Ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục tới hoạt động học tập của sinh viên

Với mục tiêu làm sáng tỏ ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục (AIED) đối với hoạt động học tập của sinh viên các trường đại học Việt Nam, bài viết của Bùi Trọng Tài và Nguyễn Minh Tuấn nghiên cứu tổng quan các công trình đề cập đến AIED và chỉ ra ảnh hưởng tác động tích cực và tiêu cực của AIED với hoạt động học tập của sinh viên.

Trí tuệ nhân tạo trong giáo dục (AIED) là một trong những lĩnh vực mới nổi hiện nay trong công nghệ giáo dục. Ở Việt Nam, AIED tại các trường đại học rất cần được quan tâm vì những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của nó đến việc ứng dụng AI hoạt động học tập của sinh viên. Do vậy, nghiên cứu ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo tới hoạt động học tập của sinh viên là cần thiết nhằm nhận diện các tác động để có biện pháp phát huy hiệu quả những tác động tích cực và giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường đại học Việt Nam.

Nguồn: GoStudent

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong 15 năm gần đây, nghiên cứu về AIED đã thu hút nhiều sự quan tâm. Các nghiên cứu ban đầu như của VanLehn (2006), Cen và cộng sự (2007) tập trung vào hệ thống dạy kèm và khai thác dữ liệu giáo dục. Roll và Wylie (2016) đề xuất hai hướng nghiên cứu tác động đến giáo dục trong 25 năm tới: phát triển công nghệ trong lớp học và cách mạng hóa việc đưa công nghệ vào cuộc sống hàng ngày của học sinh. Popenici và Kerr (2017) khám phá tác động của AI đối với giáo dục đại học, trong khi Zawacki-Richter và cộng sự (2019) xác định bốn lĩnh vực ứng dụng AIED gồm quản lý, đánh giá kết quả học tập, hệ thống thích ứng và hệ thống dạy kèm thông minh. Hinojo-Lucena và cộng sự (2019) chỉ ra AI đã có những bước phát triển lớn và cách mạng hóa cách sống. Chen và cộng sự (2020) nhấn mạnh AI đã được áp dụng rộng rãi trong giáo dục. Ở Việt Nam, trí tuệ nhân tạo cũng được quan tâm nghiên cứu. Nguyễn Thanh Thủy và cộng sự (2018) nhấn mạnh AI đang phát triển nhanh chóng và cần hiểu biết đúng để nắm bắt cơ hội và thách thức. Hồ Đắc Lộc và Huỳnh Châu Duy (2020) đề xuất các giải pháp phù hợp cho chuyển đổi công nghiệp 4.0. Đinh Thị Mỹ Hạnh và Trần Văn Hưng (2021) cho thấy AI tạo ra các phương pháp dạy và học mới. Nguyễn Duy An (2021) khuyến khích hiểu rõ mối quan hệ giữa con người và AI, thúc đẩy ứng dụng AIED. Đặng Ứng Vận và cộng sự (2022) nhấn mạnh thiết kế chương trình giáo dục đại học theo khung trình độ quốc gia đáp ứng nhu cầu xã hội, nâng cao hiệu quả đào tạo bằng cách ứng dụng AI.

Những tiến bộ công nghệ AI và việc áp dụng AIED trong đại học là xu hướng tất yếu của giáo dục hiện đại. Tương lai giáo dục đại học sẽ tích hợp AI vào cấu trúc các trường. Nhóm tác giả nhận định rằng cần nhận diện đúng các tác động của AI, bao gồm ảnh hưởng tích cực như: cải thiện hoạt động giảng dạy, tương tác và đánh giá; tăng cường tự học và tự nghiên cứu; hỗ trợ lựa chọn các chương trình đào tạo trực tuyến; và thúc đẩy tương tác, làm việc nhóm của sinh viên. Tuy nhiên, cũng có những ảnh hưởng tiêu cực như: tăng sự ỷ lại và lười nhác của sinh viên; tri thức không kiểm chứng; thiếu liêm chính trong bài làm; và sự máy móc của AI khiến người học không cảm nhận được cảm xúc và văn hóa. Trong tương lai, các nghiên cứu tiếp theo cần tập trung vào ảnh hưởng khác và giải pháp khắc phục tiêu cực của AI.

Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề trên, bạn đọc có thể tìm đọc nghiên cứu dưới đây.

Huyền Đức

Nguồn: Bùi Trọng Tài, Nguyễn Minh Tuấn (2024). Nghiên cứu ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục tới hoạt động học tập của sinh viên. Tạp chí Giáo dục, 24(10), 6-11.

Bạn đang đọc bài viết Ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục tới hoạt động học tập của sinh viên tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19