Các mô hình học tập thông minh dành cho giáo dục đại học trong bối cảnh chuyển đổi số

Trong bối cảnh chuyển đổi số, nhiều mô hình học tập mới đã ra đời, phát triển mạnh và đem lại sự đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục đại học, từ mô hình trường đến mô hình lớp học và hiệu quả đào tạo. Một số ưu điểm có thể chỉ ra là: rút ngắn thời gian, chi phí đào tạo; cá nhân hoá việc học; cung cấp cơ hội và thực hiện học tập suốt đời.

Blended Learning

Được định nghĩa là “sự kết hợp hợp lí giữa trải nghiệm học tập trực diện trong lớp với các hoạt động trực tuyến”, học tập kết hợp kết hợp giảng dạy trực tiếp với giảng dạy qua trung gian công nghệ (Garrison và Kanuka, 2004; Porter et al., 2014). Mô hình Blended Learning được kế thừa từ sự phát triển của mô hình học trực tuyến. Đây là phương pháp được Trường Đại học Cambridge nghiên cứu đầu tiên trong việc giảng dạy ngoại ngữ, sau đó mô hình này được áp dụng rộng rãi trong các tổ chức đào tạo khác.

Khi được triển khai hợp lí, phương pháp này kết hợp các ưu điểm của cả phương thức đào tạo trực tiếp và trực tuyến. Blended Learning làm giảm rào cản giữa giảng viên và sinh viên trong các giao tiếp trực tuyến và giảm thiểu khoảng cách giữa giảng viên với sinh viên, sinh viên với sinh viên (Jusoff và Khodabandelou, 2009). Đồng thời, Blended Learning mang lại khả năng thích ứng, chiều sâu giáo dục và hiệu quả về mặt chi phí. Hơn nữa, các công cụ học tập kết hợp có thể thu hẹp khoảng cách giữa học tập truyền thống và học tập trực tuyến dựa trên mạng. Vì vậy, mô hình học tập này cung cấp nhiều lợi ích cho các sinh viên ở nhiều ngành học khác nhau.

Mặc dù những ưu điểm của Blended Learning đã được công nhận rõ ràng nhưng vẫn tồn tại những thách thức trong việc đáp ứng các nhu cầu của người dạy và người học. Thứ nhất, sự đa dạng về nhu cầu giảng dạy và sự khác biệt về thành tích của sinh viên trong một lớp (Mizza D, Rubio F, 2020). Sự đa dạng trong lớp học này làm tăng tính linh hoạt và tạo cơ hội cho những người học khác nhau nhưng cũng tạo ra những thách thức cho người dạy. Tương tác ngôn ngữ diễn ra không đồng bộ có thể dẫn đến mất động lực và tạo cảm giác cô lập. Những sinh viên không quen với việc học tập độc lập sẽ không thể thu nạp được đầy đủ kiến thức từ khóa học (Chenoweth NA và cộng sự, 2006). Thứ hai, giảng viên có thể gặp khó khăn khi tương tác trực tuyến với sinh viên, đặc biệt khi giảng dạy một nhóm lớn, khó tạo được cảm giác cộng đồng và thúc đẩy động lực, do đó dẫn đến việc tương tác giữa giảng viên và sinh viên trở nên giảm đi. Sự suy giảm tính kỷ luật tự giác của sinh viên và cảm giác bị cô lập của họ có thể xảy ra, đặc biệt khi giảng viên không có đủ kinh nghiệm hoặc không quen với công nghệ hoặc khi họ không sử dụng đầy đủ các kỹ thuật giảng dạy nhất định để cải thiện sự tham gia của sinh viên. Hơn nữa, niềm tin của họ về việc giảng dạy dựa trên web cũng có ảnh hưởng đến hiệu quả của việc tham gia học mô hình này.

Hybrid Learning

Hybrid Learning là mô hình kết hợp giữa học trực tuyến và các buổi workshop bổ trợ kiến thức. Mô hình này sử dụng Hệ thống quản lí học tập (LMS) để cung cấp nội dung trực tuyến, theo dõi tiến trình học tập và tạo điều kiện giao tiếp. Cách tiếp cận linh hoạt này bao gồm các bài giảng trực tuyến, bài đọc và buổi học tương tác. Giảng viên hướng dẫn sinh viên thông qua cả hai hình thức, cân bằng giữa tương tác trực tuyến và trực tiếp, đồng thời sử dụng công nghệ để cá nhân hóa việc học và bổ sung kiến thức.

Hybrid Learning đã thúc đẩy tính tự chủ của sinh viên, đồng thời tăng sự hài lòng và điểm số của sinh viên (Beatty, 2019). Hybrid Learning dễ tiếp cận, có thể phục vụ các nhóm có hoàn cảnh khó khăn, chẳng hạn như những người không thể đến trường hàng ngày vì chi phí đi lại và/hoặc thời gian quá cao; những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc khả năng vận động; và những sinh viên thiếu tự tin trong lớp, chẳng hạn như những sinh viên mà ngôn ngữ đầu tiên không phải là ngôn ngữ giao tiếp hoặc những sinh viên cảm thấy xa lạ về văn hóa lớp học.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sinh viên ở xa có thể cảm thấy bị cô lập, việc không tham gia học tập khiên sinh viên cảm thấy mất kết nối với bạn bè và giảng viên. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sinh viên gặp khó khăn trong việc duy trì kết nối với bạn bè và quản lí tốc độ hoàn thành bài tập của khóa học. Họ ghi nhận sự sụt giảm trong việc tham dự các bài giảng trực tuyến đồng bộ và điều này ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm học tập của sinh viên.

Distance Learning

Distance Learning là quá trình học tập mà sinh viên và giảng viên không cần tới lớp hay tới trường học như trước đây, mà có thể học bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử thông minh. Sinh viên có thể làm và nộp bài tập về nhà, bài thi, bài kiểm tra và nhận chứng chỉ từ chương trình học của mình mà không cần phải tới trường. Mặc dù không gặp mặt và trao đổi trực tiếp như phương pháp giảng dạy thông thường, nhưng giáo dục từ xa (Distance education) vẫn đảm bảo tương tác giữa người dạy, người học và các sinh viên cùng lớp với nhau.

Hình 1. Website của Trung tâm Đào tạo Từ xa (Đại học Thái Nguyên), https://dec.tnu.edu.vn/

Có nhiều lợi ích của việc học từ xa đối với những ai muốn thay đổi cách học trực tiếp trên lớp học truyền thống. Tính linh hoạt là lợi ích chính của học từ xa. Không giống như các khóa học truyền thống, sinh viên không cần phải lập kế hoạch cả ngày cho việc học của mình; việc học của sinh viên có thể được lên kế hoạch tùy theo công việc của mình. Khi bắt đầu khóa học, sinh viên sẽ được đưa ra thời hạn cho các mô-đun và bài tập khác nhau, đồng thời sinh viên có toàn quyền quyết định thời gian, địa điểm học. Sinh viên cũng có thể nghiên cứu các cam kết khác như công việc hoặc thời gian dành cho gia đình, giúp sinh viên tự do tạo sự cân bằng giữa công việc và học tập.

Online Learning – Học tập trực tuyến

Học tập trực tuyến được hiểu là các hoạt động học tập và giảng dạy thông qua các nền tảng trực tuyến (Means & Neisler, 2020). Học tập trực tuyến có thể đồng bộ, diễn ra trong thời gian thực hoặc không đồng bộ, bao gồm các tài liệu được ghi sẵn mà sinh viên xem vào thời gian riêng của họ (Tartavulea và cộng sự, 2020). Hoạt động học tập trực tuyến bao gồm tất cả các hoạt động giáo dục mà sinh viên tham gia trực tuyến, chẳng hạn như bài giảng, hội thảo và họp nhóm, cũng như giám sát trực tiếp và các hoạt động không đồng bộ, chẳng hạn như đóng góp cho nền tảng thảo luận trực tuyến. Thi trực tuyến cũng được coi là hoạt động học tập trực tuyến.

Với sự ra đời và phát triển của Internet, hình thức học tập trực tuyến Online Learning và sau đó là mô hình E-Learning xuất hiện đầu tiên trên thế giới tại Mỹ vào năm 1999, mở ra một môi trường học tập mới giúp người học có thể tương tác thông qua Internet trên các phương tiện truyền thông điện tử. Tuy nhiên, phải đến năm 2010, khi các ứng dụng trên nền tảng di động và mạng xã hội (Facebook, Google Plus, Instagram...) phát triển, mang lại khả năng tương tác mọi lúc, mọi nơi cho người dùng thì xu thế học tập trực tuyến mới thực sự lan tỏa trên toàn cầu. Tính linh hoạt và học tập lấy sinh viên làm trung tâm là một trong những ưu điểm chính của các khóa học trực tuyến. Các bài giảng có thể được lên lịch tùy theo kế hoạch phù hợp với sinh viên và giảng viên. Từ đó mang lại nhiều quyền tự chủ hơn trong việc ra quyết định và kiểm soát quá trình học tập. Một ưu điểm khác của học trực tuyến là giảm thiểu các khoản chi phí tài chính bao gồm chi phí đi lại cho cả sinh viên và giảng viên.

Tuy nhiên, trong các lớp học trực tuyến, sinh viên không có sự tương tác trực tiếp với các bạn cùng lớp; do đó, hoạt động học tập có thể cạnh tranh và tương tác nhiều hơn trong giờ học. Điều này có thể khiến sinh viên không tham gia đầy đủ buổi học và có nhiều khả năng họ sẽ rút lui khỏi các khóa học trực tuyến so với các khóa học trực tiếp truyền thống. Giảng viên thường phải dành nhiều thời gian hơn để quản lí và tải lên tất cả tài liệu cho các lớp học ảo, còn sinh viên phải tải xuống và đọc tất cả tài liệu liên quan thay vì nghe giảng viên trong lớp học ngoại tuyến. Hơn nữa, sinh viên có xu hướng trì hoãn cao hơn việc đi học trực tiếp.

Online Learning và Distance Learning đều là hình thức giáo dục từ xa, nhưng có những điểm giống và khác nhau đáng kể. Cả hai hình thức đều cho phép người học tiếp cận kiến thức mà không cần đến lớp học truyền thống, mang lại sự linh hoạt về thời gian và địa điểm học tập. Online Learning diễn ra hoàn toàn qua internet, sử dụng các nền tảng học trực tuyến. Người học có thể tham gia các buổi học trực tiếp qua video, thảo luận qua chat hoặc email, và truy cập tài liệu học tập số hóa. Online Learning có tính tương tác cao và khả năng cập nhật tài liệu nhanh chóng, nhưng đòi hỏi kỹ năng công nghệ và kết nối internet ổn định. Distance Learning, ngược lại, có thể bao gồm học qua thư từ, tài liệu in ấn, hoặc các phương tiện truyền thông như CD, DVD. Phương pháp này không phụ thuộc vào kết nối internet, phù hợp với những người ở vùng xa hoặc có kết nối mạng yếu.

Lương Ngọc – Hồng Anh

Tài liệu tham khảo

Beatty, B.J. (2019). Values and principles of hybrid-flexible course design. In B.J. Beatty (Ed.), Hybrid-flexible course design. EdTech Books. https://edtechbooks.org/hyflex/hyflex_values

Chenoweth NA, Ushida E, Murday K, 2006, Student Learning in Hybrid French and Spanish Courses: An Overview of Language Online. CALICO Journal, 24(1): 115–146. 

Garrison DR, Kanuka H (2004) Blended Learning: uncovering its transformative potential in higher education. Internet High Educ 7(2):95–105. https://doi.org/10.1016/j.iheduc.2004.02.001  

Jusoff K, Khodabandelou R (2009) Preliminary study on the role of social presence in blended Learning environment in higher education. Int Educ Stud 2(4):79–83. https://doi.org/10.5539/ies.v2n4p79

Means, B., & Neisler, J. (2020). Suddenly online: A national survey of undergraduates during the COVID-19 pandemic. Digital Promise. https://digitalpromise.dspacedirect.org/bitstream/handle/20.500.12265/98/DPSuddenlyOnlineReportJuly2020.pdf?sequence=3

Mizza D, Rubio F, (2020), Creating Effective Blended Language Learning Courses: A Research-based Guide from Planning to Evaluation, Cambridge University Press, Cambridge

Porter WW, Graham CR, Spring KA, Welch KR (2014) Blended Learning in higher education: institutional adoption and implementation. Comput Educ 75:185–195. https://doi.org/10.1016/j.compedu.2014.02.011

Tartavulea, C. V., Albu, C. N., Albu, N., Dieaconescu, R. I., & Petre, S. (2020). Online teaching practices and the effectiveness of the educational process in the wake of the COVID-19 pandemic. Amfiteatru Economic, 22(55), 920–936. https://doi.org/10.24818/EA/2020/55/920

 

Bạn đang đọc bài viết Các mô hình học tập thông minh dành cho giáo dục đại học trong bối cảnh chuyển đổi số tại chuyên mục Thông tin khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn