Địa phương tích cực, công tác xóa mù chữ đạt hiệu quả

Công tác xóa mù chữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tạo nên nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực, từ đó phát triển được kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân tại những vùng khó.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 là một trong những chương trình trọng điểm Chính phủ với nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó có phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Là địa phương được thụ hưởng nhiều chính sách về phát triển vùng khó, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Trà Vinh Thạch Tha Lai cho hay: Hiện nay, Dự án 5, Tiểu dự án 1 được triển khai cải tạo, nâng cấp, mở rộng tại 8 trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Về công tác xóa mù chữ thuộc Tiểu dự án 1 - Dự án 5, Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản, bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch, ban hành các chế độ, chính sách liên quan đến hoạt động xóa mù chữ trình HĐND tỉnh phê duyệt. Đầu năm, Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh đã ban hành kế hoạch về việc mở lớp xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Các phòng Giáo dục và Đào tạo có xây dựng Kế hoạch mở lớp xóa mù chữ trên địa bàn huyện, thành phố.

Tỉnh đã triển khai, quán triệt và thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác xóa mù chữ, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về công tác xóa mù chữ. Phòng GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo việc bổ sung, rà soát cập nhật bộ số liệu thống kê, điều tra trình độ văn hóa đối tượng trong độ tuổi từ 15 - 60; phối hợp với các lực lượng xã hội khác trong công tác điều tra, vận động người học xóa mù chữ và trực tiếp dạy lớp xóa mù chữ tập trung ưu tiên xóa mù chữ cho phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến nay, trên toàn tỉnh Trà Vinh có 106/106 xã và 9/9 huyện được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, trong đó độ tuổi 15 - 25 đạt tới 99,83%.

Cũng giống nhiều địa phương trên toàn quốc, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021-2025), tỉnh Gia Lai đã tổ chức được 735 lớp học xoá mù chữ cho gần 23.500 người của 176 xã. Riêng năm 2023, Sở GDĐT tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các đơn vị có liên quan, tham mưu UBND tỉnh phân khai kinh phí gần 13 tỷ đồng cho các địa phương, để tổ chức 217 lớp học, cho hơn 6.500 học viên. Lớp xóa mù chữ tại Trường Tiểu học Ngô Quyền, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai hiện có hơn 30 người theo học, tất cả đều là đồng bào Jrai ở làng Ia Lang. Điều đặc biệt ở lớp học này là các học viên theo học hầu hết đã lớn tuổi, nên rất mong biết đọc, biết viết. Đó là lý do họ không ngần ngại đến lớp mỗi tối, kể cả việc mang con cùng đến lớp học. Theo cô Dương Thị Kiếu, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền, người được phân công trực tiếp giảng dạy lớp học này, qua điều tra sơ bộ, làng Ia Lang có khoảng 100 người không biết chữ. Khi được vận động đến lớp học xoá mù chữ, nhiều người còn e dè, một phần xấu hổ do đã lớn tuổi, một phần vì sợ không tiếp thu được.

Một lớp xóa mù chữ tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ảnh: HN

Tuy nhiên, sau khi đến lớp một thời gian, mọi người dần trở nên thích thú và rủ nhau đến lớp ngày một đông hơn. Lớp học chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số đã lớn tuổi nên việc làm quen với mặt chữ ban đầu rất khó khăn. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực, nhiệt tình học tập của học viên, rất cần sự kiên nhẫn động viên, sẻ chia đến từ giáo viên. Dù đã 33 tuổi nhưng với chị H’Thiếu ở làng Ia Lang, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku, đây là lần đầu tiên chị được đến lớp học chữ. Trong tâm trạng háo hức chị H’Thiếu kể, trước đây, gia đình chị nghèo khó, bố mất sớm, chị không thể đi học. Vừa qua được thôn trưởng, cán bộ phường và nhà trường đến động viên, chị quyết tâm đi học để biết chữ. Còn bà H’Lung (57 tuổi) cùng trú tại làng Ia Lang, phường Chi Lăng, chia sẻ, không biết chữ nên bà không đọc được bất cứ loại sách báo nào. Khổ nhất là khi đi làm giấy tờ tùy thân, các loại giấy tờ quan trọng, bà không biết ký mà phải điểm chỉ. Được đi học, biết chữ, tự viết được tên mình, bà vui lắm.

Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Mầm non, Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết, nhiệm vụ xóa mù chữ là cơ sở quan trọng để củng cố kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học, giáo dục Trung học Cơ sở và thúc đẩy phong trào "Xây dựng xã hội học tập" trên địa bàn tỉnh, giúp thu hẹp khoảng cách mặt bằng dân trí giữa các vùng và địa phương.

Theo ông Danh Hoàng Nguyên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng: Hiện nay, theo nhận định chung của các đơn vị, khó khăn lớn nhất vẫn là công tác huy động học viên ra lớp, vì đối tượng xóa mù chữ là những người trong độ tuổi từ 15 đến 60 chưa biết chữ, đại đa số có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhiều người phải làm thuê, làm mướn để kiếm sống hoặc ít có mặt tại nơi thường trú vì đi làm ăn xa, nên công tác huy động ra lớp tại địa bàn dân cư rất khó khăn, thêm vào đó hiện nay kinh phí hỗ trợ cho công tác này cũng gặp khó khăn vì các huyện chỉ dựa trên nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có quy định theo từng địa bàn xã cụ thể được thụ hưởng, định mức được giao cũng có hạn và khác nhau ở từng nơi, trong khi đó tại tỉnh Sóc Trăng, Hội đồng nhân dân tỉnh chưa ban hành Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ xóa mù chữ trên địa bàn.

Công bằng trong giáo dục là việc làm rất khó, đặc biệt lại những địa phương còn nhiều hạn chế trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Nhờ có những chính sách đặc thù như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã tạo tiền đề, động lực cho các địa phương vùng khó có nhiều cơ hội phát triển bền vững, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Minh Phong

Bạn đang đọc bài viết Địa phương tích cực, công tác xóa mù chữ đạt hiệu quả tại chuyên mục CT MTQG Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030 của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19