỳ vọng của sinh viên, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển học thuật.

Tính minh bạch trong đánh giá được công nhận là một thành phần quan trọng trong giáo dục đại học tại Vương quốc Anh, với vai trò tạo nên sự công bằng và tin cậy trong quá trình đánh giá học tập (Bloxham, 2012; Hudson et al., 2017; Strathern, 2000). Khái niệm này bao gồm sự rõ ràng trong các yếu tố như mục đích đánh giá, tiêu chí chấm điểm, phản hồi từ giảng viên và các hoạt động liên quan đến đánh giá. Chính sách này được xem là công cụ quan trọng để điều chỉnh kỳ vọng của sinh viên và nâng cao chất lượng giáo dục.

Sử dụng phương pháp tổng quan tài liệu các nhà nghiên cứu thu thập và phân tích các nghiên cứu hiện có về tính minh bạch trong đánh giá tại các trường đại học ở Vương quốc Anh. Các nghiên cứu điển hình, báo cáo chính sách và dữ liệu thống kê liên quan từ các tổ chức giáo dục đã được xem xét nhằm đánh giá mức độ hiệu quả của các quy trình đánh giá minh bạch. Bên cạnh đó, các cuộc phỏng vấn chuyên sâu với giảng viên và sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau cũng được thực hiện để làm rõ hơn về trải nghiệm thực tế trong việc thực hiện các chính sách đánh giá minh bạch.

Nguồn: Rory Griffiths/FT/Dreamstime

Kết quả cho thấy tính minh bạch trong đánh giá không chỉ cải thiện sự hiểu biết của sinh viên về quy trình chấm điểm mà còn giúp họ tự đánh giá được năng lực học tập của mình. Minh bạch về tiêu chí đánh giá và các tiêu chuẩn chấm điểm làm giảm thiểu sự mơ hồ, từ đó thúc đẩy sự công bằng trong việc đánh giá kết quả học tập. Phản hồi rõ ràng từ giảng viên là yếu tố quan trọng giúp sinh viên hiểu rõ hơn về hiệu suất của mình và những điểm cần cải thiện. Một điểm nổi bật khác trong các nghiên cứu là vai trò của việc phản hồi đa chiều, trong đó sinh viên không chỉ nhận phản hồi từ giảng viên mà còn có thể tham gia vào các hoạt động tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng. Điềunày góp phần tăng cường sự tham gia chủ động của sinh viên trong quá trình học tập, giúp họ nhận thức rõ hơn về mục tiêu học tập của mình.

Mặc dù tính minh bạch trong đánh giá đã được công nhận là một tiêu chuẩn thiết yếu, nhưng việc triển khai các chính sách này tại các trường đại học vẫn còn gặp phải những thách thức. Một số giảng viên vẫn gặp khó khăn trong việc áp dụng các tiêu chí đánh giá rõ ràng và nhất quán, dẫn đến sự không đồng đều trong việc thực hiện. Các cuộc phỏng vấn cho thấy một số sinh viên vẫn cảm thấy khó khăn trong việc hiểu rõ các tiêu chí đánh giá, dù những tiêu chí này đã được công khai. Đồng thời, áp lực thời gian và khối lượng công việc lớn cũng khiến cho giảng viên không thể đưa ra phản hồi chi tiết và rõ ràng như mong muốn; theo đó, ảnh hưởng đến sự hiểu biết của sinh viên về kết quả học tập và những cải thiện cần thiết.

Tính minh bạch trong đánh giá đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo sự công bằng và phát triển học thuật trong giáo dục đại học. Tuy nhiên, để đạt được tính minh bạch thực sự, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức giáo dục, giảng viên và sinh viên. Những cải tiến trong việc áp dụng các tiêu chí rõ ràng, phản hồi chi tiết và sự tham gia chủ động của sinh viên sẽ giúp cải thiện chất lượng giáo dục và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thành công học thuật. Chính sách giáo dục đại học tại Vương quốc Anh có thể tiếp tục cải tiến và phát triển để đáp ứng những yêu cầu này, nhằm thúc đẩy tính minh bạch trong đánh giá và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Gonsalves, C., & Lin, Z. (2024). Clear in advance to whom? Exploring ‘transparency’ of assessment practices in UK higher education institution assessment policy. Studies in Higher Education, 1–17. https://doi.org/10.1080/03075079.2024.2381124

Bạn đang đọc bài viết “Tính minh bạch” của đánh giá trong giáo dục đại học: Trường hợp tại Vương quốc Anh tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn