Những lớp học xóa mù chữ nơi vùng biên Sa Thầy (Kon Tum)

Những người nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện biên giới Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) đều đặn mỗi tối vẫn chăm chỉ đến lớp học xóa mù chữ để thực hiện ước mơ viết được tên mình, tính toán các con số không bị nhầm lẫn khi mua, bán nông sản cho các thương lái.

Trong cơn mưa tầm tã, các học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây ban ngày vất vả với công việc nương rẫy nhưng đêm về vẫn mặc áo mưa, rọi đèn pin soi đường đến lớp học tại Điểm trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ya Ly ở làng Tum. Bà Y Êh (dân tộc Gia Rai) ở làng Tum, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy năm nay 55 tuổi, đã lên chức bà nội, bà ngoại nhưng chưa một lần được học con chữ. Cả đời bà trải qua biết bao nhiêu khó khăn, vất vả nhưng bà đều đã vượt qua. Giờ đây, đến học con chữ, bà thấy còn khó khăn hơn gấp bội, bởi tuổi đã lớn, tay đã không còn mềm dẻo. Thậm chí, do mắt đã mờ nên bà Y Êh phải đeo thêm chiếc đèn pin trên đầu mới thấy được dòng kẻ để viết. Bà Y Êh chia sẻ - “Việc học khó thật, dù không nặng nhọc như cầm cuốc, cầm xẻng nhưng khi viết, tay bị cứng đơ, mỏi. Nhưng đến nay tôi đã quen rồi. Tôi đã biết ký được tên mình, biết cộng trừ, tính toán các con số nhỏ rồi, tôi vui lắm. Cảm ơn các thầy cô đã dạy cho tôi biết được con chữ, tôi sẽ cố gắng học tập tốt hơn nữa”.   

Ảnh 1: Đôi mắt không còn sáng nên bà Y Êh đội đèn pin trên đầu để học tập

Các lớp xóa mù chữ tại huyện Sa Thầy được tổ chức đều đặn các buổi tối trong tuần, đồng bào dân tộc thiểu số vốn chân lấm, tay bùn lại đến lớp say sưa đọc đánh vần và nắn nót từng nét chữ. Với những học sinh đặc biệt này, dù tuổi đã lớn nhưng không hề do dự, ngại ngùng. Buổi học nào họ cũng say sưa, sẵn sàng hỏi những chuyện chưa hiểu với các thầy cô giáo chỉ mới bằng tuổi con cháu mình. Anh A Bỉu (dân tộc Gia Rai) ở làng Tum, xã Ya Ly cho hay: “Trước mình cũng đã đi học, học lớp 2, 3 thôi, nhưng vì làng xa lớp học quá và cuộc sống khó khăn nên đã nghỉ học. Thấy người ta nói đi học lại lớp xóa mù chữ là mình đi học lại để biết viết, biết ghi tên, biết cộng trừ. Phải biết để khi mua bán nông sản mình tính cho đúng, không để nhầm lẫn”.

Sa Thầy là huyện biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều. Một số học viên chưa học xong chương trình Tiểu học và cũng có nhiều học viên đã học lớp xóa mù chữ từ những năm 1990 - 1991 nay tuổi đã cao, sống ở vùng sâu, vùng xa cách biệt trung tâm huyện, xã nên tái mù chữ vì ít sử dụng. Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 1, Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, UBND huyện Sa Thầy đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tập trung rà soát, điều tra đến các hộ gia đình để bảo đảm số liệu chính xác người mù chữ và tái mù chữ; phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã, phân công cán bộ chủ chốt của xã, các ban ngành, đoàn thể, phát huy vai trò của các già làng trong việc vận động người dân tham gia học tập đầy đủ và không bỏ học giữa chừng. Đồng thời, huyện chỉ đạo các đơn vị đổi mới công tác quản lý, xây dựng kế hoạch lựa chọn địa điểm và thời gian tổ chức dạy học các lớp xóa mù chữ phù hợp với từng nhóm đối tượng, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện chương trình dạy học linh hoạt, đúng quy định; tổ chức đánh giá học viên học chương trình xoá mù chữ khách quan, thực chất. Mục tiêu của các lớp xóa mù chữ tại vùng biên giới ở huyện Sa Thầy nhằm góp phần nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Ảnh 2: Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Sa Thầy tích cực đến học ở các lớp xóa mù chữ.

Các thầy cô giáo nơi đây, bằng sự tận tâm, trách nhiệm với cộng đồng, đã có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào đến lớp học xóa mù chữ; góp phần thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Là cán bộ quản lý, nhưng cô Cao Thị Du, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ya Ly cũng tham gia dạy học. Bản thân cô, hàng đêm cũng đến lớp, cầm tay, hướng dẫn cho những học sinh đặc biệt này, uốn nắn từng nét chữ, chỉ cho họ biết từng chữ số, cách cộng trừ các con số để họ biết áp dụng vào đời sống hàng ngày. Cô Du chia sẻ: “Thú thật mới đầu tổ chức lớp tại làng Tum, chúng tôi cũng lo ngại, sợ không có học sinh. Tuy nhiên, thấy các cô, chú, anh chị nhiệt tình cũng khiến tôi thêm cảm động và vui mừng, đồng thời sẽ cố gắng hơn nữa”. Cô giáo Trịnh Thị Hồng, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ya Ly cho biết: “Thấy các anh, chị học viên nhiệt tình và hăng say nên chúng tôi cảm thấy rất cảm động. Đó cũng là nguồn động lực để chúng tôi cố gắng, ngoài ban ngày giảng dạy cho các em học sinh trong độ tuổi ở trường, tối cố gắng sắp xếp để dạy cho các học sinh đặc biệt này biết thêm con chữ”. “Khi tổ chức các lớp xóa mù chữ bà con rất vui mừng vì sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Trước đây, nhiều người không được đi học cũng vì điều kiện gia đình khó khăn, bố mẹ mất sớm phải đi làm nên giờ được trở lại trường học rất là vui. Các lớp học được bố trí vào buổi tối nên không ảnh hưởng đến công việc thường ngày. Các cô chú đã cố gắng sắp xếp thời gian đến lớp học đông đủ. Các giáo viên đứng lớp đều xung phong trên tinh thần tình nguyện và không có bất cứ chế độ hỗ trợ nào. Còn những học sinh đặc biệt này sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/khóa học (theo NQ số 58, ngày 29/8/2022 của HĐND tỉnh Kon Tum) - Cô giáo Võ Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Thầy cho hay. 

Để việc học phục vụ đắc lực cho hoạt động lao động, sản xuất, lồng ghép trong các buổi học, các ban ngành địa phương, các thầy cô giáo còn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đến các học viên lớn tuổi các cách làm hay, các mô hình phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, ngoài dạy chữ, làm toán, vào giờ giải lao, các thầy cô giáo, các tình nguyện viên còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo không khí vui vẻ để cuốn hút các học viên lớn tuổi hào hứng mỗi khi đến lớp. Đêm đêm, ở những thôn làng vùng biên Sa Thầy, những tiếng đọc bài của các học sinh đặc biệt vẫn vang lên. Những lớp học này thể hiện rất rõ tinh thần học tập suốt đời của những người nông dân đã lớn tuổi, dù vất vả với việc ruộng rẫy nhưng vẫn hăng say học tập. Với tinh thần tự nguyện, tận tâm, tận tụy tham gia giảng dạy của các thầy cô giáo, những học sinh đặc biệt này quyết tâm học lấy con chữ để nâng cao nhận thức, có nếp nghĩ mới, cách làm mới, xây dựng cuộc sống của chính mình ngày càng tiến bộ, no ấm, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nhật Minh

Bạn đang đọc bài viết Những lớp học xóa mù chữ nơi vùng biên Sa Thầy (Kon Tum) tại chuyên mục CT MTQG Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030 của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn