Triển khai học bạ số cấp tiểu học: Thực tiễn, hạn chế và giải pháp

Việc triển khai học bạ số là giải pháp quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số trong ngành giáo dục, nhưng quá trình triển khai vẫn phải đối mặt với những thách thức như giao tiếp không nhất quán và các vấn đề kỹ thuật.

Học bạ số là gì?

Học bạ số là học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền; có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số.

Mục đích triển khai học bạ số

Thứ nhất, Bộ GDĐT xác định việc triển khai học bạ số là giải pháp quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số trong ngành giáo dục, thúc đẩy phát triển xã hội số, góp phần triển khai có hiệu quả Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, việc triển khai Học bạ số mang đến sự minh bạch trong quản lý kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; hướng đến sự tiện dụng trong việc sử dụng học bạ trong các thủ tục hành chính (không dùng học bạ giấy), góp phần tiết kiệm chi phí, mang lại sự tiện lợi cho người dân khi cần sử dụng học bạ; triển khai học bạ số sẽ hạn chế các bất cập trong triển khai học bạ điện tử trong ngành giáo dục thời gian vừa qua.

Thực tiễn triển khai

Theo báo cáo từ Hội nghị Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo được tổ chức tại thành phố Hải Phòng ngày 22/7/2024, Bộ GDĐT đã đưa ra được mô hình, giải pháp kỹ thuật triển khai học bạ số trên phạm vi toàn quốc; ban hành đặc tả kỹ thuật học bạ số, phương thức kết nối chia sẻ dữ liệu học bạ số và hướng dẫn các Sở GDĐT tổ chức thực hiện thí điểm.

Đến nay (đến ngày 15/7), Bộ GDĐT đã tiếp nhận yêu cầu kết nối để báo cáo học bạ số của 57/63 Sở GDĐT (6 địa phương chưa có yêu cầu kết nối, báo cáo về Bộ gồm: Bình Phước, Đắc Lắc, Gia Lai, Hà Giang, Hà Tĩnh và Thanh Hóa). Số lượng học bạ số đã gửi về CSDL của Bộ là 2,493,386 (chiếm tỷ lệ 39% học sinh khối 1,2,3 và 4)

Hiện nay, Bộ GDĐT đang tổng hợp kết quả triển khai từ các địa phương để chuẩn bị Hội nghị Tổng kết thí điểm, để có đánh giá, điều chỉnh mô hình (nếu cần thiết), và xác định kế hoạch triển khai học bạ số trong thời gian tới.

Việc triển khai (thí điểm) học bạ số còn tồn tại một số khó khăn

Thứ nhất, một số địa phương còn lúng túng trong việc: i) thành lập Ban chỉ đạo triển khai Học bạ số. ii) Ban hành Quy chế quản lý, sử dụng học bạ tại địa phương trong giai đoạn thí điểm; iii) Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu Học bạ số cấp Sở và thực hiện giải pháp kĩ thuật kết nối cơ sở dữ liệu Học bạ số cấp Sở với cơ sở dữ liệu Học bạ số cấp Bộ.

Thứ hai, công tác truyền thông chưa đồng bộ, chưa kịp thời và chưa đạt được hiệu quả (ví dụ vẫn còn những ý kiến muốn có bản Học bạ giấy, Học bạ dưới dạng file PDF có chữ ký số bên cạnh việc sử dụng Học bạ số); một số cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên vẫn còn tâm lý e ngại mỗi khi đề cập đến việc sử dụng các phần mềm, nhập dữ liệu, liên kết dữ liệu, tính chính xác của dữ liệu, bảo mật thông tin, chi phí cho việc sử dụng chữ ký số, các chế độ cho người thực hiện nhiệm vụ liên quan đến Học bạ số.

Một số khuyến nghị đối với việc triển khai học bạ số có thể cân nhắc, xem xét

Để triển khai hiệu quả học bạ số, thứ nhất, nâng cao hệ thống đào tạo và hỗ trợ cho giáo viên và nhân viên hành chính để xây dựng sự tự tin và thành thạo trong việc sử dụng các công cụ số là rất quan trọng. Cụ thể, tổ chức các hội thảo, hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật liên tục. Thứ hai, tạo ra một cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và an toàn cho hệ thống học bạ số, đảm bảo tính toàn vẹn và bảo mật dữ liệu. Đầu tư vào các biện pháp an ninh mạng và thiết lập các giao thức quản lý dữ liệu sẽ bảo mật được thông tin cá nhân của học sinh. Thứ ba, đảm bảo nguồn tài chính đủ để triển khai và duy trì hệ thống học bạ nhằm duy trì tính bền vững và hiệu quả. Hợp tác với các công ty công nghệ và tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ có thể cung cấp các nguồn lực tài chính và kỹ thuật cần thiết.

Hồng Anh

Tài liệu tham khảo

Kế hoạch số 213/KH-BGDĐT, ngày 01/3/2024 về việc triển khai thí điểm Học bạ số cấp tiểu học. file:///C:/Users/Win10/Documents/Zalo%20Received%20Files/213_KH_BGDDT.signed..pdf

Bạn đang đọc bài viết Triển khai học bạ số cấp tiểu học: Thực tiễn, hạn chế và giải pháp tại chuyên mục Chính sách quốc gia của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn