Sinh viên ngành Quản lí năng lượng thực hành tại phòng thí nghiệm Kiểm toán năng lượng.
Trường Đại học Điện lực là cơ sở đầu tiên đào tạo ngành Quản lí năng lượng trên cả nước từ năm 2006 và cũng là Trường duy nhất đào tạo ngành học này ở cả ba trình độ: kĩ sư, thạc sĩ và tiến sĩ. Với nhiều thế mạnh trong công tác giáo dục, sinh viên Trường Đại học Điện lực có nhiều cơ hội “thực chiến” tại các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Sinh viên ngành Quản lí năng lượng sau khi tốt nghiệp ra trường có thể về làm quản lí dự án, lập kế hoạch, triển khai dự án tiết kiệm năng lượng tại các nhà máy sản xuất công nghiệp; làm người quản lí năng lượng trong doanh nghiệp công nghiệp theo quy định của luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; làm tư vấn về xây dựng mô hình quản lí, kiểm toán, tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp.
Người học cũng có thể tham gia vào các tập đoàn và tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than, Tập đoàn Dầu khí,…; các nhà máy sản xuất điện với vai trò tham gia công tác quản lí vận hành, chào giá trong thị trường điện; thực hiện công tác vận hành thị trường điện, kinh doanh điện năng tại công ty điện lực, công ty mua bán điện, trung tâm điều độ hệ thống điện,...
Ngoài ra, nhiều sinh viên trở thành nghiên cứu viên, chuyên viên trong lĩnh vực năng lượng tại các Cục, Viện, cơ quan quản lí nhà nước như: Cục Điều tiết điện lực, Viện Năng lượng, Sở Công thương các tỉnh/thành phố,...; làm việc tại các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực về năng lượng mới, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững; hoặc là giảng viên giảng dạy các môn học chuyên ngành về quản lí năng lượng tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề.
Chương trình đào tạo ngành Quản lí năng lượng của Trường Đại học Điện lực được xây dựng từ những học phần cơ sở ngành như Kĩ thuật nhiệt, Kĩ thuật điện, Thực hành điện,... cho đến những học phần chuyên ngành đặc thù về Kiểm toán năng lượng, Xây dựng mô hình quản lí năng lượng, Quản lí kinh tế, Quản lí nguồn nhân lực, Cơ sở kinh tế năng lượng, Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, Thị trường điện, Năng lượng và môi trường. Chương trình ngành Quản lí Năng lượng cung cấp cho người học các kiến thức chuyên môn để quản lí nguồn cung năng lượng và hoạt động tiêu thụ năng lượng. Sinh viên được tìm hiểu và vận dụng tốt các kiến thức, kĩ năng và công cụ tiên tiến để giải quyết bài toán trong lĩnh vực quản lí năng lượng; có khả năng thực hiện các thí nghiệm, đo lường; phân tích diễn giải các kết quả và ứng dụng vào cải tiến các quy trình công nghệ. Kĩ sư Quản lí năng lượng còn có khả năng phân tích, đánh giá tác động của việc khai thác và sử dụng năng lượng tới môi trường; phân tích và quản lí dự án trong lĩnh vực năng lượng và các lĩnh vực khác.
Mục tiêu của chuẩn đầu ra kĩ sư ngành Quản lí năng lượng là đào tạo toàn diện về nội dung kiến thức nguyên lí và kĩ năng thực hành kĩ thuật trong việc hỗ trợ các dự án liên quan đến năng lượng; có khả năng học tập suốt đời, có năng lực sáng tạo và khởi nghiệp.
Sinh viên ngành Quản lí năng lượng tham gia thực tập tại Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại
Đặc biệt, về kĩ năng thực hành, sinh viên ngành Quản lí năng lượng được đi thực tế và tham gia 2 đợt thực tập tại nhiều đơn vị cơ quan, tổ chức như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại, Sở Công thương Hà Nội, Sở Công thương Hải Phòng, Sở Công thương Vĩnh Phúc, Công ty Điện lực Đống Đa, Công ty Điện lực Cầu Giấy, Công ty Điện lực Hà Đông, Công ty Điện lực Thạch Thất, Công ty Cổ phần Tư vấn Giải pháp công nghệ Việt Nam VEST Energy,...
Qua các đợt thực tập với tổng thời gian khoảng 4 tháng, sinh viên Nhà trường được Khoa Quản lí Công nghiệp và Năng lượng hỗ trợ kết nối, giới thiệu đến với các đơn vị thực tập có uy tín trong lĩnh vực năng lượng. Do vậy, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc ngay trong những đơn vị đó mà không cần phải đào tạo lại nhiều. Nhiều doanh nghiệp gửi lời mời tuyển dụng sinh viên trong kì nghỉ hè hoặc đặt hàng sinh viên năm cuối sau khi tốt nghiệp ra trường có thể đến làm việc luôn.
Về đội ngũ giảng viên, hầu hết các thầy cô của Khoa Quản lí Công nghiệp và Năng lượng đều tham gia tư vấn về tiết kiệm, quản lí năng lượng, xây dựng các giáo trình đào tạo kiểm toán viên năng lượng cho Bộ Công thương, tham gia tư vấn xây dựng các chính sách trong lĩnh vực quản lí năng lượng nên có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng chương trình đào tạo ngành Quản lí năng lượng tại Trường.
Chương trình đào tạo của nhà trường được hiệu chỉnh định kì hai năm một lần, nhằm đáp ứng nhu cầu giữa các bên liên quan. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo ngành Quản lí năng lượng của Khoa Quản lí Công nghiệp và Năng lượng đã đạt được kiểm định chất lượng do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cấp giấy chứng nhận vào tháng 4/2024 vừa qua.
Ngoài ra, một thuận lợi khác khi theo học ngành Quản lí năng lượng tại Trường là có mạng lưới cựu sinh viên hiện đang công tác tại các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực năng lượng trên khắp cả nước sẽ về hỗ trợ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với người học. Bên cạnh đó, nhà trường rất quan tâm việc quảng bá chương trình tuyển sinh đến phụ huynh cũng như học sinh biết nhiều hơn về thông tin ngành học trên các kênh truyền thông. Tuy nhiên, nhiều học sinh và phụ huynh chưa thực sự tìm hiểu kĩ về chương trình đào tạo, các học phần cũng như chuẩn đầu ra, vị trí việc làm của ngành học mà chỉ sắp xếp đặt các nguyện vọng theo cảm tính nên gây ra khó khăn trong công tác tuyển sinh.
Để học tốt ngành này, học sinh cần tìm hiểu kĩ, bởi đó là công việc mà mình sẽ gắn bó sau này lâu dài. Người học phải biết đam mê, sở thích, sở trường của bản thân khi theo đuổi những vị trí công việc đó thì mới nên đăng kí. Ngoài việc tích lũy kiến thức, rèn luyện kĩ năng, ý thức làm nghề và có đủ 3 yếu tố sức khỏe, chăm chỉ và đam mê chắc chắn các em sẽ thành công.
Nguyễn Huy Hồng - Tạp chí Giáo dục