Công tác xóa mù chữ tại huyện vùng cao Bình Liêu tỉnh Quảng Ninh

Bình Liêu là huyện có tỉ lệ người dân mù chữ cao nhất của tỉnh Quảng Ninh, tập trung chủ yếu tại nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do đó, việc tổ chức các lớp học xóa mù chữ giúp người dân vùng cao tiếp cận với con chữ, biết đọc, biết viết thành thạo tiếng Việt phổ thông, đồng thời tiếp cận được với những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào cuộc sống là rất cần thiết

Những lớp học đặc biệt cùng những “niềm vui đặc biệt”

Cứ đều đặn vào khung giờ 20-22h từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, ở nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa của huyện Bình Liêu hiện nay, những lớp học đặc biệt lại sáng đèn. Gọi đặc biệt bởi đây là lớp xóa mù chữ, học viên đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, cao tuổi, ban ngày bận công việc đồng áng, nương rẫy. Những thầy cô giáo nơi đây đa phần là trẻ, đã không quản ngại khó khăn, vất vả để gieo được con chữ đến với mỗi học viên.

Một lớp xóa mù chữ ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh). Ảnh: PV

Thôn Phiêng Sáp cách trung tâm xã khoảng 6km, điều kiện sinh hoạt của người dân còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, khi lớp xóa mù chữ bắt đầu được mở, đã thu hút được 17 học viên trong thôn tham gia. Khác với những lớp học chữ thường thấy, ở lớp học xóa mù chữ thôn Phiêng Sáp rất đa dạng về độ tuổi. Người cao tuổi nhất gần 70, thấp nhất gần 20; có người đã ở tuổi làm ông, làm bà, nhưng lần đầu tiên mới biết đến con chữ. Tất cả họ đều mong được học để biết đọc, biết viết chữ. Dù nét bút còn ngượng nghịu, vụng về, nhưng ai nấy đều rất hăng say học tập.

Để được học chữ, chị Chìu Tài Múi (37 tuổi, dân tộc Dao) không ngại địu con thơ đi học cùng mẹ. Một tay bế con đã say giấc, tay kia cầm bút tập tô chữ cái, chị Múi vui vẻ chia sẻ: “Trong thôn giờ nhiều người biết đọc, biết viết, mình không biết chữ thì lạc hậu lắm. Sau một thời gian theo học lớp xóa mù chữ, giờ đây tôi có thể ghép vần đọc được một số từ đơn giản. Hy vọng sau khóa học tôi sẽ biết đọc, biết viết tiếng Việt thành thạo. Nếu vậy đây sẽ là sự kiện đặc biệt đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi. Biết chữ sẽ không sợ nghèo, sợ dốt nữa".

Thầy cô giáo trẻ với quyết tâm gieo chữ nơi vùng cao

Dạy chữ ở vùng cao vốn đã khó khăn, vất vả trăm bề, thì dạy chữ ở những lớp xóa mù chữ khu vực này, nhất là cho đối tượng cao tuổi, khả năng tiếp thu cũng hạn chế, càng gian nan hơn. Bởi vậy, để "gieo" được con chữ, những người thầy, cô giáo vùng cao không chỉ ngày đêm khắc phục khó khăn bằng lòng yêu nghề, mà hơn hết là tình yêu với vùng đất, với chính đồng bào nơi đây.

Năm 2017, chị Nông Thị Lan (xã Hoành Mô) tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương. Với mong muốn được cống hiến cho quê hương, chị đã xin làm giáo viên tại Trường Tiểu học Đồng Tâm. Nhiều năm liền chị đều là giáo viên đứng lớp xóa mù chữ tại những địa bàn xa xôi, vất vả nhất của huyện Bình Liêu. Trong đó năm 2019, lớp xóa mù chữ xa nhất mà cô giáo Lan đảm nhận là ở thôn Kéo Chản, xã Đồng Văn. Để đến lớp học, chị phải lặn lội đi bộ cả chục cây số. Nhiều hôm mưa lũ, nước suối dâng cao, chị phải tận dụng phòng trống tại điểm trường để tá túc qua đêm.

Cô giáo Lan cho biết: Khi mới nhận nhiệm vụ đứng lớp tôi cũng rất lo, vì không biết với độ tuổi cao như vậy, học viên có tiếp thu được không. Khó nhất là học viên người dân tộc thiểu số, sử dụng nhiều ngôn ngữ, phong tục, tập quán khác nhau, nên việc dạy chữ khó hơn. Ban đầu học thì cũng khó lắm, tay ai cũng cứng đơ tưởng không viết được, thế nhưng sau một thời gian học tập, bà con tiến bộ thấy rõ, có thể đọc, viết được. Bà con rất chăm chỉ đến lớp, chịu khó nghe giáo viên uốn nắn. Sau vài ngày học làm quen còn bỡ ngỡ, bây giờ ai cũng tự tin, mạnh dạn, xung phong lên bảng.

Giáo viên tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ được lựa chọn kỹ, ưu tiên người địa phương, giáo viên trẻ, cống hiến với nghề. Để mở được lớp xóa mù chữ, chính quyền địa phương và giáo viên phải vận động bà con nhiều lần. Đặc biệt, để xóa mù chữ cho đồng bào, cán bộ, giáo viên đã “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) với bà con.

Cô giáo Hoàng Thị Huyền, đứng lớp xóa mù chữ tại điểm trường Phiêng Sáp (Trường Tiểu học Đồng Tâm), chia sẻ: Muốn giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo, trước hết phải giúp bà con xóa mù chữ để biết tính toán, làm ăn. Trăn trở với suy nghĩ đó, nên dù khó khăn đến mấy chúng tôi cũng cố gắng mang chữ đến với bà con vùng cao.

Từ đây, "Ánh sáng" qua những con chữ chắc chắn sẽ góp phần tiếp tục thay đổi diện mạo những thôn, bản vùng cao của huyện miền núi, biên giới này.

Xóa mù chữ để phát triển kinh tế

Huyện Bình Liêu có cửa khẩu Hoành Mô, tiếp giáp với Trung Quốc. Những năm gần đây, kinh tế - xã hội ở địa phương này đã có bước phát triển, quốc phòng, an ninh ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Do đó nhu cầu học chữ và trang bị những kiến thức khoa học kỹ thuật, chăn nuôi, trồng trọt để phục vụ lao động sản xuất, đặc biệt giao thương tại vùng biên giới đang trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, do là huyện miền núi nên kinh tế tại Bình Liêu phát triển còn chậm, trình độ hiểu biết, nhận thức của nhân dân không đồng đều; cùng với địa hình hiểm trở, dân cư phân bố thưa thớt, nên gây khó khăn cho công tác tập trung học tập. Học viên tại đây đa số là lao động chính trong gia đình, người cao tuổi nên việc nhận biết chữ chậm hơn, học trước quên sau, việc duy trì sĩ số gặp nhiều khó khăn...Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác phổ cập xóa mù chữ sẽ góp phần vào quá trình phát triển kinh tế của huyện Bình Liêu, đặc biệt là hoạt động giao thương buôn bán tại khu cửa khẩu.

Huyện Bình Liêu đã được ban chỉ đạo phổ cập giáo dục đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của phổ cập giáo dục nói chung và phổ cập giáo dục- xóa mù chữ nói riêng. Các trường học trên địa bàn các xã có lớp học xóa mù chữ đã tuyên truyền sâu rộng đến học sinh trong nhà trường trong các buổi chào cờ, ngoại khóa, sinh hoạt lớp... về công tác xóa mù chữ. Trong nhiều năm qua, với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, ngành Giáo dục, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn, huyện Bình Liêu đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác xóa mù chữ.

Ông Vi Hồng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bình Liêu cho biết, mục tiêu đến năm 2025, huyện Bình Liêu phấn đấu tỷ lệ người biết chữ mức độ 2 trong độ tuổi từ 15 đến 60 đạt 96,5%, tăng 1,75% so với năm 2022 (ước tính cần xóa mù chữ thêm 390 người). Sắp tới, huyện sẽ chú trọng nâng cao vai trò của các Trung tâm học tập cộng đồng và trưởng bản trong việc phối hợp, vận động người dân tham gia học xóa mù chữ.

“Không sợ nghèo, không sợ dốt” – đó cũng chính là mục tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia trong đó nâng cao năng lực, dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đó cũng chính là sự quyết tâm của bà con, bản làng nơi đây. Dù khó khăn, vất vả vẫn còn đó, nhưng với lòng quyết tâm, ủng hộ của nhân dân, những chính sách phát triển kinh tế, xã hội vùng khó sẽ được thực hiện và sớm có những đổi thay mạnh mẽ trong thời gian sắp tới.

Nhật Minh

Bạn đang đọc bài viết Công tác xóa mù chữ tại huyện vùng cao Bình Liêu tỉnh Quảng Ninh tại chuyên mục CT MTQG Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030 của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19