Trong mọi thời kỳ, nhà nước luôn đóng vai trò quan trọng, chủ đạo trong việc đầu tư phát triển giáo dục với các kế hoạch và cấp độ khác nhau. Đầu tư cho giáo dục đại học thường được xem xét trên một số lĩnh vực như đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư nâng cao chất lượng giảng dạy, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hành và tiếp cận việc làm, nâng cao kĩ năng làm việc. Giáo dục đại học đóng vai trò cốt lõi trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển khoa học công nghệ; tạo động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chiến lược phát triển giáo dục đại học 2021-2030 của Việt Nam đã xác định mục tiêu phát triển giáo dục đại học là Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 4 nước có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực Đông Nam Á, nhóm 10 nước có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất trong hệ thống giáo dục ở châu Á vào năm 2030. Có rất nhiều nhiệm vụ để hiện thực hóa chiến lược này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cơ sở vật chất giáo dục đại học cần được hoàn thiện đầy đủ, đáp ứng cả về quy mô cũng như chất lượng đào tạo. Ngân sách trung ương được xác định là nguồn tài chính quan trọng và chủ yếu để đầu tư cơ sở vật chất giáo dục và đào tạo. Trong đó, đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư phát triển và được ưu tiên trong kế hoạch đầu tư quốc gia.
Những bất cập, hạn chế
Việt Nam là nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, nguồn lực ngân sách nhà nước còn eo hẹp với nhiều nhiệm vụ chi quan trọng. Vì vậy, trên thực tế hiện nay, dù là nguồn vốn chủ yếu để đầu tư phát triển giáo dục đại học nhưng ngân sách trung ương dành cho các cơ sở giáo dục đại học vẫn rất thấp so với nhu cầu đầu tư. Đây là hạn chế lớn nhất trong việc ngân sách trung ương đầu tư cho các dự án cơ sở vật chất giáo dục đại học của Việt Nam. Nhiều dự án phát triển giáo dục đại học đã được xác định trong chiến lược phát triển, tuy nhiên, nguồn vốn cho các dự án chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến một số dự án chậm tiến độ, một số dự án không triển khai được.
Giai đoạn 2016-2020 có 64/80 dự án có vốn đầu tư từ ngân sách trung ương bố trí thấp hơn nhu cầu. Đối với các dự án đầu tư vốn trong nước, vốn ngân sách trung ương cấp chỉ đáp ứng lần lượt 33,5% và 70,9% nhu cầu đầu tư cho giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025. Khoảng cách giữa dự kiến phân bổ ngân sách trung ương và nhu cầu đầu tư lần lượt là 14.794 tỷ đồng và 4.955 tỷ đồng cho giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025.
Một số nguyên nhân dẫn tới những bất cập
Những thách thức về tính phù hợp và phê duyệt dự án: Việc xác định các dự án phù hợp còn khó khăn do các kế hoạch phát triển kinh tế và chiến lược đang mang tính bao quát, chưa cụ thể. Các kế hoạch này thiếu khung hành động, gây khó khăn cho việc đánh giá sự liên kết của các dự án đề xuất với chiến lược phát triển giáo dục đại học. Luật Đầu tư công đưa ra các nguyên tắc lựa chọn dự án nhưng không đưa ra các tiêu chí hoặc quy trình cụ thể để lượng hóa các nguyên tắc này cho các dự án giáo dục. Không có hệ thống chính thức để xếp hạng hoặc phân loại các dự án giáo dục dựa trên sự liên kết chiến lược, lợi ích kinh tế và xã hội hoặc mức độ sẵn sàng tài trợ.
Cạnh tranh thị trường và phân bổ đầu tư: Việc phân bổ vốn đầu tư không tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh thị trường. Các dự án được phê duyệt đầu tư nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng thiếu tiêu chí cạnh tranh trong phân bổ vốn. Quá trình này thiếu trách nhiệm giải trình rõ ràng để đảm bảo hiệu quả kinh tế và xã hội, dẫn đến việc đưa vào các dự án có thể không đáp ứng các tiêu chuẩn này.
Thẩm định dự án chưa độc lập và khoa học: Luật Đầu tư công quy định quy trình thẩm định nhưng không bắt buộc phải đánh giá rủi ro một cách có hệ thống hoặc phân tích chi phí-lợi nhuận. Không có phương pháp hoặc tài liệu chính thức nào được công bố để thẩm định dự án, cũng như không có yêu cầu đánh giá độc lập các dự án giáo dục đại học.
Nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư chưa thực sự rõ ràng: Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm phải dựa trên kết quả phát triển kinh tế, xã hội và kế hoạch đầu tư trước đó, nhưng chưa có quy định rõ ràng về báo cáo nào được coi là hợp lệ. Sự mơ hồ này có thể dẫn đến quá trình lập kế hoạch chủ quan và hời hợt. Kế hoạch đầu tư công phải phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia, ngành và địa phương, tuy nhiên việc xây dựng các tiêu chí khoa học cho sự gắn kết này tương đối khó khăn.
Đầu tư từ ngân sách trung ương thiếu đầy đủ và chưa hiệu quả: Mặc dù có những tiến bộ đáng kể nhưng ngân sách trung ương vẫn không đủ và không hiệu quả để phát triển giáo dục đại học. Nguồn vốn đầu tư được dàn trải mỏng cho các dự án, một số dự án bị chậm trễ kéo dài.
Khuyến nghị
Để cải thiện việc phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách trung ương cho giáo dục đại học ở Việt Namcó thể tham khảo một số đề xuất, ý tưởng sau: Thứ nhất, cần thiết lập các nguyên tắc và tiêu chí rõ ràng, cụ thể để ưu tiên các dự án, đảm bảo rằng đầu tư phù hợp với các mục tiêu phát triển chiến lược và lợi ích kinh tế - xã hội. Thứ hai, phát triển khung hệ thống để đánh giá rủi ro và phân tích chi phí-lợi ích nhằm hướng dẫn thẩm định dự án. Thứ ba, nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch trong quy trình phê duyệt bằng cách chỉ định các bên chịu trách nhiệm đảm bảo các dự án đáp ứng các tiêu chuẩn hiệu quả. Thứ tư, áp dụng cách tiếp cận cạnh tranh trong phân bổ quỹ để khuyến khích đổi mới và hiệu quả. Thứ năm, tinh chỉnh quy trình lập kế hoạch đầu tư dựa trên dữ liệu và khách quan, tích hợp các cơ chế phản hồi để liên tục đánh giá và cải thiện các chiến lược đầu tư. Thứ sáu, tăng cường hệ thống giám sát và đánh giá để theo dõi tác động của các khoản đầu tư và đảm bảo chúng đóng góp vào các kết quả mong muốn cho phát triển giáo dục đại học.
Hồng Anh
Nguồn:
Ha, P. T. (2023). Investment in Development of Higher Education Facilities from Central Budget-A Case Study of Vietnam. Business and Economic Research, 13(4), 176-184. https://doi.org/10.5296/ber.v13i4.21522