Mối quan hệ giữa Trí tuệ nhân tạo (AI) và Đào tạo từ xa (Distance learning)

Trí tuệ nhân tạo là một trong những công cụ hỗ trợ cho hoạt động đào tạo từ xa. Bài viết làm sáng tỏ chủ đề trí tuệ nhân tạo và đào tạo từ xa, bằng cách nêu mối quan hệ tương tác giữa chúng và vai trò của trí tuệ nhân tạo trong việc hỗ trợ đào tạo từ xa, cùng với những thách thức mà trong quá trình ứng dụng công nghệ này.

Định nghĩa về trí tuệ nhân tạo (AI)

Các nhà nghiên cứu định nghĩa trí tuệ nhân tạo là “Một nhánh của khoa học máy tính giúp máy tính bắt chước hành vi của con người để giúp thực hiện tốt hơn trong khoa học và công nghệ” (Moumita và cộng sự, 2021). Từ định nghĩa có thể thấy rõ rằng trí tuệ nhân tạo chủ yếu sao chép trí thông minh của con người để xử lý dữ liệu lớn, tạo ra những cỗ máy có thể thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi trí thông minh của con người và thiết kế một hệ thống tự học. Sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo được coi là một công cụ hỗ trợ cho việc học từ xa và là sự tiếp nối của quá trình giáo dục. Trí tuệ nhân tạo bao gồm nhiều nhánh học tập, trong đó quan trọng nhất là:

- Machine learning: Đây là quá trình mà máy tính sử dụng dữ liệu từ giáo dục để tự học cách nhận ra các mẫu hoặc xu hướng trong đó (Sdenka và cộng sự, 2023). Cụ thể, máy tính sẽ lặp đi lặp lại việc xem xét dữ liệu và qua thời gian, nó học cách phân biệt và hiểu được các kiểu mẫu khác nhau có trong dữ liệu (Patricia & Joan, 2024).

- Deep learning: Đây là giai đoạn học nâng cao vượt ra ngoài machine learning và đi sâu hơn vào việc sử dụng "các tập dữ liệu lớn để mô phỏng và dự đoán kết quả giáo dục" (Sdenka và cộng sự, 2023). Deep learning đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của đào tạo từ xa vì nó thực hiện một số quy trình như: tổ chức và sắp xếp nhiều dạng kiến ​​thức.

- Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural language processing): khả năng của máy tính trong việc hiểu, diễn giải và tạo ra ngôn ngữ của con người, bao gồm cả lời nói và văn bản (Abdulaziz và cộng sự, 2023).

- Trực quan máy tính (Computer vision): khả năng của máy tính trong việc phân tích và diễn giải thông tin trực quan như hình ảnh và video (Abdulaziz và cộng sự, 2023).

Định nghĩa về Đào tạo từ xa (Distance education)

Đào tạo từ xa là quá trình giảng dạy, học tập mà sinh viên và giảng viên không cần tới lớp hay tới trường học như trước đây, mà có thể học bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử thông minh. Sinh viên có thể làm và nộp bài tập về nhà, bài thi, bài kiểm tra và nhận chứng chỉ từ chương trình học của mình mà không cần phải tới trường. Mặc dù không gặp mặt và trao đổi trực tiếp như phương pháp giảng dạy thông thường, nhưng đào tạo từ xa (Distance education) vẫn đảm bảo tương tác giữa người dạy, người học và các sinh viên cùng lớp với nhau.

Giáo dục từ xa bao gồm hai loại chính (Magdalena và cộng sự 2023):

- Giáo dục từ xa không đồng bộ (Asynchronous distance education): là một phong cách giáo dục từ xa phụ thuộc vào sự tương tác giữa người dạy và người học tại bất kỳ thời điểm nào. Sự tương tác không chỉ giới hạn ở việc có mặt trong giờ làm việc chính thức hoặc trong lớp học. Thay vào đó, sự tương tác xuất hiện trên các nền tảng giáo dục, trong phòng trò chuyện hoặc thông qua các bài giảng ghi âm hoặc các chương trình giáo dục trực quan.

- Giáo dục từ xa đồng bộ (Synchronous distance education): yêu cầu tương tác cùng lúc, chẳng hạn như vào các nền tảng và phòng giáo dục tại thời điểm đã chỉ định để tham dự các bài giảng trực tiếp qua Internet. Trên thực tế, có một phong cách thứ ba phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia mới chuyển sang giáo dục từ xa, đó là phong cách kết hợp giữa đồng bộ và không đồng bộ.

Mối quan hệ giữa Trí tuệ nhân tạo và Đào tạo từ xa

Trí tuệ nhân tạo và khả năng giải quyết nhanh chóng các vấn đề phức tạp trong mọi lĩnh vực của đời sống con người và mô phỏng trí thông minh của con người, đặc biệt là trong các chức năng giáo dục, đã góp phần biến đào tạo từ xa thành một phương pháp hiệu quả trong giáo dục. Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ đào tạo từ xa bằng cách “sử dụng các hệ thống giảng dạy thông minh, các tác nhân thông minh và các hệ thống học tập cộng tác thông minh, và nó đòi hỏi một cách tiếp cận liên ngành để tích hợp nhiều lĩnh vực” (Sdenka và cộng sự, 2023). Mặt khác, trí tuệ nhân tạo góp phần vào nâng cao tốc độ và tính chính xác của các quyết định của giáo viên, vì các công nghệ trí tuệ nhân tạo cung cấp các thuật toán và phần mềm có khả năng báo cáo tình hình lớp học theo thời gian thực và đáp ứng nhu cầu của học sinh thông qua nền tảng giáo dục (Patricia & Joan, 2024). Các khả năng của trí tuệ nhân tạo trong học máy, học sâu, … có thể tăng hiệu quả của quá trình giáo dục và đảm bảo giáo dục liên tục cho tất cả mọi người với ít nỗ lực, thời gian và chi phí hơn.

Tại Việt Nam, Trung tâm Đào tạo từ xa - Đại học Thái Nguyên đã triển khai chương trình đào tạo cử nhân trực tuyến (E-learning) đáp ứng xu hướng phát triển toàn cầu và tích cực ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động quản lí và đào tạo. Trung tâm hiện có hơn 5.000 sinh viên đã tốt nghiệp và nhận bằng cử nhân do Giám đốc Đại học Thái Nguyên cấp. Nhiều cựu sinh viên đã và đang đảm nhận những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, nhà nước, và các doanh nghiệp, đóng góp hiệu quả vào quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng hiện đại, hệ thống tài liệu học tập hoàn chỉnh, cùng với đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, trung tâm luôn là lựa chọn đáng tin cậy và uy tín cho những ai theo đuổi việc học đại học từ xa. Từ đó, trung tâm đã thu hút một lượng lớn học viên đăng ký nhập học và số lượng học viên tiếp tục gia tăng.

Với hơn 50 năm kinh nghiệm đào tạo của Đại học Thái Nguyên, Trung tâm đặt ra mục tiêu hỗ trợ xây dựng một xã hội học tập, cung cấp cơ hội học tập liên tục và suốt đời, giúp người học mở rộng kiến thức và nâng cao trình độ học vấn. Qua đó, Trung tâm góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện tìm kiếm việc làm và đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Lương Ngọc, Hồng Anh

Tài liệu tham khảo

Abdulaziz, A., Abdel Magid, H., & Khalifa N., A.-K. (2023). Re-Thinking Data Strategy and Integration for Artificial Intelligence: Concepts, Opportunities, and Challenges. Applied Sciences, 12(13), pp. 1-33. https://doi.org/10.3390/app13127082

Magdalena, G., Magdalena, O., & Klaudia, P. (2023). The Influence of Emerging Technologies on Distance Education. Electronics, 12(7), pp. 1-29. https://doi.org/10.3390/electronics12071550  

Moumita, G., & Thirugnanam, A. (2021). Introduction to Artificial Intelligence, in: Artificial Intelligence for Information Management: A Healthcare Perspective. Springer Singapore. https://doi.org/10.1007/978-981-16-0415-7_2

Patricia, F., & Joan, T. (2024). The Future of Lifelong Learning: The Role of Artificial Intelligence and Distance Education, in: Lifelong Learning - Education for the Future World. Intechopen. https://doi.org/10.5772/intechopen.114120 

Sdenka Zobeida, S.-P., Kejiang, X., & Xinyun, H. (2023). Artificial Intelligence and Learning Analytics in Teacher Education: A Systematic Review. Education Sciences, 12(8), pp. 1-18. https://doi.org/10.3390/educsci12080569

Trung tâm Đào tạo từ xa - Đại học Thái Nguyên. https://dec.tnu.edu.vn/

Bạn đang đọc bài viết Mối quan hệ giữa Trí tuệ nhân tạo (AI) và Đào tạo từ xa (Distance learning) tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn