Thực trạng kỹ năng sử dụng Internet của sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay và giải pháp

Internet ngày càng phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng, trong đó có sinh viên. Nghiên cứu của Đặng Văn Em và cộng sự thực hiện khảo sát đối với đối tượng là sinh viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Và dựa trên 9 yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng sử dụng Internet của sinh viên. Từ đó đề xuất 2 nhóm giải pháp để nâng cao kỹ năng sử dụng Internet của sinh viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay.

Khi Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số, hướng tới hình thành xã hội số, việc nâng cao kỹ năng sử dụng Internet cho người học là rất quan trọng. Internet ngày càng phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng,trong đó có sinh viên. Tại Việt Nam, sinh viên đều nhận ra vai trò quan trọng của Internet. Vì vậy, sinh viên dành thời gian khá nhiều cho việc truy cập Internet để hỗ trợ học tập, cập nhật tin tức, giải trí và cho nhiều mục đích khác. Tuy nhiên, sinh viên vẫn còn đối mặt với những hạn chế về kỹ năng sử dụng Internet cũng như trình độ, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong việc học trực tuyến. Nghiên cứu của Đặng Văn Em và cộng sự khảo sát đối với đối tượng là sinh viên các trường đại học thành viên và khoa trực thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Và dựa trên 9 yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng sử dụng Internet của sinh viên. Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất 5 giải pháp để nâng cao kỹ năng sử dụng Internet của sinh viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay. Cụ thể, nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra bằng bảng hỏi, kỹ thuật thống kê mô tả với 480 sinh viên tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Trong thời gian từ tháng 11-12/2022, sau khi thu về làm sạch dữ liệu còn lại 414 phiếu khảo sát đủ điều kiện xử lý thống kê. Nhóm nghiên cứu thực hiện thu thập thông tin bằng bảng hỏi dựa trên phương pháp chọn mẫu phi xác suất.

Nguồn: Shutterstock

Kết quả nghiên cứu xác định khó khăn của sinh viên trong việc sử dụng và truyền tải thông tin trên Internet. Điều đó cũng cho thấy sinh viên vẫn còn nhiều hạn chế về kỹ năng sử dụng Internet và khả năng sáng tạo trên Internet. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát và đánh giá kỹ năng Internet của sinh viên dựa trên 9 yếu tố khác nhau, bao gồm: (1) Hoạt động sử dụng Internet của bản thân; (2) Điều hướng thông tin khi sử dụng Internet; (3) Sử dụng mạng xã hội khi sử dụng Internet; (4) Sáng tạo trên Internet; (5) Sử dụng thiết bị di động; (6) Kỹ năng vận hành Internet của bản thân; (7) Kỹ năng Internet chính thức của bản thân; (8) Kỹ năng thông tin Internet của bản thân; (9) Kỹ năng kế hoạch Internet của bản thân.

Tuy nhiên, sau khi thu thập và xử lý số liệu khảo sát, nhóm nghiên cứu đã thực hiện phân tích nhân tố khám phá và giữ lại 6 yếu tố. Trong đó, 4 yếu tố có kết quả tích cực là: Hoạt động sử dụng Internet của bản thân, Sử dụng mạng xã hội khi sử dụng Internet, Sử dụng thiết bị di động, và Kỹ năng vận hành Internet của bản thân. Hai yếu tố "Sáng tạo trên Internet" và "Kỹ năng Internet chính thức của bản thân" được nhận định là có hạn chế và chưa có chiều sâu. Ba yếu tố bị loại bỏ do không đạt yêu cầu về độ tin cậy là: Điều hướng thông tin khi sử dụng Internet, Kỹ năng thông tin Internet của bản thân, và Kỹ năng kế hoạch Internet của bản thân.

Nhìn chung, Internet đã trở nên rất quen thuộc với sinh viên Việt Nam, mang lại cả lợi ích lẫn tiêu cực. Việc sử dụng Internet phụ thuộc vào ý thức, sự hiểu biết và kỹ năng của sinh viên. Qua khảo sát, nghiên cứu nhận thấy sinh viên sử dụng Internet rất nhiều nhưng chưa chắc đã hiểu rõ về kỹ năng của mình, do môi trường sống thay đổi liên tục và yêu cầu cập nhật kiến thức, kỹ năng mới. Vì vậy, kỹ năng sử dụng Internet của sinh viên thay đổi theo thời kỳ. Điều cần thiết là tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng Internet cho sinh viên.

Nghiên cứu này đề xuất 2 nhóm giải pháp: (1) nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng Internet của sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số và (2) nâng cao khả năng khai thác thông tin và dữ liệu Internet của sinh viên. Các cơ sở giáo dục cần đảm bảo tổ chức những buổi hướng dẫn sinh viên về cách sử dụng kĩ năng Internet một cách hiệu quả, từ việc khai thác các thông tin trên Internet phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu chuyên môn. Sinh viên cần nâng cao phương pháp sử dụng Internet trong bối cảnh chuyển đổi số, bằng cách tự chủ và kế hoạch học tập rõ ràng và dành thời gian để đầu tư vào kĩ năng sử dụng Internet, từ đó khai thác tối đa các kiến thức cần thiết và phát triển kỹ năng sử dụng Internet một cách hiệu quả. Có thể thấy, kết quả nghiên cứu của Đặng Văn Em và cộng sự nhằm xác định thực trạng kỹ năng sử dụng Internet của sinh viên, từ đó củng cố, hoàn thiện cơ sở lý luận để đưa ra những khuyến nghị kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế.

Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề trên, bạn đọc có thể tìm đọc nghiên cứu dưới đây.

Huyền Đức giới thiệu

Nguồn: Đặng Văn Em, Đào Văn Hân, Lê Văn Tài, Nguyễn Hải Lan Anh, Võ Thị Kim Hậu (2023). Kĩ năng sử dụng internet của sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay: thực trạng và giải pháp. Tạp chí Giáo dục, 23(15), 58-64.

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19