Giấy phép hành nghề không chỉ bảo vệ quyền của nhà giáo mà còn bảo vệ quyền của người học

GS.TS Nguyễn Quý Thanh nhấn mạnh sự cần thiết của việc chuyển đổi từ “chứng chỉ” sang “giấy phép hành nghề” để đảm bảo tính pháp lý và toàn diện hơn. Đồng thời đề xuất bổ sung tiêu chí pháp lý và tâm lý để bảo vệ cả giáo viên và học sinh, đặc biệt chú trọng đến giáo dục mầm non và tiểu học.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông là chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực Khoa học xã hội, Kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục, khảo thí, xếp hạng đại học, đánh giá năng lực người học, là chủ biên của 05 sách chuyên khảo, 06 giáo trình và đã công bố hơn 50 bài báo, công trình khoa học trên toàn thế giới.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, GS.TS.NGƯT Nguyễn Quý Thanh có vai trò quan trọng trong việc góp ý soạn thảo luật và đã chủ trì một số Hội thảo liên quan tới Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo và đạo đức nhà giáo.

Nhân dịp này, Tạp chí Giáo dục có bài phỏng vấn Giáo sư về nội dung quy định về Chứng chỉ hành nghề nhà giáo trong Dự thảo Luật Nhà giáo của Bộ GD&ĐT.

Thưa Giáo sư, hiện nay Quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo được Bộ GD&ĐT đưa ra trong Dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo Luật). Vậy xin hỏi loại chứng chỉ này là gì?

Xét về mặt thuật ngữ, Chứng chỉ hành nghề là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc hội nghề nghiệp cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Giấy phép hành nghề văn bản do cơ quan có thẩm quyền của nhà nước cấp cho người có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật. Trong dự thảo mới nhất, ban soạn thảo Luật Nhà giáo đã chuyển khái niệm từ “Chứng chỉ hành nghề nhà giáo” sang “Giấy phép hành nghề dạy học”. Đây là một hướng đi đúng đắn vì thuật ngữ “Giấy phép hành nghề” (GPHN) có nội hàm rộng hơn và chặt chẽ hơn về mặt pháp lý.

Tuy nhiên, GPHN không nên chỉ cấp phép cho giáo dục phổ thông mà nên bổ sung nhóm bảo mẫu gia đình. Dự thảo Luật Nhà giáo hiện nay chưa đề cập tới nhóm này mà chỉ quy định theo các cấp học: mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Theo quan điểm của tôi, dự thảo nên cân nhắc bổ sung quy định cấp GPHN đối với nhóm nuôi dạy trẻ từ 0-3 tuổi. Trong đó, các tiêu chí cần liên quan đến phần nuôi dưỡng, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe chứ không chỉ mình việc dạy học. Việc dạy học chỉ là một khía cạnh nhỏ thuộc hoạt động giáo dục, vì vậy, bản chất của luật nhà giáo phải là hướng đến hoạt động giáo dục. Hiện nay, hoạt động giáo dục trong luật nhà giáo mới chỉ được tiếp cận trong phạm vi dạy học. Giáo viên không chỉ dạy học mà còn phải chăm lo, quan tâm, tư vấn học sinh và làm một số công việc khác, như vậy những hoạt động này không chỉ bao gồm hoạt động dạy học mà cần có một khái niệm bao trùm hơn được gọi là “Giấy phép hành nghề giáo dục”.

Thưa Giáo sư, sự khác nhau giữa loại giấy phép này và Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là gì?

Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (CCNVSP) cấp cho những người không học bằng sư phạm (Ví dụ như Cử nhân Toán học, cử nhân Sinh học, cử nhân Văn học…) muốn trở thành giáo viên. Một người đã học xong CCNVSP thì mới chỉ đạt đủ điều kiện về trình độ đào tạo nhưng chưa được cấp phép. Khi đã có điều kiện về trình độ đào tạo, người dạy cần cung cấp hồ sơ lý lịch tư pháp rõ ràng, bằng cấp minh chứng về trình độ, kết quả bài thi đánh giá. Từ đó người này mới đủ điều kiện được cấp giấy phép hành nghề và bắt đầu thực hiện hoạt động giáo dục của mình. Ví dụ, một người tốt nghiệp bằng cử nhân toán học, có nhu cầu trở thành giảng viên thì phải thi CCNVSP. Học xong CCNVSP hay tốt nghiệp cử nhân trường đại học sư phạm cũng chưa thể là giáo viên, giảng viên mà cần đạt đủ những yếu tố khác như lý lịch tư pháp, người dạy cần chứng tỏ sự rõ ràng, minh bạch về mặt lý lịch. Hiện nay tại Hoa Kỳ, ngoài kỳ thi đánh giá chuyên môn và kỹ năng sư phạm, để trở thành một giáo viên, một người cần phải đáp ứng một số yêu cầu bao gồm có bằng cấp sư phạm, hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên được công nhận và vượt qua kiểm tra lý lịch hình sự.

Cử nhân ngoài sư phạm đạt được CCNVSP sẽ có giá trị tương đương với người đã học bằng cử nhân sư phạm. Theo quan điểm của tôi, điều này phù hợp với các cấp học từ trung học cơ sở đến giáo dục đại học nhưng chưa phù hợp với cấp học tiểu học trở xuống. Chương trình giáo dục mầm non, tiểu học liên quan rất nhiều đến sự phát triển về tâm sinh lý của trẻ em ở giai đoạn giáo dục sớm (Early childhood education). Đặc biệt là từ 0 đến 8 tuổi là giai đoạn rất quan trọng trong việc định hình các phân khu chức năng trong não và những nét cơ bản trong nhân cách, do vậy, nhà giáo đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn này. Vậy nếu như cho phép những người chỉ học CCNVSP thì chưa đủ vì họ chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức về tâm lý trẻ em dẫn đến việc không hiểu tâm lý trẻ từ đó dẫn đến thất bại trong giáo dục. Trong các khóa học nghiệp vụ sư phạm hiện nay đều có môn tâm lý giáo dục nhưng vẫn còn hạn chế về mặt nội dung về tâm lý học phát triển ở trẻ em.

CCNVSP vẫn cần thiết trong những bối cảnh khi mà nhu cầu giáo viên đang cấp bách ở một số môn học đặc thù nhưng về cơ bản, giáo viên ở các bậc tiểu học mầm non phải được đào tạo đầy đủ. Ở một số nước, các cơ sở giáo dục đào tạo bằng thạc sĩ về giáo dục sớm (thời gian học là 5 năm) bao gồm dạy cho cả cấp tiểu học và mầm non. Ở Việt Nam, giáo dục tiểu học và mầm non đang bị chia tách riêng, tuy nhiên, trẻ em ở những độ tuổi này vẫn cùng trong một giai đoạn đang phát triển tương đối liên tục, các phân khu chức năng trong não trẻ từ 5- 6 tuổi chỉ khác đi về mặt hình dạng nhưng không thay đổi về mặt cấu trúc. Vì vậy, việc giáo dục mầm non và tiểu học cần được giáo dục liên tiếp và không nên bị phân tách ở độ tuổi 5 và 6.

Xét về yếu tố hồ sơ để đạt được giấy phép hành nghề, yếu tố về mặt pháp lý và tâm lý cũng nên được đưa vào. Về mặt pháp lý, người dạy cần đảm bảo không có tiền án tiền sự hoặc có quá khứ về hành vi sai phạm liên quan đến trẻ em, yếu tố này giúp bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị làm dụng và bạo hành. Về mặt tâm lý, theo quan điểm của tôi, hồ sơ cấp GPHN cần có một “bản đánh giá về tâm lý”. Bởi vì một người có vấn đề rối loạn nhân câch, bị bệnh lý tâm thần, hay mất kiểm soát cảm xúc thì không nên tham gia hoạt động giáo dục. Bản đánh giá tâm lý có tác dụng xem xét thiên hướng hành xử, các hành vi của một giáo viên trong quá trình giáo dục đặc biệt đối với cấp phổ thông từ đó bảo vệ học sinh tránh khỏi xâm hại, lạm dụng hay bạo lực của người dạy.

Việc áp dụng những tiêu chí này vào việc xây dựng luật có thể khó khăn ở những bước đầu, đối với những giảng viên, giáo viên đang tham gia giảng dạy thì có thể không cần áp dụng, nhưng đối với các lớp giảng viên, giáo viên mới thì cần đạt quy chuẩn từ đó nâng cao chất lượng giáo dục trong tương lai.

Nhiều người vẫn cho rằng GPHN được quy định để bảo vệ cho nhà giáo được phép hành nghề, điều này là đúng vì khi ra hành nghề người dạy được bảo vệ nghề nghiệp của mình vì đã có giấy phép hành nghề giống như kỹ sư, bác sĩ, không ai được phép ngăn cấm khi họ làm đúng. Mặt khác, bản chất giấy phép này cũng đang bảo vệ cho quyền của người học, đó là quyền được giáo dục trong môi trường an toàn với người dạy đảm bảo chất lượng về mặt chuyên môn và phẩm chất đạo đức tốt.

Như vậy, theo quan điểm của tôi, để được cấp giấy phép hành nghề, nhà giáo cần đáp ứng những điều kiện sau: (1) Vượt qua kỳ thi đánh giá về mặt chuyên môn; (2) Có đầy đủ bằng cấp (bằng cử nhân sư phạm hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành khác và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm); (3) Lý lịch tư pháp rõ ràng.

Xin cảm ơn Giáo sư đã chia sẻ!

Hồng Anh

Bạn đang đọc bài viết Giấy phép hành nghề không chỉ bảo vệ quyền của nhà giáo mà còn bảo vệ quyền của người học tại chuyên mục Chính sách quốc gia của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19