Thực hiện công tác xóa mù chữ, nâng cao trình độ dân trí vùng cao, biên giới

Nhằm nâng cao trình độ dân trí vùng cao, biên giới, nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, từng bước tháo gỡ khó khăn trong công tác xóa mù chữ với nhiều giải pháp, phương án được triển khai. Trong đó trọng điểm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số là nội dung trong Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5 của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được tỉnh Bắc Kạn nỗ lực triển khai. Đây được xem là giải pháp cho việc nâng cao trình độ dân trí, góp phần nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Để nâng cao hiệu quả công tác xóa mù, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức tập huấn cấp tỉnh cho hơn 80 đại biểu là đại diện lãnh đạo, chuyên viên phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học, nhất là giáo viên dạy xóa mù chữ ở các địa phương.

Học viên của những lớp học xóa mù chữ này là người dân tộc thiểu số mù chữ và tái mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60. Ban đầu, khi được vận động đến lớp nhiều người còn e dè sợ không tiếp thu được vì lớn tuổi. Tuy nhiên, nhờ vào việc tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình mà chỉ trong một thời gian ngắn, những học viên này đã có sự thay đổi rõ rệt.

Điểm trường Sáo Sào, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn ban ngày là địa điểm cho các em học sinh tiểu học, còn từ 16 giờ trở đi là thời gian học của lớp xóa mù chữ. Lớp có 18 học sinh, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông ở nhiều độ tuổi khác nhau, quanh năm vất vả với công việc đồng áng, mùa vụ, khi tham gia các lớp học xóa mù chữ, họ càng trở nên bận rộn hơn. Ở đây, có người phải đi bộ tới 6 cây số, nhưng hằng ngày họ vẫn không quản ngại khó khăn, đều đặn đến lớp, thậm chí còn gói theo cả cơm để đi ăn. Đại diện phòng GD&ĐT huyện Ngân Sơn chia sẻ công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xóa mù chữ, hiện huyện Ngân Sơn tổ chức được 6 lớp với hơn 100 học viên, góp phần nâng cao trình độ dân trí, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. 

Lớp học xóa mù chữ ở bản Huổi Chan 1, huyên Điện Biên, tỉnh Điện Biên có gần 20 học viên ở nhiều độ tuổi tham gia, trong đó chủ yếu từ 40 đến 60 tuổi. Với đặc thù học viên tại các lớp xóa mù chữ là người dân tộc miền núi cô giáo Lường Thị Hiên, giáo viên Trường Tiểu học số 2 Mường Pồn (huyện Điện Biên) chia sẻ: Việc dạy học đối với các học viên lớp xóa mù chữ không giống với dạy học cho học sinh khi ở trường. Các học viên ở lớp xóa mù chữ hầu hết đều lớn tuổi quanh năm chỉ quen với đồng áng và nói tiếng dân tộc nên việc tiếp thu với con chữ khá chậm so với các em học sinh. Vì thể, giáo viên đứng lớp phải thật tỉ mỉ, kiên trì thì các học viên mới nắm được con chữ, đánh vần, ghép chữ được. Điều thuận lợi khi dạy các học viên ở lớp xóa mù chữ là các học viên đều rất nghiêm túc, hăng say trong việc học, thậm chí lớp học trên danh sách chỉ có gần 20 học viên nhưng nhiều buổi có đến 30 học viên tham gia, do một số chị em tranh thủ những lúc rảnh rỗi vẫn đến lớp.

Lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Sáo Sào, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn). Ảnh: LH

Để có được sự tham gia đông đảo, chuyên cần của bà con tại các lớp xóa mù chữ, khi được giao nhiệm vụ tổ chức lớp, các thầy, cô giáo Trường Tiểu học số 2 Mường Pồn đã cùng cán bộ xã tích cực tuyên truyền đến người dân về sự cần thiết của việc biết chữ trong đời sống hàng ngày. Ngoài có thể viết tên, ký tên, biết chữ, bà con có thể đọc tin tức, nắm bắt được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các kiến thức, kỹ năng và sáng kiến kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất cũng như trong đời sống xã hội nhằm góp phần giảm nghèo, tăng năng suất lao động và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Nông Quang Thắng, Huyện Điện Biên đã thành lập Ban Chỉ đạo phổ cập xóa mù chữ tại các địa phương, phân công trách nhiệm cho các thành viên theo từng địa bàn cụ thể. Tiến hành theo dõi, kiểm tra, giúp đỡ các địa bàn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các thôn, bản còn nhiều người mù chữ để triển khai công tác điều tra, rà soát người mù chữ, người tái mù chữ. Phòng GDĐT huyện tổ chức các lớp xóa mù chữ phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, dòng họ trong việc vận động người mù chữ ra học lớp xóa mù chữ.

Việc mở các lớp xóa mù chữ nhằm nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân các dân tộc ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn; tăng tỷ lệ người biết chữ, giảm số người mù chữ, tái mù chữ trong cộng đồng, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Huyện Điện Biên phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ người biết chữ mức 2 toàn huyện độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi đạt 95% trở lên, đảm bảo duy trì bền vững khi các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

Những kết quả, con số đã đạt được trong thời gian qua tại các địa phương là minh chứng cụ thể cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách khuyến khích, động viên đồng bào nâng cao trình độ, dân trí vùng cao, vùng biên giới được áp dụng vào thực tế đời sống. Với những chính sách đúng đắn, hiệu quả, sát với thực tế, hi vọng rằng, giáo dục vùng cao, biên giới sẽ vượt qua được những thách thức, phát triển, vươn xa trong thời gian tới.

Minh Phong

Bạn đang đọc bài viết Thực hiện công tác xóa mù chữ, nâng cao trình độ dân trí vùng cao, biên giới tại chuyên mục CT MTQG Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030 của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19