Trong bối cảnh hiện đại, giáo dục đóng vai trò then chốt cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Nhận thức được vai trò của đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định chất lượng GD-ĐT, việc xây dựng Luật Nhà giáo ở Việt Nam trở thành một yêu cầu cấp thiết nhằm thiết lập một khung pháp lí rõ ràng, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của GV. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về lĩnh vực nhà giáo; tổng kết, rà soát kĩ lưỡng pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Nguyên tắc quản lí và phát triển nhà giáo tại Dự thảo Luật Nhà giáo
Nguyên tắc pháp lí là một trong những nội dung quan trọng được xác định trong văn bản luật ở Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục đích, quan điểm của chính sách pháp luật khi xây dựng và tổ chức thi hành luật. Để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nhà giáo, kiến tạo môi trường pháp lí thuận lợi để quản lí và phát triển nhà giáo, Điều 6 Dự thảo Luật Nhà giáo đã xác định 6 nguyên tắc quản lí và phát triển nhà giáo: (1) Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống nhất quản lí của Nhà nước, sự phân cấp giữa Trung ương và địa phương; (2) Bảo đảm quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục; (3) Việc tuyển dụng, quản lí nhà giáo được thực hiện trên cơ sở chức danh nhà giáo và chuẩn nhà giáo tương ứng với vị trí việc làm; đảm bảo định mức, số lượng nhà giáo để thực hiện chương trình, nhiệm vụ giáo dục; (4) Thực hiện bình đẳng giới, bình đẳng giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục; (5) Tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ, sáng tạo trong hoạt động chuyên môn của nhà giáo; có chế độ tôn vinh, khen thưởng, chính sách tiền lương phù hợp đối với nhà giáo; (6) Khuyến khích phát triển nhà giáo thông qua các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nhà giáo và các quỹ phát triển đội ngũ nhà giáo (Báo điện tử Chính phủ, 2024).
Việc xác định đúng nguyên tắc quản lí và phát triển nhà giáo góp phần nâng cao hiệu quả quản lí nhà giáo trong cơ sở giáo dục và quản lí nhà nước về nhà giáo; đồng thời hoàn thành mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao trong hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.
Cơ sở xác định nguyên tắc quản lí và phát triển đội ngũ nhà giáo trong Dự thảo Luật Nhà giáo
Dự thảo Luật Nhà giáo dựa trên hai cơ sở, thứ nhất, dựa trên cơ sở chính trị. Nghị quyết số 29-NQ/TW (2013) xác định các nguyên tắc quản lý và phát triển đội ngũ nhà giáo bao gồm việc nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của nhà giáo, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội cho các cơ sở giáo dục, và đảm bảo quản lý chất lượng. Đại hội Đảng XIII cũng nhấn mạnh đổi mới toàn diện giáo dục, phù hợp với xu hướng hiện đại và yêu cầu của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Chính sách phát triển nhà giáo cần tập trung vào đào tạo, đãi ngộ, và tuyển dụng dựa trên năng lực và hiệu quả công việc.
Thứ hai, dựa trên cơ sở pháp lý, Hiến pháp 2013 và các luật liên quan (Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp) cung cấp cơ sở pháp lý cho việc phát triển giáo dục, bao gồm ưu tiên đầu tư cho giáo dục ở các vùng khó khăn, và khuyến khích giáo dục không vì lợi nhuận. Trong bối cảnh hiện đại, cần đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực hiện chính sách giáo dục. Nhà giáo có vai trò đặc biệt trong việc hình thành nhân cách và năng lực của nguồn nhân lực, do đó, việc quản lý và phát triển đội ngũ này cần các chính sách đặc thù. Những chính sách này bao gồm tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá chất lượng nhà giáo, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đảm bảo chất lượng giáo dục ở Việt Nam.
Nội dung nguyên tắc quản lí và phát triển nhà giáo trong Dự thảo Luật Nhà giáo
Xét dưới góc độ tính chất, 6 nguyên tắc được dự thảo trong Luật Nhà giáo là những nguyên tắc chung mang tính chính trị - xã hội và nguyên tắc pháp lí đặc thù trong quản lí và phát triển nhà giáo; phản ánh được tương đối đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lí và cơ sở thực tiễn khi xây dựng quy định của pháp luật.
Xét dưới góc độ mục tiêu, có thể nhận diện được 4 nguyên tắc quản lí nhà giáo và hai nguyên tắc phát triển nhà giáo. Về 4 nguyên tắc phát triển nhà giáo:
Thứ nhất, bảo đảm sự thống nhất quản lí của Nhà nước, sự phân cấp giữa Trung ương và địa phương - nguyên tắc không thể thiếu trong quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; khắc phục sự tản mạn của các quy định về quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo, chế độ tuyển dụng, sử dụng nhà giáo trong đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập; khắc phục sự thiếu hụt trong quy định về quản lí nhà giáo là người nước ngoài tham gia hoạt động giáo dục tại Việt Nam; đồng thời thực hiện có hiệu quả cơ chế phân định thẩm quyền giữa chính quyền Trung ương, bảo đảm quản lí nhà nước thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với lĩnh vực GD-ĐT.
Thứ hai, bảo đảm quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục. Đây là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quản lí giáo dục của các cơ sở giáo dục. Trong đó, các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự quyết định mục tiêu, hoạt động chuyên môn, tổ chức, tài chính và phải chịu trách nhiệm giải trình. Cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập cũng phải minh bạch và giải trình với xã hội, học sinh và các bên liên quan về chất lượng giáo dục, kế hoạch tuyển sinh, quản lý tài chính và các hoạt động giáo dục khác.
Thứ ba, bảo đảm chính sách bình đẳng giới, bình đẳng giữa nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục. Nguyên tắc này đòi hỏi việc xây dựng chuẩn nhà giáo làm căn cứ cấp chứng chỉ hành nghề, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và các chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo phải được thực hiện thống nhất. Dự thảo Luật Nhà giáo đã có quy định xác định về chuẩn nhà giáo với các tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức nhà giáo; trình độ đào tạo, bồi dưỡng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nhiệm vụ theo chức danh, sức khỏe.
Để phát triển nhà giáo, hai nguyên tắc đã được đặt ra đó là: Tôn trọng, bảo đảm quyền tự chủ sáng tạo trong hoạt động chuyên môn của nhà giáo; có chế độ tôn vinh, khen thưởng và đặc biệt là chính sách tiền lương phù hợp; Khuyến khích phát triển nhà giáo thông qua các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nhà giáo và các quỹ phát triển đội ngũ nhà giáo. Đây là ba định hướng căn bản trong phát triển nhà giáo. Để bảo đảm định hướng được thực hiện, trước hết cần ghi nhận quyền tự chủ sáng tạo trong hoạt động chuyên môn của nhà giáo, coi trọng năng lực sáng tạo của nhà giáo và kết quả sáng tạo trong đánh giá nhà giáo. Do vậy, cần quy định tiêu chuẩn về năng lực đổi mới, sáng tạo của nhà giáo. Cải cách chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ nhà giáo là một trong những định hướng quyết định nhằm phát triển nhà giáo. Dự thảo Luật Nhà giáo với nguyên tắc thực hiện chính sách tiền lương phù hợp theo hướng tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Bên cạnh đó, nguyên tắc thể hiện rõ nét đặc điểm của quản trị quốc gia đã được Dự thảo Luật Nhà giáo quy định, đó là nguyên tắc Khuyến khích phát triển nhà giáo thông qua các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nhà giáo và các quỹ phát triển đội ngũ nhà giáo. Dự thảo Luật Nhà giáo không chỉ khẳng định được Nhà nước là chủ thể quan trọng trong quản trị quốc gia mà còn kiến tạo thể chế để các chủ thể khác tham gia vào quản trị quốc gia. Khuyến khích phát triển nhà giáo thông qua các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nhà giáo và các quỹ phát triển đội ngũ nhà giáo là nguyên tắc đúng đắn góp phần thể hiện rõ tầm nhìn quốc gia khi thực hiện chính sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đồng thời huy động các nguồn lực xã hội cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Ban hành đạo luật riêng về nhà giáo tạo khung pháp lí đồng bộ, toàn diện, thống nhất là cần thiết để khẳng định địa vị pháp lí của nhà giáo với vị trí là nguồn nhân lực chất lượng cao, là bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước, là lực lượng lòng cốt của ngành Giáo dục; có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực; là nhân tố chủ đạo trong thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Để thực hiện được mục tiêu điều chỉnh và hiệu quả trong tổ chức thi hành, nguyên tắc quản lí và phát triển nhà giáo đã được xác định trong Dự thảo Luật Nhà giáo là phù hợp. Các chế định pháp luật cụ thể về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, chuẩn nhà giáo, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo... được xây dựng và đánh giá tính khả thi trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc sẽ là công cụ pháp lí quan trọng để quản lí và phát triển nhà giáo góp phần tiếp tục tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT ở Việt Nam.
Hồng Anh tổng hợp
Nguồn: Vũ Thị Thu Hằng (2024). Một số vấn đề về cơ sở, nội dung nguyên tắc quản lí và phát triển nhà giáo trong Dự thảo Luật Nhà giáo. Tạp chí Giáo dục 24(15), 1-6.