Vi phạm liêm chính trong xuất bản học thuật đã trở thành một vấn đề toàn cầu, đe dọa chất lượng và tính trung thực của nghiên cứu khoa học. Các hành vi vi phạm bao gồm: đạo văn, gian lận dữ liệu, tác giả giả mạo và làm giả kết quả nghiên cứu. Những hành vi này không chỉ vi phạm các quy tắc đạo đức khoa học mà còn “xói mòn” niềm tin của công chúng vào quy trình xuất bản và kết quả nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu, học giả và tổ chức xuất bản đều có trách nhiệm duy trì sự liêm chính học thuật để bảo vệ tính đáng tin cậy của khoa học. Một trong những ví dụ nổi bật về vi phạm liêm chính là vụ việc của nhà tâm lý học người Hà Lan Diederik Stapel, người đã làm giả dữ liệu trong hơn 50 bài báo khoa học, gây rúng động cộng đồng học thuật toàn cầu vào năm 2011. Vấn nạn "tạp chí săn mồi" cũng là một hình thức vi phạm liêm chính ngày càng phổ biến, khi những tạp chí này không thực hiện quy trình phản biện khoa học nghiêm túc, chỉ thu phí xuất bản và đăng tải bài viết mà không kiểm tra chất lượng. Điều này tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu thiếu đạo đức, hoặc chịu áp lực xuất bản, tìm kiếm các tạp chí để xuất bản nhanh chóng mà không bị kiểm tra kỹ lưỡng. Theo Retraction Watch, một trang web chuyên ghi lại các bài báo bị rút lại vì lý do đạo đức, số lượng các bài báo bị thu hồi trong thập kỷ qua đã tăng đáng kể, đặc biệt trong các lĩnh vực như y học, sinh học, và khoa học xã hội.
Nguyên nhân của hiện tượng này là?
Áp lực xuất bản: “Publish or perish” (Xuất bản hoặc diệt vong) là cụm từ thường dùng để chỉ áp lực mà các nhà nghiên cứu phải đối mặt, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển, nơi việc thăng tiến học thuật, tài trợ nghiên cứu, và danh tiếng cá nhân phụ thuộc nhiều vào số lượng công bố. Điều này dẫn đến việc một số nhà nghiên cứu sử dụng các biện pháp “không đúng” để nhanh chóng xuất bản.
Thiếu kiểm soát và cơ chế phản hồi: Ở nhiều quốc gia, hệ thống quản lý giám sát nghiên cứu chưa được hoàn thiện. Các quy trình phản biện chưa đủ minh bạch và rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện các vi phạm. Các cơ quan quản lý nghiên cứu cũng chưa có đủ công cụ và quy trình hiệu quả để xử lý các hành vi vi phạm này một cách nhanh chóng và triệt để.
Thiếu giáo dục về đạo đức nghiên cứu: Nhiều nhà nghiên cứu trẻ hoặc từ các quốc gia có nền khoa học chưa phát triển đủ mạnh có thể không được trang bị đầy đủ kiến thức về đạo đức nghiên cứu. Điều này dẫn đến việc họ vi phạm do thiếu hiểu biết, hơn là cố tình gian lận.
Nguồn: scienceeurope.org
Cách hành xử khi phát hiện vi phạm liêm chính?
Khi phát hiện một hành vi vi phạm liêm chính trong xuất bản khoa học, cộng đồng học thuật thế giới thường có các ứng xử phù hợp sau đây:
1. Điều tra kỹ lưỡng và minh bạch
Điều tra nội bộ: Hội đồng biên tập hoặc cơ quan quản lý nghiên cứu của tạp chí hoặc tổ chức liên quan sẽ tiến hành điều tra kỹ lưỡng. Quy trình này thường đảm bảo tính minh bạch và tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp và đặc biệt là làm theo hướng dẫn của COPE (Committee on Publication Ethics). COPE là một tổ chức quốc tế cung cấp các hướng dẫn về đạo đức xuất bản. Họ đã phát hành nhiều tài liệu về quy trình điều tra và xử lý khi phát hiện vi phạm, chẳng hạn như Retraction guidelines.
Thông báo chính thức: Người tố cáo và tác giả bị cáo buộc đều phải được thông báo và có cơ hội phản hồi. Việc xử lý các thông tin cần được bảo mật trong giai đoạn đầu.
2. Phản hồi và xử lý công khai (nếu cần)
Rút lại bài báo (retraction): Nếu hành vi vi phạm là nghiêm trọng (như đạo văn, gian lận dữ liệu), bài báo có thể bị rút lại. Việc rút bài thường đi kèm với thông báo công khai, giải thích lý do cụ thể. Chẳng hạn, Nature thường xuyên rút lại các bài báo khi phát hiện có gian lận hay vi phạm đạo đức. Quy trình này được thực hiện một cách minh bạch và công khai và theo hướng dẫn tại Corrections, Retractions and Matters Arising. Ngoài ra, bạn đọc có thể truy cập vào Retraction Watch: trang web này ghi lại các trường hợp bài báo bị rút lại trên toàn thế giới, cung cấp minh chứng rõ ràng về cách các tạp chí xử lý vi phạm đạo đức nghiên cứu.
Chỉnh sửa bài báo (correction): Nếu vi phạm không nghiêm trọng, bài báo có thể được sửa đổi thay vì rút lại, kèm theo thông tin về những thay đổi đã thực hiện.
3. Áp dụng biện pháp kỷ luật
Cấm hoặc hạn chế xuất bản: Tác giả vi phạm có thể bị cấm nộp bài mới trong một thời gian nhất định tại tạp chí đó hoặc các tạp chí liên quan. Các cơ quan nghiên cứu cũng có thể tạm dừng tài trợ cho tác giả trong một khoảng thời gian nào đó.
Thông báo đến cơ quan chủ quản: Trong một số trường hợp, các vi phạm sẽ được báo cáo cho cơ quan nghiên cứu hoặc tổ chức chủ quản của tác giả, dẫn đến các biện pháp kỷ luật bổ sung như sa thải, cắt giảm tài trợ.
4. Tăng cường giáo dục và hướng dẫn về đạo đức nghiên cứu
Tạo ra các tài liệu hướng dẫn: Nhiều tổ chức học thuật tăng cường việc đào tạo và cung cấp tài liệu về đạo đức nghiên cứu để ngăn chặn các vi phạm tiềm năng. National Institutes of Health (NIH): Tổ chức này cung cấp các chương trình giáo dục và công cụ để đào tạo các nhà nghiên cứu về đạo đức nghiên cứu khoa học, bao gồm quy tắc hành xử và cách ngăn chặn vi phạm. Ở Việt Nam, hiện nay cộng đồng cũng rất quan tâm đến vấn đề này, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức tài trợ nghiên cứu cũng đã có những tuyên bố, tài liệu hướng dẫn ban đầu về chủ đề này. Một trong những tổ chức uy tín như vậy là quỹ NAFOSTED, năm 2022 đã ban hành Quy định về liêm chính nghiên cứu đối với việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ.
Hỗ trợ tự kiểm tra đạo đức: Một số hệ thống và công cụ hỗ trợ việc kiểm tra đạo đức được cung cấp, như phần mềm kiểm tra đạo văn hay quy trình đánh giá nội bộ nghiêm ngặt hơn. Việc này đã được triển khai ở nhiều cơ quan xuất bản, cơ quan quản lí khoa học và nghiên cứu, dựa trên các phần mềm khá phổ biến như Turnitin, Grammarly (Premium), iThenticate, Plagscan, Copyscape, Quetext, Unicheck,…
5. Đóng góp cho văn hóa liêm chính học thuật
Phát triển một môi trường học thuật trung thực: Cộng đồng học thuật khuyến khích việc xây dựng văn hóa minh bạch, hợp tác, và tuân thủ quy định. Những vi phạm phải được giải quyết công bằng nhưng không dẫn đến sự hủy hoại danh dự nếu không có bằng chứng rõ ràng. Đại học Harvard đã phát triển nhiều chương trình và quy tắc để thúc đẩy một môi trường học thuật liêm chính, bao gồm các khóa đào tạo về đạo đức nghiên cứu.
Vi phạm liêm chính trong xuất bản học thuật gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho uy tín của nghiên cứu khoa học và cộng đồng học thuật. Mặc dù các biện pháp đối phó đã được cải tiến, việc ngăn chặn hoàn toàn các vi phạm vẫn là một thách thức lớn. Để giải quyết triệt để, cần có sự hợp tác toàn cầu trong việc xây dựng cơ chế quản lý mạnh mẽ, tăng cường giáo dục đạo đức và phát triển văn hóa nghiên cứu minh bạch, trung thực.
***
Lương Ngọc, Vân An
Tài liệu tham khảo
Barbour, V., Kleinert, S., Wager, E., & Yentis, S. (2009b). Guidelines for retracting articles. https://doi.org/10.24318/cope.2019.1.4
Nature (n.d.). Corrections, Retractions, and Matters Arising. https://www.nature.com/nature-portfolio/editorial-policies/correction-and-retraction-policy