Tháo gỡ khó khăn trong công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua, công tác xóa mù chữ ở Gia Lai đã từng bước củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, thúc đẩy phong trào “Xây dựng xã hội học tập” trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thu hẹp khoảng cách mặt bằng dân trí giữa các vùng và địa phương. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xóa mù chữ tại Gia Lai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Các học viên tham gia lớp học xóa mù chữ chủ yếu là phụ nữ dân tộc thiểu số Bahnar, Jrai… độ tuổi từ 30 - 60 tuổi. Lớp học thường được tổ chức vào các buổi tối trong tuần. Khi tham gia lớp học các chị em được hỗ trợ miễn phí hoàn toàn kinh phí học tập, sách, bút. Sau mỗi khóa học, các chị em đều biết đọc, biết viết, biết tính toán cơ bản. Có cái chữ, tiếng nói, vai trò của người phụ nữ trong mỗi gia đình và xã hội đã có sự đổi thay tích cực, các chị em tự tin hơn khi hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Nhiệm vụ xóa mù chữ cho phụ nữ không chỉ đem đến kiến thức, văn hoá giúp giải phóng phụ nữ thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu mà còn góp phần tích cực vào sự phát triển của cộng đồng, xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Thông qua lớp xóa mù chữ còn giúp chị em tiếp cận được với khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tính toán hợp lý hơn.

Khi vừa kết thúc một ngày dài trên nương rẫy, sau bữa cơm tối vội vàng bà con đồng bào Jrai ở làng Brel và Jut, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng rủ nhau đến lớp học xóa mù chữ ở Trường Tiểu học Ngô Mây. Ngôi trường này hiện đang mở 2 lớp dạy xóa mù cho bà con người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Theo đó, mỗi tuần lớp sẽ học 3 buổi học, bắt đầu từ 18h đến 21h. Những học viên ở 2 lớp học này rất đặc biệt, nhiều trường hợp là vợ chồng, chị em ruột, thậm chí là những cụ già U70 cũng cắp sách đến trường học chữ. Bà Siu H’Meh (SN 1966, trú tại xã Ia Dêr) là một trường hợp điển hình. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các chị em trong nhà đều không được học hành đến nơi, đến chốn. Mặc dù nay đã có tuổi song bà Siu H’Meh vẫn mong muốn được đi học để biết cái chữ. Khi nghe tin Trường Tiểu học Ngô Mây mở lớp xóa mù, bà rất vui mừng nên đã rủ 2 người em ruột là Siu H'mit (SN 1973) và Siu Jao (SN 1977) đi học cùng.

Ảnh 1: Lớp học xóa mù chữ tại trường tiểu học Ngô Mây, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai (Gia Lai) phần lớn là phụ nữ, người lớn tuổi

Bà Siu H’Meh trải lòng: “Biết ít chữ không những tự ti với xã hội mà còn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và làm kinh tế. Vì vậy khi hay tin có lớp học xóa mù chữ 3 chị em đã sắp xếp công việc gia đình tranh thủ đến lớp đều đặn để học được cái chữ phần để đọc sách, đọc báo biết hướng làm ăn, phần làm gương con cháu cố gắng học hành. Tuổi lớn nên việc viết chữ không được đẹp, tiếp thu kiến thức chậm hơn đám trẻ. Nhưng 3 chị em sẽ cố gắng học tập. Ngoài giờ trên lớp, chúng tôi lại ngồi ở nhà luyện đọc, luyến viết”. Cô Ksor H’wang, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Mây chia sẻ: “Đa phần học viên là người lớn tuổi nên khi giảng bài và giao tiếp, giáo viên phải có những lời nói sao cho phù hợp. Vì vậy, ngoài việc sử dụng nghiệp vụ sư phạm, kinh nghiệp đứng lớp, tôi còn phải tìm tòi học hỏi từ những người đi trước, mạng xã hội. Điều phấn khởi là học viên ai cũng ham học. Hiện các lớp xóa mù vẫn còn khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, sách giáo khoa, thiết dạy và học. Ngoài sự hỗ trợ từ Nhà nước, các giáo viên phải chủ động liên hệ đi xin sách vở. Nhiều giáo viên còn tự bỏ tiền túi để mua tài liệu học tập cho học viên”.

Còn tại lớp học xóa mù chữ cho người Jrai (làng Bẹk, xã Ia Bă, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) của cô giáo Phan Thị Khánh, nhiều tháng nay luôn nhộn nhịp tiếng cười nói, dạy nhau tập đọc, đánh vần. Lớp học có 25 học viên, nhỏ nhất 20 tuổi, lớn nhất đã ngoài 50, toàn bộ đều là người Jrai chưa từng biết tiếng Việt. Cô Khánh kể, để mở được lớp xóa mù chữ này, cả một mùa hè, cô cùng các đồng nghiệp của mình đã phải lặn lội vào làng, hỏi han xem còn hộ nào có người chưa biết đọc, để vận động ra lớp. Có người hồ hởi, có người lại e ngại, vì nghĩ lớn tuổi không thể học nữa. Nhưng cũng vì nghe cô nói rằng biết chữ để đọc báo, sử dụng điện thoại,… dần dà, tất cả học viên "mù chữ" đều tới lớp để được "xóa mù". Cô Khánh vui mừng cho biết, sau chưa đầy ba tháng làm quen với con chữ, tới nay hầu hết học viên đều đã biết đánh vần và đọc được. Những học trò lớn tuổi tập đánh vần và không giấu được ngại ngùng vì được cô khen đọc đúng. Ngoài lớp dạy xóa mù chữ hiện nay, cô giáo Phan Thị Khánh đã có hơn 28 năm giảng dạy cho học sinh cấp Tiểu học. Trong đó thời gian giảng dạy ở vùng khó khăn dân tộc thiểu số hơn 5 năm thuộc địa bàn xã Ia Bă, huyện Ia Grai tỉnh Gia Lai. Cô cho biết: "Ở đây, điều kiện gia đình học sinh hầu hết đều khó khăn, ít giao tiếp bằng Tiếng Việt, vì vậy, việc dạy Tiếng Việt với các em khó khăn hơn gấp đôi". Người dân Jrai ở xã Ia Bă, huyện Ia Grai cũng đã quen với hình ảnh một cô giáo ngày lên trường giảng dạy, tranh thủ ngoài giờ học đi vận động học sinh, giúp đỡ các em bằng việc đi xin áo quần cũ, chăn ấm hay đồ dùng học tập, sách vở.... Bên cạnh đó cô còn tạo niềm tin để các em mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập, luôn quan tâm động viên, gần gũi với các em. Anh Rơ Mah Hêm, phụ huynh ở làng Ngai Yố, xã Ia Bă cho biết, cô Phan Thị Khánh không chỉ là cô giáo của tụi nhỏ, mà dần trở thành người thân, người quen của các buôn làng, luôn được bà con Jrai ở xã Ia Bă tin tưởng, yêu mến.

Huyện Ia Grai là một trong những địa phương thực hiện khá tốt công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, dù đạt được những kết quả đáng kể, song ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình mở lớp, vận động học viên đến lớp. Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai Phạm Văn Đại chia sẻ, đối tượng tham gia học lớp xóa mù chữ có độ tuổi từ 20 - 60, là lao động chính trong gia đình. Vì thế, việc duy trì sĩ số lớp học gặp khó, nhất là vào thời điểm mùa vụ thu hoạch.

Ảnh 2: Gác lại công việc nương rẫy, mỗi tối, bà con khắp các buôn làng ở Gia Lai í ới gọi nhau đến lớp học xóa mù chữ.

Về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác xóa mù chữ tại tỉnh, đồng thời để tiếp tục thực hiện tốt và hiệu quả công tác xóa mù chữ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai Trần Bá Công cho biết, Sở tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng, các huyện tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy học chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2. Sở tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác tổ chức dạy học Chương trình xóa mù chữ của các địa phương; vận động, huy động học viên tham gia lớp xóa mù chữ; mở lớp xóa mù chữ giai đoạn 1, giai đoạn 2; thực hiện chế độ chính sách cho người dạy và học viên tham gia học xóa mù chữ.

Nhật Minh

Bạn đang đọc bài viết Tháo gỡ khó khăn trong công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai tại chuyên mục CT MTQG Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030 của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19