Những lớp học xóa mù chữ thắp sáng vùng cao

Nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm triển khai công tác xoá mù chữ, nhiều lớp học xóa mù chữ đã được tích cực thực hiện tại tỉnh Hà Giang. Đây cũng là mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể tại Tiểu dự án 1, thuộc Dự án 5 Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ nam 2021 đến năm 2025.

Nỗ lực “gieo trồng” con chữ

Khi mặt trời khuất sau núi đá, tiếng đánh vần “ê, a” lại vang lên ở bản người Mông nơi miền đá xám Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang). Những bàn tay thô ráp vốn quen với việc canh tác trồng lúa, trồng ngô thì nay đang cố gắng nắn nót từng con chữ với mong muốn biết đọc, biết viết tiếng phổ thông, tính toán thành thạo, từ đó dễ dàng tiếp cận các kiến thức, tăng thêm hiểu biết vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh.

Với đặc thù là huyện vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh Hà Giang, huyện Mèo Vạc có tổng dân số trên 93.000 người, gồm 17 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 78% dân số toàn huyện. Đời sống khó khăn nên tỷ lệ người mù chữ trên địa bàn huyện còn khá cao. Thời gian qua, cùng với việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, huyện xác định công tác xóa mù chữ là nhiệm vụ quan trọng. Hàng năm, phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cấp, các ngành, các xã, thị trấn, mở các lớp xóa mù chữ tại cơ sở.

Lớp học xóa mù chữ được tổ chức tại các thôn ở Mèo Vạc thu hút nhiều học viên tham gia. Ảnh: MG

Hiện tại, 18 xã, thị trấn của huyện Mèo Vạc đều có các lớp học xoá mù chữ được mở, với gần 500 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số theo học. Sau mỗi khoá học kéo dài 1 năm, các học viên sẽ được làm quen và trang bị các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt và làm một số phép tính cơ bản. Ngoài ra, các lớp xóa mù chữ đã có sự phối hợp với dạy nghề hay các hoạt động khác nhằm tạo điều kiện cho người học tiếp cận nhiều kiến thức trong cuộc sống, phù hợp với đối tượng, tránh được sự nhàm chán cho các học viên…

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, công tác xóa mù chữ ở Mèo Vạc đang đối diện không ít khó khăn, hạn chế. Cụ thể, địa bàn dân cư sống không tập trung, các đối tượng xóa mù chữ, tái mù chữ là độ tuổi lao động, phần lớn người học là lao động chính hoặc phụ nữ nên việc huy động mở lớp học gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi của một số xã biên giới còn hạn chế; tỷ lệ người biết chữ tương đối lớn nhưng do chất lượng học tập chưa thực sự đảm bảo nên tỷ lệ tái mù trở lại cao…

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác xóa mù chữ trên địa bàn, thời gian tới, huyện Mèo Vạc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, nâng cao nhận thức của người đứng đầu với công tác xóa mù chữ; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy lãnh đạo của các Trung tâm Học tập cộng đồng, Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục các xã, thị trấn đảm bảo về cơ cấu, bộ máy mang tính ổn định lâu dài; chỉ đạo các đơn vị giáo dục tổ chức điều tra, rà soát các đối tượng xóa mù chữ để xây dựng kế hoạch mở các lớp học theo từng giai đoạn, năm học.

Lớp học đặc biệt trên rẻo cao

Tại các huyện vùng cao Hà Giang, hiện nay đang có nhiều lớp học xóa mù chữ được tổ chức giống như lớp học ở thôn Mèo Vống. Việc tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho đồng bào vùng cao nằm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được ngành giáo dục và chính quyền các cấp tập trung triển khai. Để mở lớp học xóa mù chữ tại thôn Mèo Vống cũng không hề dễ dàng bởi đa phần các học viên là những lao động chính trong gia đình, ban ngày vất vả mưu sinh trên nương ngô, tối về chăm sóc gia đình nên ai cũng ngại đi học.

Ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc cho biết: “Sau khi rà soát số người chưa biết chữ, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lũng Chinh tổ chức lớp xóa mù chữ ngay tại thôn. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể đến từng hộ, gặp từng người tuyên truyền, vận động. Ban đầu cũng khó khăn, nhưng sau khi vận động, người dân cũng khắc phục khó khăn, bỏ qua mặc cảm để đến lớp học chữ”.

Nhằm nâng cao chất lượng xóa mù chữ, nhà trường đã lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm, hiểu phong tục tập quán, biết tiếng dân tộc, nhiệt tình tham gia giảng dạy. Nhờ đó, những học viên lớn tuổi mỗi khi đến trường không còn mặc cảm, tự ti. Cô giáo Lương Thị Xoan, giáo viên chủ nhiệm lớp xóa mù chữ thôn Mèo Vống chia sẻ: “Phương pháp giảng dạy với lớp xóa mù chữ giống phương pháp dạy lớp 1. Tuy nhiên cái khó là các học viên đều đã lớn tuổi cho nên việc tiếp thu không nhanh bằng lớp trẻ. Do đó mình cần có phương pháp truyền đạt linh hoạt để học viên tiếp thu tốt”.

Cô giáo tận tình chỉ bảo các học viên lớp xóa mù chữ thôn Sủng Lủng, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc. Ảnh: MG

Đều đặn chiều tối các ngày trong tuần, lớp học đặc biệt ở thôn Mèo Vống được duy trì. Mặc dù có nhiều mối lo toan trong cuộc sống, nhưng mỗi học viên khi đến lớp đều quyết tâm học chữ để cuộc sống dễ chịu hơn. Những lớp học đặc biệt trên rẻo cao đang đưa ánh sáng văn hóa đến với những người dân vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện đến trường hoặc tái mù chữ.

Đổi mới công tác tổ chức lớp học

Để đạt được kết quả cao trong công tác xóa mù chữ, cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục các cấp tỉnh Hà Giang đã nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác rà soát đối tượng tái mù chữ trên địa bàn, từ đó huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân tham gia các lớp xóa mù chữ.

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, ngành giáo dục tỉnh Hà Giang đã tổ chức, triển khai đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ về công tác xóa mù chữ. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngành giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ. Các trường vùng cao cũng phân công giáo viên dạy xóa mù chữ biết tiếng dân tộc, linh động về thời gian, kết hợp nhiều hình thức giảng dạy để học viên dễ tiếp thu, bố trí thời gian dạy theo nhóm, lớp. Linh hoạt thay đổi cách bố trí lớp học, không gian lớp học, sử dụng những đồ dùng học tập bằng những sản phẩm nông nghiệp tại địa phương để dạy môn Toán ở giai đoạn 1 và sử dụng song ngữ (cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc) để giảng dạy giúp người học cảm thấy gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ.

Nhật Minh

Bạn đang đọc bài viết Những lớp học xóa mù chữ thắp sáng vùng cao tại chuyên mục CT MTQG Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030 của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19