Đào tạo khởi nghiệp trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo

Nghiên cứu của Robin Bell và Heather Bell thảo luận một số tiềm năng mà trí tuệ nhân tạo mang lại cho giáo dục khởi nghiệp ở cả cấp độ vĩ mô và chương trình giảng dạy. Nghiên cứu cũng cho thấy sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo yêu cầu các nhà giáo dục khởi nghiệp phải nắm bắt công nghệ theo cách có quản lý, phát triển tư duy phê phán cho sinh viên, đồng thời thúc đẩy sự phát triển và đánh giá các kỹ năng kinh doanh thực tế của họ.

Khởi nghiệp là chương trình đào tạo ở nhiều trường đại học trên thế giới, giúp cho sinh viên có tri thức và năng lực tạo lập doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp. Trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, việc tích hợp AI vào giáo dục khởi nghiệp giúp sinh viên tận dụng được các cơ hội kinh doanh trong tương lai. Trí tuệ nhân tạo có khả năng ảnh hưởng đến phương pháp sư phạm, thực hành giảng dạy và kiểm tra đánh giá, đồng thời gây ra mối lo ngại trong giáo dục về cách người dạy có thể đào tạo sinh viên sử dụng công nghệ. Tuy nhiên, việc thảo luận về những tác động của AI đối với giáo dục và đặc biệt là giáo dục khởi nghiệp còn hạn chế. Vì vậy, bài báo này giải quyết vấn đề trên này bằng cách thảo luận về một số tiềm năng mà trí tuệ nhân tạo mang lại cho giáo dục khởi nghiệp ở cấp độ vĩ mô và chương trình giảng dạy.

Nguồn: Sưu tầm

Các quốc gia ngày càng quan tâm đến giáo dục khởi nghiệp vì lĩnh vực đào tạo này có vai trò khá quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo sáng tạo tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực bao gồm giáo dục, kinh doanh và khởi nghiệp (Dwivedi và cộng sự, 2023). Nói cách khác, nó sẽ có ý nghĩa đối với giáo dục khởi nghiệp và ảnh hưởng đến phương pháp giảng dạy trong lớp học khởi nghiệp. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo sẽ tác động đến các nhà giáo dục, sinh viên, nội dung được giảng dạy và cách thức giảng dạy trong lớp học. Do đó, trí tuệ nhân tạo cần được quản lý và sử dụng một cách cẩn thận (Short & Short, 2023). Điều này đòi hỏi các nhà giáo dục khởi nghiệp cần phát triển chương trình giảng dạy để giảng dạy, bồi dưỡng các kỹ năng và năng lực cho phép sinh viên sử dụng hiệu quả công nghệ. Đồng thời, các nhà giáo dục cũng cần nắm rõ ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đối với thực hành sư phạm và kiểm tra đánh giá. Với sự phát triển và những tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong xã hội và quá trình giáo dục khởi nghiệp, sinh viên cần có khả năng sử dụng công nghệ để tận dụng các cơ hội trong tương lai. Những sinh viên thiếu khả năng sử dụng công nghệ sẽ gặp bất lợi trong cả nỗ lực kinh doanh và triển vọng việc làm. Vì vậy, việc phát triển và đánh giá các kỹ năng kinh doanh thực tế là rất quan trọng.

Tuy nhiên, Wahl và Münch (2022) cho rằng hiện nay nhiều chương trình giáo dục khởi nghiệp tập trung vào các khái niệm chung về khởi nghiệp và không dạy các kỹ năng liên quan đến các công nghệ thiết yếu thúc đẩy công nghệ 4.0 [1]. Do đó, các cơ sở giáo dục đại học nên tích hợp công nghệ vào chương trình giáo dục khởi nghiệp. Điều này có thể được hỗ trợ thông qua việc hướng dẫn và có chính sách rõ ràng, nêu chi tiết vai trò và tầm quan trọng của việc đưa công nghệ vào giáo dục khởi nghiệp.

Việc phát triển các kỹ năng tư duy phản biện cũng rất quan trọng. Những kỹ năng giúp ích trong quá trình kinh doanh cũng như việc sử dụng và khai thác hiệu quả tiềm năng của trí tuệ nhân tạo. Việc giảng dạy trí tuệ nhân tạo cần đảm bảo rằng sinh viên có thể đánh giá một cách nghiêm túc kết quả đầu ra và cách sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách phù hợp với từng cá nhân. Các nhà giáo dục cũng cần cân bằng giữa việc thúc đẩy, ủng hộ lợi ích và giá trị của trí tuệ nhân tạo với những hạn chế của nó (Bender & Koller, 2020; Liang và cộng sự, 2022). Do vậy, đã xuất hiện những tranh luận xung quanh việc trí tuệ nhân tạo sẽ tác động như thế nào đến sự phát triển các kỹ năng tư duy phản biện (ví dụ: nghiên cứu của Cotton và cộng sự, 2023; Dwivedi và cộng sự, 2023).

Chúng ta còn biết rất ít về cách người học nhìn nhận trí tuệ nhân tạo, mức độ thoải mái của họ với công nghệ và cách họ phản ứng với nó trong giáo dục. Ở Việt Nam, giáo dục khởi nghiệp đang là vấn đề mới, bởi nhiều trường đại học vẫn chưa có chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực này. Trong bối cảnh công nghệ 4.0, việc xây dựng một chương trình đào tạo khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục là cần thiết. Đồng thời, sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo sẽ giai tăng nhu cầu nắm bắt công nghệ theo cách có quản lý, phát triển tư duy phê phán, thúc đẩy sự phát triển và đánh giá các kỹ năng kinh doanh thực tế của sinh viên.

Do “trí tuệ nhân tạo trong giáo dục khởi nghiệp” là một chủ đề mới nên sẽ có nhiều hướng nghiên cứu và cơ hội thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Trong tương lai, những nghiên cứu về các rào cản và thách thức tiềm ẩn trong việc tích hợp công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong lớp học khởi nghiệp từ các góc nhìn khác nhau sẽ hỗ trợ việc giảng dạy trong thực tế. Cuối cùng, ở cấp độ vĩ mô, cần có những nghiên cứu sâu hơn về vấn đề trí tuệ nhân tạo và công nghệ sẽ định hình giáo dục khởi nghiệp theo cách nào trong tương lai, vì những tiến bộ này trở nên quan trọng hơn trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

[1] Công nghệ 4.0: một thuật ngữ bắt nguồn từ Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đánh dấu sự ra đời của một loạt các công nghệ mới, kết hợp tất cả các kiến thức trong lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, sinh học và ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như các ngành công nghiệp.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn: Bell, R., & Bell, H. (2023). Entrepreneurship education in the era of generative artificial intelligence. Entrepreneurship Education, 1-16.

 

Bạn đang đọc bài viết Đào tạo khởi nghiệp trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19