Định hình nhận thức về Trường học hạnh phúc
Dự án Trường học hạnh phúc (THHP) lần đầu tiên được UNESCO đề cập năm 2014 tại Hội nghị Bangkok (Thái Lan). Dự án này đã thực hiện các cuộc khảo sát và hội thảo với các trường học, bao gồm các khách thể là học sinh, giáo viên, phụ huynh và hiệu trưởng, nhằm xác định các yếu tố tạo nên một trường học hạnh phúc. Việt Nam cũng tham gia vào quá trình khảo sát. Báo cáo nghiên cứu đã đưa ra một khung hướng dẫn gồm 22 tiêu chí cho một trường học hạnh phúc, với 3 nền tảng chính, hay còn gọi là 3 chữ P: People (Con người), Process (Hệ thống) và Place (Môi trường)[1]. Ngày 22/4/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức lễ phát động “Triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc” đồng thời đưa ra những tiêu chí quan trọng để xây dựng THHP. Cùng với đó, Bộ GDĐT, Sở GDĐT các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị bàn về xây dựng mô hình THHP. Hiện nay các cơ sở giáo dục đang thực hiện chủ trương này của Bộ, trong đó chú trọng 3 tiêu chí cốt lõi là Yêu thương, An toàn và Tôn trọng.
Nhiều hội thảo, thảo luận chuyên đề về định hướng xây dựng trường học hạnh phúc (THHP) đang diễn ra ở các tỉnh, thành phố, tại nhiều trường phổ thông và sôi nổi ở nhiều cấp học. Việc các trường đang nỗ lực hết mình xây dựng THHP là một tín hiệu tích cực về tầm nhìn giáo dục mang tính khai phóng và một xu thế giáo dục văn minh hướng đến con người. Xây dựng THHP, đó không phải là một cuộc chạy đua theo trào lưu, đó phải thực sự là thước đo chất lượng và uy tín của một nhà trường, là bản sắc và giá trị của một cơ sở giáo dục. Đồng thời, đó là xu thế mà bất cứ ngôi trường nào cũng cần phải hướng đến để nâng cao giá trị nhà trường, bắt kịp với xu thế giáo dục chung của quốc gia và quốc tế. THHP cũng là lý tưởng của một nền giáo dục mang đậm tính nhân văn và thực sự vì con người. “Trường học hạnh phúc” là môi trường giáo dục lý tưởng để thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều tự tin, thoải mái, yêu thích và gắn bó với nhà trường, các thành viên thấu hiểu, yêu thương và tôn trọng nhau, từ đó cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học.
“Trường học hạnh phúc” là nơi bồi đắp và gìn giữ tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau. Đó cũng là nơi truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ tích cực cho học sinh, nuôi dưỡng tâm hồn đẹp cho các thế hệ học sinh. Xây dựng “Trường học hạnh phúc” là cơ sở để tạo dựng “Lớp học hạnh phúc”, là động lực để nuôi dưỡng “con người hạnh phúc” và xa hơn là khát vọng về một “ngành giáo dục hạnh phúc”, một “xã hội hạnh phúc”.
Một vấn đề nền tảng liên quan mật thiết đến THHP là văn hoá học đường. Đó là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của mỗi trường học. Nó không chỉ bao gồm các quy tắc hay hành vi ứng xử, mà còn là hệ thống giá trị, thái độ và niềm tin của tất cả thành viên trong nhà trường, từ giáo viên, học sinh đến phụ huynh. Văn hóa học đường góp phần tạo dựng một môi trường học tập tích cực, nơi mà học sinh cảm thấy an toàn, được tôn trọng và khuyến khích phát triển. Một môi trường văn hóa học đường lành mạnh góp phần định hình nhân cách và thái độ của học sinh, giúp các em trở thành những công dân có trách nhiệm trong xã hội. Giáo dục đạo đức lối sống là một phần quan trọng trong văn hóa học đường. Khi hướng dẫn các học sinh về lòng nhân ái, sự trung thực và trách nhiệm, nhà trường đang tạo ra nền tảng vững chắc cho tương lai của họ. Những giá trị này không chỉ giúp học sinh hình thành nhân cách mà còn giúp họ trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Trường học thân thiện và Trường học hạnh phúc
Mô hình trường học thân thiện (THTT) và trường học hạnh phúc có chung một số yếu tố, đều chú trọng đến học sinh và việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên giữa hai mô hình này vẫn có một sự khác biệt khá lớn. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh: “Thân thiện đề cập chủ yếu đến thái độ, bầu không khí tâm lý nhưng hạnh phúc và cảm nhận hạnh phúc không chỉ đề cập đến các mối quan hệ trên bình diện chất lượng mà còn chú ý đến sự hài lòng về đời sống vật chất cả bình diện sức khỏe tâm thần… Do đó, có thể thấy, trường học thân thiện là một tiêu chí cốt lõi của trường học hạnh phúc”[2].
Nói cách khác, THHP là bước tiến xa hơn, mạnh mẽ hơn và toàn diện hơn THTT. Một số trường học đã có kết quả khi xây dựng THTT, đó là cơ sở tốt đẹp để nâng cấp giá trị thương hiệu và uy tín. Tuy nhiên, từ THTT đến THHP cần phải có lộ trình dài hơi, quy trình khoa học bài bản. Có thể nói, xây dựng THTT cần trí tuệ để nhận thức và tìm ra giải pháp an toàn, thân thiện, nhưng xây dựng THHP cần thêm sự nhạy cảm, định tính của tâm hồn. Tâm hồn và trái tim của các nhà sư phạm phù hợp để giúp hạnh phúc lan tỏa trong một nhà trường.
Những vấn đề cốt lõi trong xây dựng Trường học hạnh phúc
Ông Trần Văn Đạt, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT) nhấn mạnh: “Xây dựng THHP cần một quy trình chi tiết, rõ ràng, khả thi: Nghiên cứu văn bản hướng dẫn; khảo sát nhu cầu của thành viên, đánh giá thực trạng nhà trường, xây dựng kế hoạch và bộ tiêu chí THHP chi tiết; tổ chức triển khai và đánh giá quá trình thực hiện gắn với từng tiêu chí; rút kinh nghiệm, cải tiến chất lượng; tiếp tục nâng cao giá trị và uy tín của nhà trường. Khi quy trình này được vận hành bài bản, khoa học thì việc xây dựng THHP của nhà trường mới đạt hiệu quả”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa và các cộng sự nhận định trong cuốn Xây dựng Trường học hạnh phúc - Con đường tôi đi: “Trường học là một cộng đồng học tập, nơi thiết lập mối quan hệ giữa người học (học sinh) và người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giáo dục (giáo viên). Mối quan hệ giữa thầy cô và học trò là trái tim của một trường học. Nếu học sinh không học, không hứng thú với học tập thì nghĩa là giáo dục trong trường học đang không hiện hữu. Có thể một điều gì đó đang diễn ra, nhưng đó vẫn không phải là giáo dục… Trường học hạnh phúc không phải là một khái niệm, cũng không phải là một mô hình. Khi nói đến trường học hạnh phúc, tôi hàm ý đến cách thức vận hành một ngôi trường”[3].
Đối với xây dựng THHP, những tiêu chí cần rõ ràng, phù hợp. Từ 3 tiêu chí cốt lõi: Con người được tôn trọng; con người được sống trong môi trường thân thiện, an toàn giúp phát triển bản thân; con người được yêu thương - thấu hiểu nhau, mỗi trường sẽ xây dựng và cụ thể hóa các tiêu chí chung cho từng đối tượng từ lãnh đạo đến giáo viên, công nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Trong đó, học sinh luôn là đối tượng trung tâm khi xây dựng THHP. Xây dựng THHP, quá trình này khởi động từ Ban lãnh đạo nhà trường và Hiệu trưởng. Khát vọng vươn tầm chính là động lực cho nhà trường hoàn thiện. Khi có được tinh thần trách nhiệm, thái độ kiên định, khả năng điều hành, quản lý nhà trường linh hoạt, sáng tạo, xây dựng chiến lược rõ ràng, tầm nhìn, với các mục tiêu giáo dục cụ thể, khả thi, quy hoạch phát triển văn hóa nhà trường đồng bộ… người Hiệu trưởng mới có thể tổ chức hoạt động của nhà trường hướng đến THHP một cách bài bản, thực chất gắn với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và những đặc thù của nền giáo dục trong kỷ nguyên số.
Nhà giáo Phạm Thị Thuý Vĩnh (Trường liên cấp Ngô Thời Nhiệm, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Xây dựng THHP cũng giống như chăm sóc một khu vườn hạnh phúc vậy. Chính sự cần mẫn chăm sóc, tận tụy gieo ươm, đồng hành và chứng kiến những hạt mầm vươn xanh, đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái, người làm vườn sẽ gặt hái những ngọt ngào. Trong giáo dục, thành công của học trò là thước đo hạnh phúc mà mỗi thầy cô nhận được trong quá trình dạy chữ và dạy làm người”[4].
Không bắt chước nguyên si, không máy móc áp đặt, không vội vã nông cạn, không nản lòng bỏ cuộc, đó là phương châm cần có cho bất cứ ngôi trường nào muốn xây dựng THHP. Một THHP là trường học có sứ mệnh gieo ươm, kiến tạo hạnh phúc, có tầm nhìn khai phóng để hướng đến giáo dục vì con người và định hướng con người tìm kiếm hạnh phúc. Trường học hạnh phúc phải là trường học ấm áp, thân thiện, chứa chan tình người, nơi học sinh “hiểu sâu sắc bản thân và được là chính mình” chứ không phải một phiên bản gượng ép, áp đặt từ gia đình, thầy cô hay một ai khác, nơi mọi thành viên trong trường đều cảm thấy an toàn, được yêu thương, được tôn trọng và hơn hết được hiểu và thấy mình có giá trị. Xây dựng THHP là một định hướng đúng đắn, bền vững và lâu dài của ngành giáo dục nước ta.
Nguyễn Minh
(Bài 2: Phát triển mối quan hệ nhà trường và gia đình để xây dựng Trường học hạnh phúc)
[1] Viện Tâm lý Việt - Pháp (2021). Mô hình 3 chữ P (UNESCO) và các tiêu chí xây dựng Trường học hạnh phúc
[2] Công Chương (2023). GS. TS Huỳnh Văn Sơn: Cần hiểu đúng về “Trường học hạnh phúc”, Tạp chí Khoa học phổ thông
[3] TS. Nguyễn Văn Hòa (2022). Xây dựng Trường học hạnh phúc - Con đường tôi đi, Nxb. Dân Trí
[4] Phạm Thị Thúy Vĩnh (2023). Tìm hạnh phúc trong ta, xây hạnh phúc quanh ta, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh