Hiện nay, Trường có 460 cán bộ viên chức và người lao động, trong đó giảng viên có 295 người, gồm: 3 Giáo sư; 21 Phó Giáo sư; 110 Tiến sĩ và 161 Thạc sĩ. Quy mô đào tạo hàng năm gần 15.000 sinh viên, với 19 ngành đào tạo bậc Đại học, 7 ngành bậc Thạc sĩ và 4 ngành đào tạo bậc Tiến sĩ.
Ảnh 1: Khuôn viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng
Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng tuyển sinh hoàn thành 100% chỉ tiêu với 5 phương thức tuyển sinh. Nhà trường đã tập trung mạnh mẽ vào công tác tư vấn tuyển sinh, cả trực tuyến và trực tiếp tại Đà Nẵng cùng các địa phương ở miền Trung - Tây Nguyên.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và học thuật trong đội ngũ giảng viên và sinh viên Trường có những bước phát triển đáng kể với nhiều đề tài mang tính ứng dụng cao, giải quyết các vấn đề thực tiễn của ngành, ngày càng phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tích đáng biểu dương. Trong năm học 2023-2024 Nhà trường đã có 207 bài báo công bố khoa học trên diễn đàn, tạp chí quốc tế,… Nhà trường cũng công nhận 62 sáng kiến cấp cơ sở trong đó có 32 sáng kiến phục vụ cho giảng dạy & NCKH, 30 sáng kiến của quản lý, ứng dụng cho công việc; tổ chức thành công 14 Hội thảo khoa học, trong đó có 6 quốc gia (như Hội thảo Bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến phát triển kinh tế số; cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, Hội thảo đầu tư xanh, phát triển nguồn nhân lực vì mục tiêu bền vững, Hội thảo công bố Báo cáo thường niên 2023), và 08 Hội thảo quốc tế (VICIF và ICOAF lần thứ 9);… Hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học của Nhà trường đã thu hút gần 215 đề tài tham gia và trao 5 giải Nhất, 5 giải Nhì, 5 giải Ba.
(Ảnh 2: Sinh viên DUE đạt giải cao tại các cuộc thi nghiên cứu, học thuật).
Quốc tế hóa giáo dục đại học là xu thế phát triển chung của các trường đại học trên thế giới và Việt Nam. Đồng thời, sẽ góp phần nâng cao chất lượng trải nghiệm học tập toàn cầu, thúc đẩy quá trình hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới để từ đó mang lại tiềm năng nghề nghiệp cho sinh viên. Tại Trường Đại học Kinh tế, sinh viên được khuyến khích suy nghĩ với góc nhìn toàn cầu, được trải nghiệm học tập ở nước ngoài hoặc đơn giản là giao lưu với sinh viên quốc tế ngay tại cơ sở bạn theo học. Thế giới đang thay đổi và ngày càng quốc tế hóa là điều không ai có thể phủ nhận, vậy nên đừng bỏ lỡ cơ hội để bạn “bắt nhịp” cùng thế giới. Đến nay, nhà trường đã mở rộng mạng lưới liên kết đào tạo với 30 trường đại học, chương trình đào tạo cử nhân được công nhận tương đương để chuyển tiếp theo hình thức 2+2, 3+1 tại các trường ĐH uy tín trên thế giới (ĐH Hull - Anh Quốc, ĐH Saxon - Hà Lan, ĐH Massey - New Zealand, ĐH công nghệ Queen - Úc, ĐH Keuka - Hoa Kỳ…). Ngoài ra, các dự án (đặc biệt ERAMUS+) cũng mang về cho sinh viên nhiều học bổng trao đổi (ĐH Westphalian - Đức, ĐH Cardiff Metropolitan - Anh Quốc, ĐH Nice Sophia Antipolis - Pháp, ĐH Meiji Gakuin - Nhật Bản…). Mở rộng hợp tác với các nước trên thế giới chính là bước tiến quan trọng trong chiến lược xây dựng Trường Đại học Kinh tế trở thành trường đại học hàng đầu về cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, vững chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, thành thạo kỹ năng nghề nghiệp và đáp ứng tốt yêu cầu công việc trước xu thế hội nhập, góp phần khẳng định vị thế giáo dục của DUE trong hệ thống đại học Việt Nam.
(Ảnh 3: Bàn giao và khánh thành DUE Digital Hub).
Trường Đại học Kinh tế là một trong những đơn vị đầu tiên đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo. Việc làm này giúp sinh viên nâng cao kiến thức, nhận thức về khởi nghiệp, định hình tư tưởng và giá trị cốt lõi khi khởi nghiệp. Điều quan trọng là tạo ra một môi trường giảng dạy sáng tạo, liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, cho các em sinh viên “không gian khởi nghiệp” để thử nghiệm những kiến thức đã học trong việc giải quyết bài toán thực tế trên giảng đường. Đó là lý do nhà trường phối hợp với các đối tác triển khai các dự án đào tạo, tổ chức sân chơi khởi nghiệp cho thanh niên miền Trung. Nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng sinh viên, Nhà trường tổ chức Cuộc thi Startup Runway 2024 với chủ đề: “Toward a New Era: Empowering Sustainable Entrepreneurship” nhằm mang đến một sân chơi lành mạnh cho đông đảo các bạn trẻ đến từ các cơ sở giáo dục đào tạo đại học trên địa bàn TP. Đà Nẵng và các tỉnh thành phố khác với niềm đam mê và khát khao khởi nghiệp.
(Ảnh 4: Thành công của Startup Runway -2024 không những tiếp tục khẳng định sức hút của một “sân chơi” đã trở thành thương hiệu gắn bó với các thế hệ sinh viên năng động, sáng tạo của Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN).
Trong năm học 2023-2024, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã có nhiều đổi mới và sáng tạo trong đào tạo. Đặc biệt, Nhà trường đã bắt đầu thí điểm triển khai đào tạo theo phương thức kết hợp (Blended Learning) sử dụng platform Study-Arts. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa phương pháp giáo dục, kết hợp giữa học truyền thống và học trực tuyến. Mô hình Blended Learning không chỉ giúp giảng viên và sinh viên tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt và tiện lợi hơn, mà còn tăng cường tương tác, hỗ trợ cá nhân hóa quá trình học tập, và tối ưu hóa hiệu quả giảng dạy.
Với những nỗ lực không ngừng trong việc cải tiến chương trình đào tạo và tăng cường công tác tuyển sinh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã và đang khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời tạo ra môi trường học tập và nghiên cứu chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và nền kinh tế.
Nguyễn Huy Hồng - Tạp chí Giáo dục