Luật giáo dục suốt đời của Hàn Quốc và một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam

Bài viết của Bùi Thanh Xuân (2024) trình bày khái quát về nội dung cơ bản của đạo luật Giáo dục suốt đời những tác động của Luật đến thực tiễn giáo dục tại Hàn Quốc, từ đó rút ra một số khuyến nghị cho quá trình hoàn thiện khung pháp lí đối với lĩnh vực học tập suốt đời của Việt Nam.

Với sự phát triển mạnh mẽ của KH-CN hiện nay, việc học tập cơ bản trong hệ thống nhà trường chính quy mới chỉ cung cấp một nền tảng kiến thức nhất định cho mỗi cá nhân. Vì vậy, học tập suốt đời (HTSĐ) vừa là xu thế tất yếu của các nền giáo dục hiện nay, vừa là con đường tất yếu đảm bảo cho sự tồn tại, phát triển bền vững của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng. Tại Châu Á, Hàn Quốc được xem là nước có nền kinh tế và giáo dục phát triển vượt bậc. Mục tiêu chính của nền giáo dục của Hàn Quốc hiện nay là nhằm xây dựng một nền “giáo dục mở”, tạo cơ hội cho mọi người được HTSĐ để các cá nhân trong xã hội có thể trở thành những con người mới có đủ tri thức, năng lực đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội thông tin và toàn cầu hóa. Nghiên cứu của Bùi Thanh Xuân (2024) trình bày khái quát về nội dung cơ bản của đạo luật Giáo dục suốt đời (GDSĐ) những tác động của Luật đến thực tiễn giáo dục tại Hàn Quốc, trong đó quy định về: phạm vi áp dụng của GDSĐ; hệ thống quản lí, chỉ đạo GDSĐ từ cấp trung ương đến địa phương; sự thành lập Viện Giáo dục suốt đời quốc gia (NILE) và vai trò và trách nhiệm của chính quyền các cấp từ trung ương đến vùng và địa phương trong việc thúc đẩy GDSĐ; từ đó đưa ra một số khuyến nghị chính sách đối với việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lí cho học tập suốt đời ở Việt Nam.

Hàn Quốc đã trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới nhờ vào sự phát triển nhanh chóng và đáng kể của nền giáo dục và nguồn nhân lực. Từ những năm 80 của thế kỉ XX, Chính phủ Hàn Quốc đã chuyển đổi chiến lược đầu tư để tăng cường giáo dục, nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Đặc biệt, các hộ gia đình tại Hàn Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, dẫn đến sự gia tăng đáng kể về tỉ lệ tham gia giáo dục và số lượng sinh viên đại học. Từ năm 1980 đến năm 2015, số lượng sinh viên đại học tại Hàn Quốc đã tăng từ 539.000 lên 3,3 triệu. Hiện nay, Hàn Quốc được công nhận là một trong những quốc gia có hệ thống giáo dục phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới. Lĩnh vực Giáo dục người lớn (GDNL) cũng được quan tâm sâu rộng, và chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách để khuyến khích sự phát triển của GDNL và hệ thống giáo dục dân số. Tuy nhiên, việc phát triển GDNL và hệ thống giáo dục này vẫn đối diện với nhiều thách thức và phải áp dụng những chiến lược phát triển phù hợp để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả.

Nguồn ảnh: Sưu tầm

Luật GDSĐ đầu tiên ban hành vào năm 1999 và đã trải qua nhiều sửa đổi và bổ sung từ năm 2007, 2008 và 2009, nhằm thúc đẩy giáo dục người lớn và giáo dục sau đại học. Mục đích chính của Luật là cung cấp cơ hội học tập cho mọi người, bất kể lứa tuổi và địa điểm, để cải thiện chất lượng cuộc sống và phát triển xã hội. Luật quy định về các chính sách, chương trình đào tạo và hoạt động giáo dục cho người lớn, bao gồm cả việc xóa mù chữ, nâng cao năng lực nghề nghiệp, và giáo dục văn hóa và nghệ thuật. Nó tạo ra một môi trường học tập thuận lợi và cung cấp hỗ trợ tài chính để khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ trong các hoạt động GDSĐ. Luật GDSĐ cũng quy định về việc thành lập và quản lý các cơ sở GDSĐ, từ cấp trung ương đến địa phương, cùng với vai trò của các viện GDSĐ quốc gia và địa phương. Tóm lại, Luật GDSĐ của Hàn Quốc là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy và phát triển giáo dục người lớn và sau đại học trong xã hội này.

Hàn Quốc đã thực hiện Kế hoạch quốc gia thúc đẩy GDSĐ lần thứ 3 (2013-2017) cùng với Luật GDSĐ, nhằm định hướng và thúc đẩy học tập suốt đời. Kế hoạch này nhấn mạnh vào ba mục đích chính của GDSĐ: Tự khẳng định, tăng cường nghề nghiệp và thúc đẩy hòa nhập xã hội. Luật GDSĐ yêu cầu ban hành kế hoạch thúc đẩy học tập suốt đời mỗi năm 5 năm, giúp cụ thể hóa mục tiêu GDSĐ ở từng giai đoạn và đáp ứng thực tế của giáo dục và xã hội. Từ khi ban hành Luật GDSĐ, Hàn Quốc đã phát triển năm kế hoạch quốc gia thúc đẩy GDSĐ, bao gồm Kế hoạch lần thứ 5 (2023-2027) với mục tiêu chính là thúc đẩy học tập suốt đời để phù hợp với thực tế chuyển đổi số và xã hội già hóa. Luật GDSĐ đã có tác động lớn đến thực tiễn học tập suốt đời ở Hàn Quốc, bao gồm việc thành lập Viện GDSĐ quốc gia (NILE) và các văn phòng tại các địa phương. Nó cũng ràng buộc các cấp chính quyền trong việc thúc đẩy GDSĐ và tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế như tù nhân, phụ nữ, trẻ em di cư và người lớn mù chữ để có cơ hội học tập và phát triển. Việc ban hành Luật GDSĐ và các kế hoạch thúc đẩy học tập suốt đời đã giúp Hàn Quốc nâng cao vai trò của GDSĐ và tăng cường vai trò của học tập trong gia đình và nơi làm việc.

Từ việc trình bày khái quát về nội dung cơ bản của đạo luật GĐSĐ những tác động của Luật đến thực tiễn giáo dục tại Hàn Quốc, nghiên cứu rút ra một số khuyến nghị cho quá trình hoàn thiện khung pháp lí đối với lĩnh vực HTSĐ của Việt Nam như sau: (1) Nâng cao nhận thức và cam kết chính trị của đội ngũ quản lí để xây dựng khung pháp lí cho HTSĐ; (2) Xây dựng và vận hành cơ chế quốc gia chuyên trách lĩnh vực HTSĐ, học theo kinh nghiệm Luật GDSĐ của Hàn Quốc; (3) Tăng đầu tư tài chính và huy động nguồn lực cho HTSĐ, đồng thời đảm bảo sự thống nhất và kết nối chặt chẽ giữa các bộ/ngành; (4) Huy động sự tham gia toàn diện của chính quyền các cấp trong quản lí và thúc đẩy HTSĐ; (5) Ban hành cơ chế và chính sách đánh giá, công nhận kết quả và trải nghiệm HTSĐ của người dân; (6) Tôn vinh và lan tỏa văn hoá HTSĐ trong xã hội thông qua các chính sách khuyến khích và thúc đẩy thành tựu HTSĐ. Những đề xuất này nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững cho lĩnh vực HTSĐ tại Việt Nam.

Luật GDSĐ của Hàn Quốc là văn bản pháp lí quan trọng trong giáo dục, chi tiết quy định về HTSĐ và GDSĐ. Nhờ các chính sách này, HTSĐ ở Hàn Quốc được thúc đẩy mạnh mẽ, hỗ trợ học tập trong gia đình, nơi làm việc, đặc biệt là cho nhóm người khó khăn như phụ nữ, người cao tuổi, và các gia đình đa văn hóa. Việc tìm hiểu và áp dụng Luật này có thể cung cấp gợi ý chính sách hữu ích cho nhiều quốc gia, giúp hoàn thiện pháp lí cho HTSĐ và GDSĐ phù hợp với từng bối cảnh quốc gia.

Huyền Đức

Nguồn: Bùi Thanh Xuân (2024). Luật giáo dục suốt đời của Hàn Quốc và một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam. Tạp chí Giáo dục, 24(số đặc biệt 6), 358-363.

Bạn đang đọc bài viết Luật giáo dục suốt đời của Hàn Quốc và một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19