Thầy Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên giảng viên Khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội 9/1959 - 4/1970. Ảnh: Tác giả cung cấp
Lớp Văn khóa 8 (K8) từ sơ tán Thái Nguyên đến diễn kịch Hà Nội
Năm 1965, Đảng và Nhà nước chủ trương sơ tán các trường đại học về vùng nông thôn để tránh giặc Mĩ đánh phá vào các cơ sở đào tạo cán bộ của ta. Mùa hè năm 1965, tôi và thầy Trần Hữu Nghĩa được Ban Chủ nhiệm khoa Văn giao nhiệm vụ đi cùng lớp sinh viên khóa 8 (1963 - 1967) lên sơ tán ở huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (bây giờ là Thái Nguyên). Lớp sinh viên khóa 8 khá đông, hơn 120 người, tập hợp từ ba nguồn: học sinh phổ thông; cán bộ đương chức được cử đi học nâng cao trình độ; số còn lại đang học ở Liên Xô, Đông Âu nhưng chưa kết thúc khóa học đưa về tiếp tục học ở trong nước. Lớp sinh viên K8 đông về số lượng, mạnh về chất lượng vì có nhiều cán bộ đi học. Họ từng trải, nhiều kinh nghiệm, giỏi về công tác dân vận, giỏi tổ chức các hoạt động xã hội, hoạt động tập thể… Các bạn trẻ từ phổ thông lên thì sinh hoạt trong Chi đoàn thanh niên do anh Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư. Khối này rất nhiệt tình, năng động tham gia các hoạt động học tập, ngoại khóa. Mỗi khi có việc cần điều động sinh viên tham gia với địa phương, tôi thường chủ yếu dựa vào lớp này. Bí thư chi bộ Nguyễn Đình Thảng và các bạn trong Ban cán sự lớp rất được Khoa tín nhiệm và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Thầy trò chúng tôi “đóng quân” ở xóm Tràng Dương, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ. Hằng ngày chúng tôi phải leo dốc, các bạn sinh viên thường vui gọi là “dốc tắt thở”, vì lên đến nơi là hụt hơi, phải ngồi nghỉ khá lâu. Chúng tôi vào rừng khai thác gỗ, nứa, các loại vật liệu về xây dựng thư viện, lớp học, văn phòng Khoa, nhà bếp nấu ăn. Công việc xây dựng cơ sở lán trại của lớp sinh viên K8, K9, K10, K11 diễn ra rất khẩn trương để bước vào khai giảng năm học mới (1965 - 1966).
Năm 1967, Hội diễn văn nghệ toàn miền Bắc lần thứ II diễn ra tại Hà Nội. Để hưởng ứng Hội diễn, Khoa Văn đã phát động phong trào hội diễn văn nghệ (ca hát, diễn kịch). Lớp sinh viên K8 lập đội kịch nghiệp dư, do anh Hoàng Chương phụ trách. Các anh chọn vở kịch “Những người chiến thắng” của nhà viết kịch Học Phi. Tác phẩm ngợi ca tấm gương kiên cường bất khuất của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trong công cuộc chống Mỹ cứu nước của đồng bào miền Nam ruột thịt. Vở này được giải nhất trong Hội diễn của Khoa, sau đó đội kịch Văn K8 được về Hà Nội tham gia Hội diễn văn nghệ toàn miền Bắc. Chúng tôi “kéo quân” về Hà Nội và hăng say tập luyện. Tác giả Học Phi và đạo diễn Lộng Chương thường đi xích lô đến chỉ dẫn cho anh chị em diễn viên. Ban phụ trách đội kịch còn liên hệ với Bộ Văn hóa xin phép được tập diễn ở Nhà hát Lớn, thuê một tối làm quen với sân khấu. Một vị Thứ trưởng Bộ Văn hóa hài hước: “Dám đăng ký tham gia Hội diễn lần này, các cậu lấy phương châm nặng về liều mạng, nhẹ về nghệ thuật à?”. Nói vậy nhưng ông vẫn chỉ thị Bộ Văn hóa cho mượn một tối để sinh viên tập miễn phí. Rồi, đêm diễn chính thức cũng đến, hội trường Nhà hát Lớn kín hết chỗ ngồi. Sau quá trình tập luyện công phu của từng “diễn viên” với sự nhiệt tâm chỉ dẫn của tác giả Học Phi và đạo diễn Lộng Chương, màn trình diễn của đội kịch Văn K8 đã nhận được nhiều tràng vỗ tay khích lệ của khán giả. Kết thúc vở diễn, sau tràng vỗ tay dài, ông Hà Huy Giáp, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, lên sân khấu tặng hoa và ân cần: “Các anh chị sinh viên Văn khoa có khác. Nghiệp dư mà diễn như vậy là quá tốt, rất đáng khen”.
(Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thầy Nguyễn Ngọc Sơn ôn lại kỉ niệm năm 1965 sơ tán tại Tràng Dương, Đại Từ, Thái Nguyên. Ảnh: Tác giả cung cấp)
Những kỉ niệm không thể nào quên với anh Nguyễn Phú Trọng
Lớp Văn K8 và các thầy cô thân thiết như trong một gia đình. Sau này, hàng năm lớp tổ chức họp mặt, tôi và một số thầy thường được mời đến chung vui cùng các bạn. Anh Nguyễn Phú Trọng vì bận nhiều công việc nên thỉnh thoảng mới về họp mặt với lớp. Trong buổi họp mặt năm 2016, Giáo sư Nguyễn Kim Đính, nguyên Chủ nhiệm Khoa, tặng anh Trọng đôi câu đối:
Trọng chính, Trọng liêm, hưng Đảng tiết (trọng sự chính trực, trọng sự liêm khiết, chấn hưng khí tiết Đảng)
Giương tài, Giương trí, kết dân tâm (đề cao người tài, đề cao trí thức, kết chặt lòng dân)
Anh Nguyễn Phú Trọng đáp lời thầy: “Em cảm ơn thầy. Đây là một nhiệm vụ cao cả và cực kì khó khăn. Nhưng em xin cố gắng hết mình để đáp lại niềm tin yêu của thầy dành riêng cho em”. Một lần khác, giáo sư Đính nhờ tôi chuyển đến tặng anh Nguyễn Phú Trọng đôi câu đối:
Thượng tôn pháp luật, trừng đố quốc (Trên - thượng tôn pháp luật, trừng trị bọn sâu mọt đục khoét quốc gia)
Hạ kết nhân tâm, diệt tặc dân (Dưới - kết nối nhân tâm, diệt bọn giặc hại dân)
Tôi giải thích ý nghĩa câu đối và chuyển lời của giáo sư khen anh Trọng đang làm rất tốt việc này và mong anh phát huy hơn nữa. Cả hội trường vỗ tay hưởng ứng, khích lệ.
Năm 2018, lớp Văn K8 họp mặt tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, anh Trọng phát biểu tâm tình: “Nhiều thập kỉ đã qua nhưng tình bạn, tình đồng đội, tình đồng chí và tình thầy trò vẫn đầm ấm, trong sáng. Đây là điều quý nhất, mỗi chúng ta đã và sẽ mang theo suốt đời”. Tôi nói với anh Trọng: “Nhân anh nói đến chữ Tình, tôi tặng anh câu thơ chữ Hán-Việt tôi mới sưu tầm được:
Thế gian vạn sự giai bào ảnh (trên đời này mọi (sự) việc đều là bèo bọt, ảo ảnh)
Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình (nghìn kiếp qua đi, chỉ có một thứ còn lại, đó là cái tình, tình đời, tình người)
Anh Trọng bình luận: “Câu thơ hay quá thầy ạ, rất trùng hợp với suy nghĩ và phong cách sống của em”.
Giai đoạn anh Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội, có lần tôi gặp anh ở nhà anh Nguyễn Mạnh Hùng (cùng khóa K8 với anh Trọng) khi anh mang quà chúc mừng đám cưới con gái anh Hùng. Gặp tôi, anh Trọng cười và nói: “Em đến nhà bạn Hùng mừng hạnh phúc hai cháu vì hôm tới em bận việc không đi dự lễ cưới được”. Tôi thực sự cảm kích trước sự chân tình và giản dị, hồn nhiên như khí trời của vị lãnh đạo cấp cao Thành ủy.
Bây giờ, Anh Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, lòng tôi rưng rưng đầy niềm tiếc thương. Kính tiễn Anh, một nhân cách lớn - Đồng chí Tổng Bí thư - Người luôn khắc sâu đạo nghĩa thầy trò.
Nguyễn Ngọc Sơn
(Nguyên giảng viên Khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội 9/1959 - 4/1970)