Vai trò của các chương trình giáo dục hướng nghiệp
Những năm tháng vị thành niên rất quan trọng đối với sự phát triển nghề nghiệp vì trong giai đoạn này, các cá nhân suy nghĩ và lựa chọn con đường cho tương lai của mình. Khi bị bỏ lại một mình để điều hướng các lựa chọn công việc phức tạp, thanh thiếu niên có thể phải vật lộn để đưa ra quyết định phù hợp với sở thích, kỹ năng và giá trị của mình. Giáo dục hướng nghiệp giúp các em xác định và theo đuổi các nguyện vọng nghề nghiệp. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra sự cần thiết của giáo dục hướng nghiệp trong việc giúp thanh thiếu niên đưa ra quyết định sáng suốt về nghề nghiệp tương lai của mình (Jemini-Gashi, 2019), cụ thể:
Thứ nhất, cải thiện kỹ năng ra quyết định nghề nghiệp. Các biện pháp như tư vấn nghề nghiệp, can thiệp lựa chọn, đào tạo, và các mô-đun giáo dục đều đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc nâng cao kỹ năng ra quyết định nghề nghiệp của thanh thiếu niên. Những học sinh tham gia vào các chương trình này đã thể hiện sự cải thiện đáng kể trong khả năng đưa ra quyết định nghề nghiệp, cũng như tự tin hơn trong việc lựa chọn con đường sự nghiệp tương lai của mình (Koivisto et al., 2011)
Thứ hai, tăng cường sự tự tin và đưa ra quyết định đúng đắn. Sự tự tin trong việc lựa chọn nghề nghiệp là một yếu tố quan trọng giúp học sinh cảm thấy sẵn sàng và quyết đoán hơn trong quá trình định hướng nghề nghiệp. Các nghiên cứu cho thấy những can thiệp giáo dục hướng nghiệp, như các chương trình tư vấn nhóm, có thể giúp học sinh, đặc biệt là học sinh nữ, cải thiện sự tự tin trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Những chương trình này không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn về các lựa chọn nghề nghiệp mà còn giúp họ tự tin hơn trong việc theo đuổi những lĩnh vực thường bị coi là khó khăn hoặc kém hấp dẫn (Falco & Summers, 2019).
Thứ ba, giúp ổn định cảm xúc và tinh thần cho học sinh. Giáo dục hướng nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định nghề nghiệp mà còn có tác động tích cực đến hạnh phúc và sự ổn định cảm xúc của học sinh. Khi học sinh có sự chuẩn bị tốt và tự tin vào lựa chọn nghề nghiệp của mình, họ có xu hướng cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống và ít lo lắng hơn về tương lai. Ngược lại, sự thiếu tự tin và mơ hồ trong nghề nghiệp có thể dẫn đến lo lắng, trầm cảm và làm giảm sự sẵn sàng trong nghề nghiệp (Celen-Demirtas et al., 2015)
Thực tiễn triển khai giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, xác định tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp đối với học sinh phổ thông và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh mới, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, đặt ra những định hướng quan trọng về mặt quan điểm, mục tiêu và giải pháp đối với nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp, đồng thời đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể giúp các địa phương, nhà trường phổ thông các cấp có cơ sở để triển khai hoạt động này một cách có hiệu quả.
Nghị quyết số 29/NQ-TW đặt ra yêu cầu: "Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh… Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng". Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ xác định: "Triển khai phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở giáo dục phổ thông". Luật Giáo dục 2019 quy định: “Hướng nghiệp trong giáo dục là hệ thống các biện pháp tiến hành trong và ngoài cơ sở giáo dục để giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp, khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội”.
(Nguồn: Vinschool)
Nhằm triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông, ngày 14/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018 - 2025” (sau đây gọi tắt là Đề án 522), trong đó xác định mục tiêu chung của công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh là “Tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế”.
Về những thành tựu đạt được, theo báo cáo từ Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) được tổ chức ngày 22/7/2024, hầu hết các cơ sở GD&ĐT đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo hướng mở; thực hiện đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; thực hiện giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường; phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, trung cấp và cơ sở dạy nghề tại địa phương cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời về nhu cầu lao động, thị trường lao động để có cơ sở định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Năm học 2023 - 2024, có khoảng 74,5% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT, còn lại khoảng 25,5% học sinh tốt nghiệp THCS theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Hồng Anh
Tài liệu tham khảo
Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018 - 2025”. Truy cập từ https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=193710
Celen-Demirtas, S., Konstam, V., & Tomek, S. (2015). Leisure activities in unemployed emerging adults: Links to career adaptability and subjective well-being. The Career Development Quarterly, 63(3), 209–222. https://doi.org/10.1002/cdq.12014
Falco, L. D., & Summers, J. J. (2019). Improving career decision self-efficacy and STEM self-efficacy in high school girls: Evaluation of an intervention. Journal of Career Development, 46(1), 62–76. https://doi.org/10.1177/0894845317721651
Jemini-Gashi, L., Duraku, Z. H., & Kelmendi, K. (2019). Associations between social support, career self-efficacy, and career indecision among youth. Current Psychology, 40(9), 4691–4697. https://doi.org/10.1007/s12144-019-00402-x
Koivisto, P., Vinokur, A. D., & Vuori, J. (2011). Effects of career choice intervention on components of career preparation. The Career Development Quarterly, 59(4), 345–366. https://doi.org/10.1002/j.2161-0045.2011.tb00074.x