Tương lai của công nghệ Blockchain trong giáo dục?

Blockchain - công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin toàn cầu, đang mở ra những triển vọng mới mẻ cho ngành giáo dục. Blockchain có tiềm năng cách mạng hóa ngành giáo dục bằng cách cung cấp một nền tảng an toàn, minh bạch. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp cơ hội, tiện ích và cả những thách thức khi ứng dụng công nghệ Blockchain trong giáo dục.

Giáo dục đã trải qua những thay đổi to lớn, từ việc chuyển đổi mô hình lớp học truyền thống sang eLearning, và giờ đây tiến tới hình thức học tập kết hợp. Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy việc áp dụng hình thức học tập kỹ thuật số và các trường học trên toàn thế giới bắt đầu sử dụng các nền tảng trực tuyến và Hệ thống quản lý học tập (LMS) để dạy sinh viên. Công nghệ Blockchain cũng đang chuẩn bị cách mạng hóa giáo dục. Công nghệ này có tiềm năng biến đổi cách quản lý dữ liệu học thuật và cách giảng viên và sinh viên tương tác. Hãy cùng xem công nghệ chuỗi khối có thể ảnh hưởng đến giáo dục như thế nào trong tương lai.

Blockchain là gì?

Blockchain bắt đầu với một người tên Satoshi Nakamoto, người đã phát minh ra Bitcoin và đưa công nghệ blockchain ra thế giới vào năm 2009. Sau khi phát hành sách trắng Bitcoin, nó được tạo thành nguồn mở, cho phép bất kỳ ai quan tâm có thể xây dựng dựa trên mã hiện có. Vài năm sau khi Bitcoin phát hành, các nhà phát triển bắt đầu nhận thấy tiềm năng sâu rộng của Blockchain và bắt đầu khám phá những ứng dụng của nó bên ngoài lĩnh vực tiền điện tử. Trước đây, blockchain và Bitcoin thường được coi là giống nhau, trong khi trên thực tế, Bitcoin chỉ đơn giản là một ứng dụng được xây dựng bằng Blockchain (Sherman và cộng sự, 2019)

Theo nghiên cứu của Zheng et al. (2017), blockchain (hay còn gọi là chuỗi khối) là một cơ sở dữ liệu phi tập trung (decentralized), bất biến, một chuỗi các "khối" lưu trữ thông tin như ngày, giờ, số tiền và/hoặc người tham gia giao dịch (những người tham gia trên blockchain thường không thể nhận dạng cá nhân). Hệ thống blockchain có 3 loại chính:

Public: Người dùng có khả năng ghi chép, chỉnh sửa dữ liệu nhập vào khối thông tin. Bất kì ai có tài khoản đều được share quyền lợi này. Tuy nhiên, quá trình xác thực giao dịch blockchain sẽ diễn ra rất lâu bởi chúng cần nhiều nút tham gia.

Private: Ở chế độ riêng tư, người dùng chỉ được phép đọc thông tin. Giao dịch diễn ra nhanh bởi hệ thống chỉ đòi hỏi 1 số ít nút tham gia.

Permissioned: Cũng là 1 dạng private nhưng người dùng được cung cấp 1 số tính năng đặc quyền khác tùy thuộc bên thứ 3 cung cấp.

Blockchain có thể được khai thác, ứng dụng trong giáo dục theo nhiều cách. Đầu tiên, công nghệ này có thể tạo ra một hệ thống quản lý hồ sơ sinh viên và giảng viên an toàn và minh bạch. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn giảm bớt gánh nặng quản lý cho các cơ sở giáo dục. Thứ hai, Blockchain có thể giúp nâng cao minh bạch trong quá trình đánh giá và cấp chứng chỉ. Với Blockchain, chứng chỉ có thể được xác minh một cách dễ dàng, nhanh chóng, giúp loại bỏ các vấn đề về gian lận. Thứ ba, việc sử dụng Blockchain trong giáo dục còn giúp tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực. Công nghệ này giúp giảm chi phí và thời gian liên quan đến việc quản lý và theo dõi nguồn lực, từ đó giúp các cơ sở giáo dục hoạt động hiệu quả hơn.

Một số ngành đào tạo trực tuyến tại Trung tâm Đào tạo từ xa - Đại học Thái Nguyên

Ứng dụng thực tế của Blockchain trong giáo dục

Bảo mật và xác thực bằng cấp, chứng chỉ

Blockchain có tiềm năng đảm bảo danh tính, quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của sinh viên. Blockchain cung cấp tính bảo mật và tính hợp lệ bằng cách đảm bảo tính bất biến thông qua các hàm băm mật mã (cryptographic hashes). Do đó, sinh viên không thể thay đổi chứng chỉ giáo dục trước đây được lưu trữ trên blockchain trong khi họ có thể dễ dàng làm điều này với hồ sơ giấy. Ngoài ra, dữ liệu cũng có thể được mã hóa trước khi được lưu trữ trên blockchain. Các bằng cấp được lưu trữ trên blockchain có thể được kiểm tra và xác minh dễ dàng bởi nhà tuyển dụng, các trường đại học khác mà không cần qua quá trình xác nhận truyền thống phức tạp. Các trường đại học MIT và University of Nicosia đã sử dụng Blockchain để cấp chứng chỉ học tập cho sinh viên (qua hệ thống Blockcerts), đảm bảo tính minh bạch và bền vững của các chứng chỉ này.

Quản lý hồ sơ sinh viên an toàn và minh bạch

Blockchain cũng có thể được sử dụng để lưu trữ và quản lý hồ sơ sinh viên một cách an toàn và minh bạch. Các thông tin như điểm số, thông tin học viên, sự tiến bộ và thành tích của sinh viên có thể được lưu trữ trên một blockchain, giúp việc quản lý và truy cập dữ liệu trở nên dễ dàng hơn. Sinh viên có thể quản lý và chia sẻ thông tin này một cách dễ dàng và an toàn với các nhà tuyển dụng hoặc các cơ sở giáo dục khác. Ứng dụng này giúp người học tạo ra một “hồ sơ học tập trọn đời” (lifelong learning passport) mà họ có thể sử dụng suốt đời, dù chuyển trường hoặc làm việc ở nhiều nơi khác nhau. Blockchain cũng có thể giúp các trường học và cơ sở giáo dục trên toàn thế giới kết nối với nhau, tạo ra một hệ sinh thái học tập toàn cầu, nơi mà dữ liệu về sinh viên, bằng cấp và các khóa học có thể dễ dàng chia sẻ và xác thực trên phạm vi quốc tế. Điều này đặc biệt hữu ích trong việc công nhận và chuyển đổi tín chỉ học tập giữa các cơ sở giáo dục khác nhau mà không gặp phải các rào cản truyền thống về hành chính và pháp lý. Ví dụ, trường đại học Open University (OU) - Vương quốc Anh đã sử dụng Blockchain để phát triển hệ thống MyAcademicID, cho phép sinh viên quản lý thông tin học tập của mình một cách bảo mật và có thể chia sẻ thông tin đó với các nhà tuyển dụng hoặc cơ sở giáo dục khác. Tương tự, Trường Đại học Melbourne đã sử dụng Blockchain để cấp và lưu trữ chứng chỉ học tập. Sinh viên có thể nhận và chia sẻ các chứng chỉ này với bên thứ ba mà không cần phải qua quá trình xác thực từ nhà trường.

Tạo ra mô hình giáo dục P2P

Blockchain còn mang đến khả năng tạo ra mô hình giáo dục ngang hàng (P2P), trong đó học viên và giảng viên có thể tương tác trực tiếp với nhau mà không cần qua trung gian. Ví dụ, công ty start-up BitDegree đã sử dụng công nghệ blockchain để tạo ra một nền tảng giáo dục trực tuyến P2P, giúp học viên có thể chọn các khóa học theo yêu cầu và giảng viên được thanh toán trực tiếp từ học viên. Blockchain có thể hỗ trợ phát triển các nền tảng giáo dục phi tập trung, nơi mà không có một tổ chức trung gian nào kiểm soát hoàn toàn dữ liệu và quá trình học tập. Các sinh viên và giảng viên có thể tương tác trực tiếp với nhau, đăng ký khóa học, và lưu trữ kết quả học tập thông qua Blockchain.

Hệ thống đánh giá và kiểm tra minh bạch

Blockchain có thể được sử dụng để tạo ra các hệ thống kiểm tra và đánh giá không thể thay đổi. Điều này đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong việc chấm điểm và ngăn chặn gian lận trong các kỳ thi hoặc việc đánh giá kết quả học tập. Các dữ liệu về điểm số và nhận xét có thể được lưu trữ trên Blockchain, giúp cả sinh viên và giảng viên theo dõi một cách công khai nhưng bảo mật. Ví dụ, trường Đại học Bologna (Ý) đã triển khai một hệ thống dựa trên Blockchain để quản lý và theo dõi việc đánh giá và kiểm tra của sinh viên. Thông qua hệ thống này, các kết quả kiểm tra được lưu trữ trên Blockchain, đảm bảo không thể thay đổi hay gian lận.

Ứng dụng trong nghiên cứu và phát triển

Ngoài việc cung cấp giáo dục, các trường học và tổ chức nghiên cứu cũng có thể sử dụng blockchain để lưu trữ và chia sẻ kết quả nghiên cứu của họ. Điều này không chỉ đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong việc chia sẻ thông tin mà còn tạo ra cơ hội cho việc hợp tác nghiên cứu quốc tế. Blockchain có thể giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tài liệu giảng dạy, nghiên cứu học thuật và sản phẩm sáng tạo của sinh viên hoặc giảng viên. Công nghệ này ghi nhận ai là tác giả gốc và giúp theo dõi việc sử dụng nội dung để đảm bảo các quyền lợi của người sáng tạo được bảo vệ. MIT Media Lab (Hoa Kỳ) đã sử dụng Blockchain để quản lý việc ghi nhận kết quả đánh giá và quá trình hoàn thành các dự án của sinh viên. Các kết quả này được lưu trữ trên Blockchain, giúp dễ dàng kiểm tra lại tính chính xác và không thể bị thay đổi.

Những thách thức và giải pháp khi ứng dụng Blockchain trong giáo dục

Thứ nhất, sự thiếu hiểu biết về công nghệ. Nhiều giảng viên, sinh viên chưa có nhiền kiến thức về cách hoạt động, ưu điểm và nhược điểm của Blockchain, điều này có thể làm giảm khả năng tiếp nhận và ứng dụng công nghệ này vào quá trình giảng dạy và quản lý thông tin học tập. Một số giảng viên có thể ngại thay đổi hoặc cảm thấy bất tiện khi phải thích nghi với các phương pháp quản lý dữ liệu mới, đòi hỏi thêm thời gian và công sức để học hỏi và thực hiện. Nói chung, việc đào tạo cho giảng viên và nhân viên hỗ trợ, sinh viên để sử dụng công nghệ mới là một nhiệm vụ đầy thách thức.

Thứ hai, tính khả năng tương thích và chuẩn hóa hạn chế, việc tích hợp blockchain vào hệ thống hiện tại của các tổ chức giáo dục cũng là một thách thức, vì đòi hỏi phải thay đổi hệ thống hạ tầng công nghệ và quy trình làm việc hiện tại. Blockchain là một công nghệ mới và việc tích hợp nó vào các hệ thống quản lý hiện có có thể gây ra nhiều khó khăn, đòi hỏi sự tương thích và điều chỉnh lớn trong quy trình vận hành. Việc triển khai Blockchain trong quản lý giáo dục đòi hỏi một khoản đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, phần mềm và đào tạo nguồn nhân lực, điều này có thể gây khó khăn đối với các cơ sở giáo dục có nguồn tài chính hạn hẹp.

Thứ ba, không phải sinh viên nào cũng có kiến thức hoặc thiết bị cần thiết để truy cập và sử dụng các hệ thống dựa trên Blockchain, đặc biệt là ở những khu vực khó khăn về cơ sở hạ tầng công nghệ. Mặc dù Blockchain bảo đảm tính bảo mật cao, nhưng vẫn tồn tại những lo ngại về việc dữ liệu học tập cá nhân được lưu trữ vĩnh viễn và công khai trên hệ thống mà người học không thể kiểm soát hoàn toàn.

Thứ tư, hiện nay, nhiều quốc gia chưa có những khung pháp lý rõ ràng về việc sử dụng Blockchain trong giáo dục. Điều này có thể gây ra rủi ro liên quan đến quyền sở hữu dữ liệu và quản lý thông tin học tập. Đồng thời, việc triển khai áp dụng Blockchain yêu cầu cơ sở giáo dục phải thay đổi cách thức quản lý, đặc biệt trong việc lưu trữ, chia sẻ và xác thực bằng cấp, chứng chỉ. Điều này đòi hỏi sự thay đổi lớn trong quy trình nội bộ và tổng thể, hệ thống toàn quốc và có thể gặp phải sự phản đối từ những người chưa sẵn sàng cho sự thay đổi.

Để giải quyết vấn đề này, cần có các chương trình giáo dục và tập huấn về Blockchain dành cho giảng viên, nhân viên và sinh viên. Các tổ chức giáo dục có thể hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, các công ty công nghệ để thực hiện những chương trình này. Thứ hai, đối với vấn đề tích hợp và tương thích, giải pháp nằm ở việc lựa chọn những nền tảng blockchain có khả năng tương thích tốt với hệ thống hiện tại, hoặc xây dựng hệ thống mới dựa trên blockchain từ đầu. Thứ ba, đối với việc đào tạo nhân viên, cần thiết lập các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật liên tục để nhân viên có thể cập nhật và nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ mới.

Dù Blockchain mang lại nhiều tiềm năng trong giáo dục, việc triển khai công nghệ này vẫn đối diện với nhiều thách thức, từ nhận thức và kỹ năng của giáo viên, khả năng tiếp cận của người học, cho đến chi phí, cơ sở hạ tầng và các rào cản pháp lý mà các cơ sở giáo dục phải vượt qua. Với sự tiếp tục nghiên cứu và phát triển, blockchain chắc chắn sẽ mang lại nhiều cải tiến cho giáo dục trong tương lai.

Lương Ngọc, Hồng Anh

Tài liệu tham khảo

Sherman, Alan & Javani, Farid & Zhang, Haibin & Golaszewski, Enis. (2019). On the Origins and Variations of Blockchain Technologies. IEEE Security & Privacy. 17. 72-77. 10.1109/MSEC.2019.2893730.

Zheng et al., (2017). “An Overview of Blockchain Technology: Architecture, Consensus, and Future Trends,” 6th IEEE International Congress on Big Data, https://www.researchgate.net/publication/318131748_An_Overview_of_Blockchain_Technology_Architecture_Consensus_and_Future_Trends

Bạn đang đọc bài viết Tương lai của công nghệ Blockchain trong giáo dục? tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19