Vượt qua khó khăn, trở ngại, tự ti, những người phụ nữ người dân tộc Mông, Thái ở huyện Sông Mã giờ đây đã thoát cảnh mù chữ, đã có thể viết được tên, đọc được thông báo từ Ủy ban nhân dân xã… Biết được chữ, cuộc đời của những người phụ nữ dân tộc thiểu số đã bước sang một trang mới, nhiều hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Việc mở lớp xóa mù chữ tại huyện vùng biên Sông Mã của tỉnh Sơn La đã giúp cho bà con đồng bào chưa được đi học hoặc chưa hoàn thành chương trình tiểu học được học tập lại để biết đến những con chữ, những phép tính căn bản nhất, giúp họ thuận lợi hơn trong công việc cũng như giao tiếp hàng ngày. Như đã thành thói quen, cứ đều đặn 5 buổi/tuần, hai mẹ con chị Sồng Thị Chư, bản Bon Phăm, xã Nà Nghịu lại sửa soạn để lên đường đi học cái chữ, vài ba quyển sách cùng cây bút được sắp xếp gọn gàng trong cặp đã trở thành hành trang không thể thiếu của mẹ con chị. Cuộc sống nương rẫy quanh năm từ khi còn là đứa trẻ, ngoài 30 tuổi, chị Chư vẫn không biết đọc, biết viết. Việc tính toán đối với chị chỉ là tính nhẩm những phép tính đơn giản như mua mớ rau, cái áo, cái quần,... Nhưng sau khi hoàn thành lớp học xóa mù chữ này, nhất định cuộc sống của chị sẽ bước sang "một trang mới". Chị Sồng Thị Chư chia sẻ: “Năm nay mình đi học, mình đi bán gà, bán ngô, bán sắn mình sẽ biết tính toán cho mình, sẽ tiện hơn cho mình, mình sẽ vui hơn năm trước rồi. Mình không biết chữ, mình sẽ đi học để bốn mẹ con mình đều biết chữ như nhau”.
Theo cô giáo Lò Thị Phước, giáo viên Trường Tiểu học Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La: “Học viên đến học đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn nên bút, sách, vở không có nên nhiều khi chúng tôi phải mang bút, sách vở đi theo để hỗ trợ học viên. Trình độ học viên thì gần như là không biết một cái gì cả, chưa biết mặt chữ, cũng chưa biết viết luôn, như trẻ con lớp 1 vậy. Vì thế, sự kiên trì chính là thử thách của giáo viên đứng lớp. Nhưng nhìn thấy nhận thức, tri thức ngày đến gần hơn với bà con một chút thì những vất vả đó chẳng là gì”.
Tại điểm trường Sum Pàn thuộc Trường Tiểu học Bản Mé, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, bất kể trời mưa hay nắng, hàng ngày vào lúc 17h, 50 học viên của lớp xóa mù chữ tập trung học tại đây. Lớp học này đã nỗ lực để giúp những người có khao khát học viết chữ và nhận kiến thức, từ đó phát triển kinh tế và kỳ vọng vào tương lai tốt hơn. Từ những bàn tay hàng ngày cầm cuốc và dao, nhờ sự hướng dẫn tận tâm của cô giáo hướng dẫn từ cách cầm bút cho đến viết từng nét, từng chữ, giờ đây họ đã có thể viết những chữ cái mềm mại, học viết và đọc dễ dàng hơn.
Các học viên cùng hướng đến tương lai biết đọc, biết viết. Ảnh: PV
Cô giáo Hà Thị Hoàn, người trực tiếp giảng dạy lớp xóa mù chữ chia sẻ: "Học viên trong lớp có độ tuổi và trình độ khác nhau, nhiều người chưa thạo tiếng phổ thông nên việc truyền đạt có khó khăn, đặc biệt trong việc phát âm và viết chữ. Mặc dù vậy, hầu hết học viên đều rất nỗ lực trong việc học tập. Hiện tại, tất cả đều có thể đọc và viết thành thạo."
Bà Lường Thị Diên, 61 tuổi, ở bản Sum Pàn, sau khi lên lớp ở nhà còn phải nhờ cháu nội giúp đỡ thêm. Bà chia sẻ: "Tuổi tôi cao, lâu nay không học nên khá khó tiếp thu, học viết chữ khó khăn hơn là làm đồng ruộng. Nhờ sự hỗ trợ của các cô và việc học cùng cháu, tôi đã biết viết và đọc tên mình."
Những lớp học xoá mù chữ như thế này được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên,… tổ chức thường xuyên, liên tục. Để thuận lợi cho việc dạy và học, giáo viên tham gia lớp dạy xóa mù chữ phải là người biết tiếng dân tộc như tiếng Thái, tiếng Mông, đồng thời, phải có những phương pháp hướng dẫn, trao đổi truyền đạt thật gần gũi, sinh động để các học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: “Trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan, ban ngành đoàn thể, các xã thị trấn tăng cường điều tra nhu cầu của người dân để mở các lớp giáo dục xóa mù chữ, giáo dục sau biết chữ. Qua đó, giúp cho đồng bào dân tộc biết đọc, biết viết, biết tính toán, tiến tới biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để không chỉ nâng cao dân trí mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại vùng cao, vùng sâu trên địa bàn”.
"Công tác xoá mù chữ là một việc làm khó, vì đối tượng người học đều trong độ tuổi lao động, Phòng sẽ phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, các đoàn thể chính trị, xã hội bố trí giờ học linh hoạt, đặc biệt buổi tối vào những giờ người học ít phải tham gia lao động sản xuất", ông Viên nói.
Dự kiến đến năm 2025, huyện Sông Mã sẽ mở thêm 18 lớp xoá mù chữ cho bà con dân tộc. Với nỗ lực "gieo chữ" của các ngành chức năng cùng sự quyết tâm của những "học sinh đặc biệt", ánh sáng từ những lớp học xóa mù chữ như thế này chắc chắn sẽ giúp đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, từ đó góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng biên giới Sơn La.
Ông Nguyễn Côgn Viên cũng cho biết: “Thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ giai đoạn 2015-2020; 2021-2025, trong thời gian qua ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã đã tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát, mở các lớp xóa mù chữ theo từng giai đoạn.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xóa mù chữ cho mọi người; huy động các tổ chức kinh tế, xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư có trách nhiệm tham gia công tác xóa mù chữ; củng cố, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; làm nền tảng vững chắc, đẩy mạnh phong trào “Xây dựng xã hội học tập” trên địa bàn huyện Sông Mã, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao dân trí, thực hiện công bằng xã hội.
Nhật Minh