5 năm thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư: Bước tiến mới về xã hội học tập

Ngày 10/5/2019, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 49-KL/TW tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cấp ủy, chính quyền đã triển khai nhiều chủ trương thiết thực, mang lại chuyển biến tích cực cho toàn xã hội.

Bức tranh xã hội học tập (XHHT) ngày càng rõ nét

Qua 5 năm triển khai, với sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các bộ, ngành liên quan, sự nỗ lực cố gắng của các địa phương, các cơ quan, tổ chức xã hội, các nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận số 49-KL/TW về cơ bản đã được thực hiện đúng tiến độ và đạt được một số kết quả quan trọng. Công tác phổ cập giáo dục và xoá mù chữ được củng cố vững chắc; Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn, lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tăng cường, các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức về công tác khuyến học, khuyến tài, giáo dục người lớn và xây dựng XHHT đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trong thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã được lồng ghép vào nội dung chương trình bồi dưỡng thường xuyên; Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên (GDTX) tiếp tục được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân; Các cơ sở giáo dục đã đẩy mạnh dạy học từ xa, dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình và từng bước xây dựng các khóa học trực tuyến mở đại chúng; Các thiết chế văn hóa, các phương tiện thông tin đại chúng đã tham gia cung ứng các chương trình học tập suốt đời (HTSĐ) và tổ chức các chương trình giáo dục mở trên sóng phát thanh, truyền hình; Việc triển khai các mô hình học tập được thực hiện linh hoạt, từng bước vững chắc, nhận được sự đồng thuận của nhân dân; Số lượt người tham gia các lớp cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ, các lớp phổ cập ngoại ngữ, tin học ứng dụng, giáo dục kỹ năng sống, nghề ngắn hạn tại các trung tâm hỗ trợ cộng đồng tăng hằng năm; Việc học tập cho người lớn đã được chú trọng, trình độ dân trí được nâng lên; Các cơ sở giáo dục đại học đã  đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, bên cạnh hình thức học chính quy đã tổ chức các hình thức vừa làm vừa học, học từ xa, dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình và từng bước xây dựng các khóa học trực tuyến mở đại chúng; phát triển nguồn tài nguyên mở, tài nguyên số nhằm giúp người học có thể khai thác tài liệu để đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi cho người học.

Trao đổi về những kết quả này, ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và truyền thông, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT không chỉ đạt được những chuyển biến mới trong nhận thức, mà thực sự đã tác động đến tư tưởng và hành động của toàn xã hội. Sự lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp là nhân tố quyết định đối với hiệu quả triển khai xây dựng XHHT, HTSĐ. Trong thời gian tới, chúng ta cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của Ban chỉ đạo xây dựng XHHT các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội. Nhất là, tăng cường vai trò của Hội Khuyến học các cấp trong thúc đẩy phong trào thi đua học tập trong xã hội“.

Ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên – Bộ GD&ĐT. Ảnh: PV)

Một trong những điểm nổi bật trong quá trình triển khai chiến lược XHHT là phát triển tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động và đa dạng các mô hình học tập; chú trọng đào tạo từ xa. Đối với giáo dục mầm non (GDMN), đến năm học 2022-2023, có 15.334 cơ sở GDMN, với 12.110 cơ sở GDMN công lập, tỉ lệ 79%, trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là 8.722, tỉ lệ 56,9%, tăng 7,9% so với năm học 2019-2020; cả nước huy động 5.172.450 trẻ đến trường, tỉ lệ 70,4%, tăng 4,2% so với năm học 2019-2020. Đối với giáo dục phổ thông, đến năm học 2023-2024, Tiểu học có: 14.591, Trung học cơ sở: 11.388, Trung học phổ thông: 2.995 trường; số lượng học sinh Tiểu học là: 8.918.510, Trung học cơ sở: 6.554.155, Trung học phổ thông: 2.992.655 em. Đối với giáo dục thường xuyên (GDTX), năm học 2022-2023, cả nước có 91 Trung tâm GDTX, 529 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-GDTX, 10.491 Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), 5.753 Trung tâm tin học-ngoại ngữ, 1.247 Trung tâm giáo dục kỹ năng sống; số lượng học viên năm học 2022-2023 là 391.380 em. Đối với giáo dục đại học, số lượng đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm; so sánh số lượng sinh viên năm học 2019-2020 và năm học 2023-2024:

Nội dung

2019-2020

2022-2023

Số đại học

5 (2 Đại học quốc gia + 3 Đại học Vùng)

7 (2 Đại học quốc gia  + 3 Đại học Vùng + 2 Đại học)

Số học viện/trường đại học

235

240

Số trường cao đẳng sư phạm

30

19

Số sinh viên đại học

1.672.881

2.023.689

Số học viên thạc sĩ

94.920

90.936

Số nghiên cứu sinh

11.054

9.077

Riêng đối với hoạt động của trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-GDTX, trên cơ sở mục tiêu đổi mới GD&ĐT, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình Xoá mù chữ, chương trình GDTX cấp Trung học cơ sở và Chương trình GDTX cấp Trung học phổ thông. Các trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-GDTX đã tích cực triển khai công tác GDTX: xây dựng và thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, gắn với nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phát triển ngành nghề truyền thống ở địa phương; liên kết đào tạo, dạy ngoại ngữ, tin học, dạy nghề xã hội và hướng nghiệp dạy nghề phổ thông; thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động. Đồng thời, sau 5 năm thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, số lượng TTHTCĐ được duy trì ổn định. Tính đến thời điểm tháng 5/2024, cả nước có 10.491 TTHTCĐ xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 98,98% xã/phường/thị trấn có TTHTCĐ. Trong đó, có 1.340 TTHTCĐ hoạt động kết hợp với trung tâm Văn hóa-Thể thao cấp xã (chiếm 12,77% tổng số trung tâm).

Năm 2021, Bộ GD&ĐT đã tổng kết thực hiện Đề án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015-2020” (Quyết định số 1559/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ) theo đó đã tổng kết những kết quả đã đạt được và chỉ ra phương hướng triển khai tiếp theo đối với việc phát triển đào tạo từ xa (ĐTTX) giai đoạn 2021-2030. Với xu hướng chuyển đổi số và phát triển công nghệ ĐTTX, đào tạo trực tuyến, ngày càng có nhiều cơ sở đào tạo đã tự chủ mở các chương trình ĐTTX. Năm học 2024-2025 cả nước có 52 cơ sở tuyển sinh, khoảng 600 chương trình ĐTTX cấp văn bằng trình độ đại học.

Đồng thời, chúng ta đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, những tài năng trẻ trong học sinh, sinh viên nhằm xây dựng đội ngũ trí thức, chuyên gia đầu ngành cho đất nước; Xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức về công tác khuyến học, khuyến tài, giáo dục người lớn và xây dựng xã hội học tập đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trong thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; Hướng dẫn lồng ghép các nội dung về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tinh thần tự học, tích cực học tập suốt đời trong chương trình giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên hằng năm và trong các hoạt động rèn luyện của học sinh, sinh viên; Tăng cường hoạt động và các phương thức đào tạo từ xa; Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT và các địa phương đã triển khai thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục và xoá mù chữ cho người lớn; Công tác khuyến học, khuyến tài; Xây dựng hệ thống giáo dục mở để bảo đảm cho mỗi công dân có nhiều cơ hội và điều kiện để học tập suốt đời; Xây dựng mô hình công dân học tập, đơn vị học tập và tỉnh, thành phố học tập; Tăng cường công tác hợp tác quốc tế và Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền.

Công tác thông tin, tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT được thực hiện chủ động, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm. Bộ GD&ĐT đã biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền về xây dựng XHHT; ban hành công văn hướng dẫn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam và tổ chức Tuần lễ hưởng ứng HTSĐ hằng năm; phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Lễ phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng XHHT, đẩy mạnh HTSĐ giai đoạn 2023-2030”; phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng “Học không bao giờ cùng”. Có thể nói, một trong những đơn vị truyền thông phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT là Đài truyền hình Việt Nam (THVN). Hệ thống tin/bài trong các bản tin thời sự trên các kênh sóng của Đài THVN tập trung tuyên truyền thường xuyên, liên tục về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Đài THVN cũng thực hiện một số chuyên mục mũi nhọn tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác khuyến học khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Số lượng các chương trình phong phú trải rộng ở nhiều khung giờ khác nhau trên kênh các kênh sóng của Đài THVN, phục vụ đông đảo các đối tượng thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội như: học sinh, sinh viên, công nhân, quân đội, trẻ em, người cao tuổi,... Tiêu biểu là: Chương trình “Khuyến học-Hành trình tri thức” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Đài THVN thực hiện, phát sóng hàng tuần trên kênh VTV1; Chương trình “Ánh sáng tri thức” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài THVN sản xuất, phát sóng hàng tuần trên kênh VTV1; Chương trình “Tổ quốc trong tim”, phát trên kênh VTV1; Chương trình “Trường học hạnh phúc” phát sóng 20h45 trên kênh VTV2; Chương trình “Từ nhà đến trường” phát sóng trên dênh VTV2; Chương trình “Chào tiếng Việt” phát sóng 4h00 thứ Hai trên kênh VTV4 và chương trình “Xin chào Việt Nam” phát sóng trên kênh VTV4,… Một số chương trình phát sóng hàng tuần khác như “Cặp lá yêu thương”, “Cùng em đến trường” trên VTV1 bên cạnh việc phản ánh những tấm gương học trò nghèo nhưng giàu nghị lực vươn lên trong học tập; chương trình còn kết nối những tấm lòng thơm thảo, tổ chức, cá nhân hỗ trợ, trao cơ hội đến trường cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Đài THVN tiếp tục phát sóng kênh VTV7 - kênh truyền hình chuyên biệt về giáo dục. Với các chương trình có bản sắc riêng, bổ ích và dễ tiếp nhận, VTV7 hỗ trợ học sinh, sinh viên, đối tượng học nghề trên mọi miền Tổ quốc dễ dàng tiếp cận với các kiến thức, bài giảng của các môn học qua sóng truyền hình. Với tiêu chí “Vì một xã hội học tập”, VTV7 duy trì phát sóng 18 tiếng/ngày với tổng số khoảng 50 mũ chương trình/chuyên mục, trong đó có một số chương trình tiêu biểu được các em học sinh đón nhận như: IELTS Faceoff, Dạy học trên truyền hình, Lớp học cầu vồng, Thử thách khoa học, Văn vui vẻ, Vui cùng mèo tím, Kỹ năng an toàn cho bé, Khám phá khoa học, ABC vui từng giờ, Chuyện kể những chú cừu, Mẹ kể bé nghe, Em vẽ trường học hạnh phúc, Học sao cho tốt, Em yêu Việt Nam, An toàn trên mạng, Cơ thể là của tớ, Cha mẹ thay đổi,…

Nhiều nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới

Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn 2025-2030 cần tiếp tục có những bước tiến mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục nước nhà và phát triển toàn diện của đất nước. Bộ GD&ĐT đã xác định 10 nhiệm vụ trong tâm trong giai đoạn tới:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về HTSĐ và xây dựng XHHT để cán bộ, nhân viên, người lao động nhận thức được ý nghĩa và tính cấp thiết của việc cập nhật, tiếp thu, vận dụng những tri thức mới vào sản xuất và các hoạt động trong xã hội nhằm tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Làm tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 49-KL/TW. Đưa các chỉ tiêu về khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT vào nội dung đánh giá kết quả công tác của địa phương, đơn vị.

Đổi mới công tác quản lý, điều tra, vận động và tổ chức lớp XMC; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của các TTHTCĐ; thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng được học tập thường xuyên, HTSĐ.

Huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng chính sách để tạo nguồn kinh phí nhằm thực hiện công tác xây dựng XHHT.

Xây dựng cơ chế bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng phù hợp với GDTX. Hoàn thiện hệ thống văn bằng, chứng chỉ phù hợp với sự phát triển của giáo dục mở. Đổi mới đánh giá và công nhận các kết quả học tập đầu ra, bất kể người học học theo phương thức nào, dựa vào Khung trình độ quốc gia.

Tăng cường phối hợp công tác giữa các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trong triển khai các nhiệm vụ và giải pháp của Chỉ thị số 11-CT/TW, Kết luận số 49-KL/TW, Nghị quyết 29-NQ/TW, Chỉ thị 14/CT-TTg, Quyết định 1373/QĐ-TTg, Quyết định 1315/QĐ-TTg, Quyết định 1117/QĐ-TTg.

Phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động và đa dạng các mô hình học tập; gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, giữa giáo dục trong nhà trường và ngoài nhà trường, tạo điều kiện để mọi người có điều kiện học tập, học thường xuyên, học suốt đời; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động các thiết chế giáo dục thường xuyên, tạo điều kiện tối đa cho mọi người dân học tập suốt đời.

Triển khai thực hiện việc đánh giá, công nhận “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh và “Đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Tăng cường phát triển và khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở, đáp ứng cơ hội học tập suốt đời cho người dân. Phát triển kho học liệu số dùng chung toàn ngành. Đẩy mạnh đào tạo trực tuyến theo chuẩn quốc tế. Khuyến khích phát triển và khai thác dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Xây dựng và triển khai mạnh mẽ mô hình giáo dục đại học số nhằm nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Tăng cường áp dụng công nghệ giáo dục (edtech), phát triển, sử dụng, khai thác các OER, MOOC phù hợp với với nhu cầu, cách học và trải nghiệm của người lớn; đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế và các nước có nhiều kinh nghiệm về HTSĐ và xây dựng XHHT, đặc biệt là các nước trong cộng đồng ASEAN./.

Nguyễn Minh

Nguồn:

  1. Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo (2024). Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
  2. Đảng uỷ Đài Truyền hình Việt Nam (2024). Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

 

Bạn đang đọc bài viết 5 năm thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư: Bước tiến mới về xã hội học tập tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19