Thái Nguyên chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số

Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Dù vậy, Thái Nguyên vẫn còn 1.200 người trong độ tuổi từ 15-60 mù chữ mức độ 1 (chưa hoàn thành chương trình học lớp 3); 1.938 người mù chữ mức độ 2 (chưa hoàn thành chương trình học lớp 5). Đối tượng xóa mù chữ tập trung ở các huyện: Võ Nhai, Định Hóa; một số ít ở huyện Đồng Hỷ, Đại Từ...

Nhằm đảm bảo điều kiện phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719).

Thông tin từ Ban dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, các huyện trên địa bàn đã bố trí vốn hoàn thiện cơ sở vật chất cho các trường nội trú, bán trú trên địa bàn; mở các lớp xóa mù chữ cho đồng bào. Xây dựng kế hoạch thực hiện tổ chức 03 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc, 06 lớp bối dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Tháng cao điểm kết nối cung - cầu lao động tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với trên 40 hoạt động giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm; có 150 lượt đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham gia, với hơn 30.000 chỉ tiêu tuyển dụng lao động, tuyển sinh đào tạo nghề, giáo dục đại học. Tổ chức Ngày hội việc làm cấp tỉnh tại Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên.

Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện có 2 lớp học xóa mù chữ ở xóm Tam Va và Bản Tèn với hơn 50 học viên. Các lớp học được triển khai từ đầu năm 2024. Đây là nội dung thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 5 (Phát triển giáo dục - đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực), nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Ảnh 1: Những học viên tại một lớp xóa mù chữ ở Thái Nguyên.

Không phải là lớp học của con trẻ mà là của những người đã làm bố, làm mẹ, thậm chí đã lên chức ông, bà. Học viên của lớp chủ yếu là bà con dân tộc Mông, người nhỏ tuổi nhất là 26 và người lớn tuổi nhất đã gần 60, đa phần là lao động chính trong các gia đình. Lớp học được tổ chức từ 19 giờ đến 22 giờ, mỗi tối có 4 tiết tiếng Việt, hoặc 4 tiết Toán. Để thuận lợi cho việc học của bà con, ngoài chuẩn bị đầy đủ nội dung chương trình, các giáo viên được phân công giảng dạy luôn nhiệt tình, trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, tình nguyện dạy chữ cho đồng bào.

Đối với cô giáo Nguyễn Thị Nguyên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng, những tháng gần đây, công việc của cô thêm phần vất vả nhưng cũng thú vị khi cô đảm nhận công việc giảng dạy cho với lớp học xóa mù chữ. Cô Nguyên chia sẻ, đầu năm 2024, khi mới bắt đầu mở lớp, nhà trường đã cử giáo viên đến tận xóm để vận động người dân ra lớp và phân công giáo viên tại trường thay phiên nhau lên lớp vào mỗi buổi tối. Trăn trở nhất của các cô giáo là duy trì được niềm đam mê cho mọi người. Đa phần học viên ban ngày đi làm rẫy, cung đường đến lớp cũng xa xôi, nên phải tạo động lực để mọi người cố gắng tới lớp đầy đủ. Các cô giáo cũng phải sắp xếp thời gian, cân bằng công việc ở nhà để tới lớp mỗi tối. Một trong những khó khăn ở lớp chính là rào cản về ngôn ngữ, cách phát âm và cả tuổi tác. Phải thật tỉ mỉ, chậm rãi thì các học viên mới có thể bắt kịp chương trình.

Ngoài ra, các học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau nên cách giảng dạy cũng không thể rập khuôn, phải linh hoạt. Việc uốn nắn từng nét chữ phải thực sự kiên trì. Vì vậy, ngoài chương trình giảng dạy theo giáo án, các cô còn tổ chức hoạt động ngoại khóa mỗi tuần 1 buổi, như sinh hoạt nhóm theo chuyên đề cho người dân làm quen với con chữ, tập đánh vần theo nhạc... để tăng không khí vui tươi cho lớp học. Đồng thời, giúp các học viên thêm gắn kết, vượt qua trở ngại về tuổi tác… Việc triển khai lớp học xóa mù chữ thực sự rất ý nghĩa. Dù ban ngày bận nhiều công việc, nhưng tối đến ai cũng phấn khởi để lên lớp. Đứng trên bục giảng trong khi các học viên bằng tuổi cha, chú mình cảm giác thật đặc biệt. Tuy Chính lòng nhiệt huyết của người dạy đã giúp người dân vùng non cao này gần gũi hơn với lớp xóa mù chữ. Năm nay đã gần 60 tuổi, thế nhưng tối nào ông Đào Văn Kinh, xóm Tam Va, xã Văn Lăng cũng cùng vợ đến nhà văn hóa để học bài. Ông Kinh chia sẻ: "Dù ban ngày phải lên núi làm nương nhưng đều sắp xếp thời gian để tới lớp học. Ban đầu cũng khá ngại khi tuổi đã cao, thế nhưng được học chữ lại thấy vui. Biết chữ giúp mình thêm tự tin, hiểu biết để nâng cao cuộc sống".

Những lớp học xóa mù chữ không chỉ giúp cho bà con biết đọc, biết viết mà còn giúp họ dần xoá đi mặc cảm tự ti, tự tin hơn với khát vọng vươn lên thoát nghèo, hướng đến một tương lai tươi sáng hơn. Từ nay đến hết năm 2024, lớp học này sẽ hoàn thành chương trình xóa mù chữ. Thời gian tới, huyện Đồng Hỷ sẽ nhân rộng mô hình lớp học xóa mù chữ cắm bản cho gần 500 đối tượng trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi tại các xóm, xã còn lại.

Gần 70% học viên là phụ nữ trên 40 tuổi tại lớp học xóa mù chữ ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai lâu nay chỉ quen cầm cuốc, cầm dao làm nương rẫy, bàn tay chai cứng theo năm tháng, nên cầm bút rất lóng ngóng. Để lớp không bị gián đoạn, lớp học đã phải tăng cường lên 2 giáo viên hỗ trợ nhau trong suốt quá trình dạy học. Cô giáo Nông Thị Luyện, Trường Tiểu học Cúc Đường, nhận xét: Khó khăn nhất trong việc tổ chức lớp học là khả năng tiếp thu kiến thức không đồng đều, do lứa tuổi và hoàn cảnh gia đình mỗi học viên khác nhau. Đặc biệt, khi luyện viết và phát âm, đánh vần, ghép từ, giáo viên phải hướng dẫn tỉ mỉ từng học viên. Nhưng sự tham gia học nhiệt tình của học viên đã tăng thêm nhiệt huyết cho chúng tôi đứng lớp mỗi tối.

Lớp học xóa mù chữ này là 1 trong 15 lớp được tổ chức trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai từ 16/1/2024 và kết thúc vào tháng 12-2025. Đây là một trong những nội dung huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Toàn huyện hiện còn gần 1.000 người trong độ tuổi từ 15 đến 60 diện cần được xóa mù chữ.

Ảnh 2: Lớp xóa mù chữ đang được tổ chức tại xã Thượng Nung (Võ Nhai).

Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cho biết, các địa phương đã và đang tổ chức được 23 lớp xóa mù chữ với 374 người tham gia thường xuyên. Huyện vùng cao Võ Nhai tuy còn khó khăn, nhưng đã tổ chức được 16 lớp học với 315 học viên tham gia thường xuyên. "Đối với đội ngũ giáo viên hiện nay luôn trong tâm thế sẵn sàng đến các thôn bản để dạy học, kể cả các buổi tối. Với kết quả đã thực hiện được, chương trình xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã trở thành động lực để xóa đói, giảm nghèo bền vững cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi", ông Hưng cho hay.

Khi nhận thức đầy đủ vai trò của công tác xóa mù chữ, hi vọng rằng không còn cảnh thầy, cô phải xuống từng nhà để thuyết phục phụ huynh cho con đi học, không còn mặc cảm với xã hội vì bản thân mình không biết chữ, không kể già trẻ, gái trai, đều đặn mỗi tối bà con đến lớp không bỏ một buổi nào tại tỉnh Thái Nguyên. Dù hành trình học được con chữ cũng lắm gian nan nhưng với họ vẫn tràn đầy niềm vui và hi vọng. Bởi sự học chưa bao giờ là muộn.                                       

Đức Vinh

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số tại chuyên mục CT MTQG Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030 của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn