Đạo đức nhà giáo là những chuẩn mực, quy tắc đạo đức được hình thành trong lịch sử, được lưu truyền, sàng lọc qua thực tiễn đời sống xã hội, thực tiễn quan hệ giữa người dạy học và người học, với những người có liên quan với người học, đối với xã hội, tùy thuộc vào môi trường chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, truyền thống lịch sử các quốc gia. Với quan điểm đạo đức nhà giáo và đạo đức nghề nghiệp nhà giáo là những khái niệm không đồng nhất, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo là một bộ phận đạo đức của nhà giáo. Có nhiều phương thức điều chỉnh đạo đức nhà giáo: Điều chỉnh tập trung (nhà nước ban hành bộ quy tắc đạo đức nhà giáo dưới hình thức luật, hay nghị định, hay thông tư; Hiệp hội giáo dục; các trường ban hành quy chế về đạo đức nhà giáo.
Tại khu vực châu Âu, ở một số quốc gia, quy tắc này được xây dựng và áp dụng ở cấp chính phủ hoặc bởi một hiệp hội các nhà giáo chuyên nghiệp và có tính ràng buộc đối với các giáo viên có trình độ và đã đăng ký hành nghề trong nước. Khung chính sách và pháp lí về quy tắc cho giáo viên phần lớn phụ thuộc vào việc liệu quy tắc đó là văn bản chính sách, hay công cụ pháp lí của chính phủ, hay văn bản chính sách của một cơ quan chuyên môn về giáo dục (ví dụ: hiệp hội giáo viên, hội đồng giảng dạy). Trong trường hợp là chính sách của hiệp hội chuyên môn, quy tắc như vậy vẫn có thể mang tính ràng buộc đối với tất cả giáo viên.
Những kinh nghiệm được rút ra khi nghiên cứu về các Bộ quy tắc đạo đức dành cho giáo viên ở khu vực châu Âu
Thứ nhất, sự tham gia của các bên liên quan vào việc xây dựng Bộ quy tắc đạo đức dành cho giáo viên. Ví dụ về các bộ quy tắc thành công ở các quốc gia như Phần Lan, Ireland và Scotland đều gắn liền với nguyên tắc bộ quy tắc được phát triển “bởi giáo viên, dành cho giáo viên” và được quản lý bởi một cơ quan có liên quan chặt chẽ với nghề dạy học.
Thứ hai, lồng ghép hoạt động phổ biến với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và rà soát chuyên môn. Các Bộ quy tắc không chỉ được coi là một tiêu chuẩn đầy khát vọng mà còn là một bộ nguyên tắc hướng dẫn có mối liên hệ thực tế với công việc của giáo viên. Các quốc gia có bộ quy tắc thường tập trung vào việc giúp giáo viên làm quen với bộ quy tắc trong suốt sự nghiệp chuyên môn của họ.
Thứ ba, tổ chức các buổi hội thảo và hội thảo thực hành được tổ chức dành cho giáo viên với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm về quy tắc ứng xử. Việc tổ chức các buổi hội thảo và hội thảo đào tạo ở trường học hoặc các trung tâm địa phương/khu vực và tiếp cận giáo viên trong môi trường làm việc hàng ngày của họ dường như là một phương pháp được sử dụng rộng rãi để nâng cao nhận thức về các nguyên tắc và vấn đề được giải quyết bằng các quy tắc ứng xử hoặc đạo đức
Thứ tư, thủ tục kỉ luật thích đáng. Mặc dù thừa nhận rằng các biện pháp trừng phạt không phải là biện pháp chính để thực thi quy tắc ứng xử, một số quốc gia vẫn cho phép khiếu nại giáo viên hoặc các nguyên nhân khác để xem xét lại hành vi chuyên môn, các thủ tục điều tra phức tạp và các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt trong các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Thứ năm, thường xuyên cập nhật bộ quy tắc. Sự phát triển của các quy tắc không chỉ cho phép phản ứng với môi trường thay đổi mà còn cho phép điều chỉnh để đảm bảo mức độ hữu ích lớn nhất cho nghề nghiệp giáo dục và việc thực hiện quy tắc trong thực tế.
Thứ sáu, vai trò quan trọng của các cơ quan chuyên môn cung cấp tư vấn và hướng dẫn áp dụng quy chuẩn. Một ví dụ cụ thể về thực hành tốt là vai trò của Ủy ban đạo đức ở Phần Lan, nơi đưa ra ý kiến về các vấn đề đạo đức cụ thể đối với giáo viên khi chúng phát sinh. Đây là một phương pháp quan trọng để hỗ trợ giáo viên vì sẽ cung cấp những hướng dẫn mở rộng mà thường không thể đưa vào hoặc chưa thể hiện trong văn bản của một bộ quy tắc. Hướng dẫn đó đưa ra lý do để tập trung vào các vấn đề cụ thể, xem xét các khía cạnh khác nhau của các vấn đề được lựa chọn.
Đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo ở Việt Nam được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau
Khoản 2 Điều 8 Hiến pháp 2013 quy định: “… cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”. Quy phạm này là cơ sở hiến định, mang tính chính trị, để quy định về đạo đức của nhà giáo, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo.
Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi bổ sung năm 2019) không có quy định cụ thể về đạo đức viên chức (trong đó có nhà giáo), Luật này chỉ đề cập đến viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công, nghĩa vụ của viên chức, trong đó có những quy định gắn với đạo đức viên chức, chẳng hạn như Điều 16 về nghĩa vụ của viên chức và Điều 17 về nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.
Điều 5 Quy định về đạo đức nhà giáo ban hành kèm theo Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định tiêu chuẩn về lối sống, tác phong của nhà giáo. Những hành vi nhà giáo không được thực hiện được quy định tại Điều 6, Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT về giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo
Bên cạnh đó, một số thông tư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, tiểu học công lập, trung học cơ sở, phổ thông công lập (Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, trong đó bổ sung quy định về đạo đức của giáo viên ở các cơ sở giáo dục nói trên; Đối với giảng viên đại học, Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT cũng quy định về tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp đối với giảng viên đại học công lập.
Một số nhận xét pháp luật quy định về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo
Thứ nhất, pháp luật Việt Nam điều chỉnh về đạo đức nhà giáo, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo còn khá tản mạn trong nhiều văn bản pháp luật.
Thứ hai, tất cả các quy định về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo chỉ điều chỉnh nhà giáo trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập của nhà nước và chưa tính đến đối tượng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục của nước ngoài tại Việt Nam và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức.
Thứ ba, các quy định về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo chưa có sự thống nhất về đạo đức của giáo viên và giảng viên.
Thứ tư, các quy định về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo dường như chưa phản ánh đầy đủ các khía cạnh đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo.
Một số khuyến nghị về xây dựng bộ tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo
Thứ nhất, cần điều chỉnh thống nhất về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo ở cấp độ Nghị định của Chính phủ hoặc Thông tư của Bộ GD&ĐT;
Thứ hai, văn bản này nên quy định đạo đức nghề nghiệp của mọi nhà giáo ở cả các cơ sở giáo dục công lập và tư nhân đồng thời được áp dụng đối với nhà giáo nước ngoài làm việc tại các cơ sở giáo dục Việt Nam, cơ sở giáo dục của nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; Không phân biệt đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo ở các cấp học.
Thứ ba, đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đối với các cơ sở đào tạo có tính đặc thù của lực lượng vũ trang nhân dân, ngoài việc phải thực hiện các quy định về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo, từng trường, các bộ chuyên ngành có thể có những quy định riêng, nhưng không trái với những quy định chung về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo.
Ngoài ra, nội dung quy định về đạo đức nhà giáo nên bao quát được các nội dung căn bản sau: Đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo phải hướng đến phục vụ mục tiêu chính trị của Đảng và Nhà nước; Đạo đức của nhà giáo đối với người học (học sinh, sinh viên) trong quá trình nhà giáo thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo; Đạo đức của nhà giáo đối với đồng nghiệp – nhà giáo, đối với lãnh đạo, các cán bộ quản lý; Đạo đức của nhà giáo đối với phụ huynh học sinh, sinh viên; Đạo đức đối với cam kết về nghề nghiệp và cơ sở đào tạo.
Hồng Anh
Tài liệu tham khảo
GS.TS. Phạm Hồng Thái, “Nhận thức và các quy định về đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo”. Truy cập từ: https://drive.google.com/file/d/1whva1C74j5ex0F6GP6mdYDI2lpU-oKiG/view