Từ trung tâm xã Thượng Quan (huyện Ngân Sơn) đến điểm trường Sáo Sào hơn 10 km. Đường tới trường vẫn là đường đất, nhiều đoạn dốc hẹp, ổ voi, ổ gà, nếu không quen địa hình, chắc tay lái thì việc đến đây khá khó khăn. Theo thầy Chu Thanh Tú, giáo viên dạy tại lớp xóa mù chữ ở Sáo Sào, trời khô ráo, đi xe máy mất khoảng 30 phút, còn hôm mưa đi sẽ lâu hơn. Nhưng điều này không ngăn được bước chân của những giáo viên nhiệt huyết ngày đêm mang con chữ đến với đồng bào. Điểm trường Sáo Sào nằm trên triền đồi cao gồm hai lớp ghép. Ban ngày là giờ học chính của học sinh tiểu học, chiều tối trở đi là thời gian học của lớp xóa mù chữ. Lớp học bắt đầu lúc hơn 16 giờ và kết thúc vào 19 giờ, có 18 học viên, chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông ở nhiều độ tuổi khác nhau, người ít nhất 30 tuổi và lớn nhất là 54 tuổi. Có học viên phải đi bộ tới 6 km, nhưng vì cái chữ, hằng ngày họ vẫn đều đặn đến lớp, thậm chí mang theo cơm để đến lớp ăn.
Theo thầy giáo Hoàng Văn Vĩnh, giáo viên dạy Toán, lần đầu tiếp xúc với cái chữ, con số, các anh, chị học viên rất hào hứng, chú tâm lắng nghe. Có người tiếng phổ thông còn hạn chế, cho nên việc truyền dạy mất khá nhiều thời gian. Giáo viên phải nhờ đến người phiên dịch, sử dụng đồ dùng trực quan cho dễ hiểu. Sau vài tháng, các anh, chị cơ bản biết đọc, biết viết, cộng trừ các phép tính đơn giản. Bà Đào Thị Thàng, 54 tuổi, học viên lớn tuổi nhất ở lớp cho hay: “Tôi đi học thấy vui lắm, vì biết cái chữ, biết tính toán mà không phải phụ thuộc người khác, tôi rất biết ơn các thầy, cô giáo, Đảng và Nhà nước”. Chung niềm vui biết chữ, chị Linh Thị Súng chia sẻ: “Mình đã biết soạn tin nhắn trên điện thoại, không phải nhờ đến các con. Biết cộng, trừ, nhân, chia nên thấy vui lắm, rất cảm ơn các thầy, cô giáo”.
Một giờ học ở lớp xóa mù chữ tại điểm trường Sáo Sào, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn).
Vào cuối năm 2022, Bắc Kạn còn hơn 10.300 người, chiếm 4,48% dân số còn mù chữ. Năm 2023, ở khắp các huyện của Bắc Kạn đã mở lớp học xóa mù chữ. Theo Trưởng phòng GDĐT huyện Chợ Đồn, Hứa Hoàng Anh, năm 2022, huyện đã mở được tám lớp xóa mù chữ cho 128 học viên. Năm 2023, huyện tiếp tục mở thêm sáu lớp cho 165 học viên ở năm xã vùng cao. Nhờ đó, đến nay, Chợ Đồn đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Trưởng phòng GDĐT huyện Pác Nặm Hoàng Văn Duy cho biết, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của huyện Pác Nặm thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, Phòng GDĐT đã tích cực tham mưu cho huyện tổ chức các hội nghị về công tác này và giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương. Kết thúc năm học 2022 - 2023, huyện đã hoàn thành được các chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt trong năm 2023, huyện Pác Nặm đã đạt phổ cập giáo dục, xóa mù chữ bậc trung học cơ sở mức độ 2.
Năm 2023, trên toàn tỉnh, tình hình huy động trẻ mầm non 5 tuổi đến trường, trẻ học 2 buổi trên ngày, tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đều đạt 100%; tỷ lệ trẻ từ 3 - 5 tuổi ra lớp đạt 99,96%; số trẻ khuyết tật trong độ tuổi từ 0 - 5 tuổi trên địa bàn là 83 trẻ, trong đó số trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục là 51/47 trẻ, đạt 108,51%. Đối với giáo dục mầm non, năm 2023, cả tỉnh có 108/108 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt 100%; 8/8 huyện, thành phố đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt 100% và tỉnh Bắc Kạn đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Đối với giáo dục tiểu học, năm 2023, tỷ lệ trẻ 6 tuổi huy động vào lớp 1 đạt 100%, trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học (năm học 2022 - 2023) đạt 98,9%; trẻ 11 - 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,61%. Số trẻ khuyết tật từ 11 - 14 tuổi được tiếp cận giáo dục là 435 trẻ, đạt 108,21%. Có 108/108 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt 100%; 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt 100% và tỉnh Bắc Kạn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
Đối với phổ cập giáo dục trung học cơ sở, số thanh, thiếu niên từ 15 - 18 tuổi tốt nghiệp trung học cơ sở (năm học 2022 - 2023) là 16.878 người, đạt 94,62%. Số thanh, thiếu niên từ 15 - 18 tuổi đã tốt nghiệp trung học cơ sở đang học chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp là 14.162 người, đạt 79,40%. Số người khuyết tật trong độ tuổi từ 11 - 18 tuổi được tiếp cận giáo dục là 641, đạt 103,39%.
Năm 2023, cả tỉnh có 25 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; 83 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; 6/8 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; 2/8 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 và tỉnh Bắc Kạn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.
Cùng với nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, công tác xóa mù chữ cũng được quan tâm triển khai thông qua việc mở các lớp xóa mù chữ tại các địa phương. Riêng năm 2023, cả tỉnh mở được 25 lớp xóa mù chữ với 507 học viên tham gia. Đến nay, cả tỉnh có 1/108 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, đạt tỷ lệ 0,93%; 107/108 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt 99,07%; 8/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt 100% và tỉnh Bắc Kạn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy, học và các hoạt động giáo dục. Hiện trên địa bàn tỉnh có 112 trường có cấp tiểu học và 100 trường có cấp trung học cơ sở. Các trường cơ bản được trang bị đủ bàn ghế phù hợp với học sinh; bảng, bàn ghế của giáo viên và đủ ánh sáng, ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè. Cơ bản các trường có thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng công tác giảng dạy và có điều kiện tối thiểu dành cho học sinh khuyết tật học tập được thuận lợi. Ngoài ra, các trường cũng được đầu tư sân chơi và bãi tập; có nguồn nước sạch, hệ thống thoát nước và công trình vệ sinh sử dụng thuận tiện. Cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về mọi mặt. Theo đó, 100% giáo viên dạy lớp 5 tuổi đạt chuẩn về trình độ đào tạo; 87,03% giáo viên tiểu học đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên; 93,6% giáo viên trung học cơ sở đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên.
Hiện nay, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình; tăng cường phụ đạo, giúp đỡ học sinh yếu kém nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Tăng cường công tác kiểm tra, hỗ trợ các cơ sở giáo dục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục nói chung và công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ nói riêng. Tiếp tục rà soát, sắp xếp các trường, điểm trường, quy mô lớp học phù hợp, bảo đảm thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở vật chất, tập trung nâng cao chất lượng; đảm bảo đáp ứng đủ phòng học an toàn, công trình vệ sinh, nguồn nước sạch, bếp ăn cho các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở…
Bảo An