Thông tin về các sản phẩm được gọi là “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá nung nóng”

Bài viết nêu một số thông tin về sản phẩm thuốc lá mới: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Hiện nay, các sản phẩm thuốc lá mới đã xuất hiện trên thị trường, đặc biệt là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Các sản phẩm này chưa được quản lí theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Hai loại sản phẩm thuốc lá điện tử này đều sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng dung dịch hoặc nguyên liệu thuốc lá tạo ra làn hơi khói để người dùng hút vào.

Ảnh: Thuốc lá điện tử (Nguồn: Internet)

Thuốc lá điện tử (ENDs) có chứa nicotin là một hoá chất gây nghiện cao, là một nguyên nhân gây ra các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, và có khả năng thúc đẩy, hình thành các khối u” (WHO, 2018). Ngoài nicotin, dung dịch thuốc lá điện tử còn có propylene glycol, có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Các chất độc hại được tìm thấy trong sol khí (khói) của thuốc lá điện tử như Ethylene Glycol, aldehydes, hydrocacbon thơm đa vòng, chất đặc biệt gây ung thư nitrosamines, Formaldehyde... được tìm thấy trong thuốc trừ sâu, khói xe ô tô…. Một số kim loại như chì, bạc, crom, nikel, formaldehyde có hàm lượng tương đương hoặc cao hơn so với thuốc lá thông thường. Vì vậy thuốc lá điện tử gây hại cho người sử dụng và những người xung quanh (Jensen, R.P., et al, 2015).

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện khoảng 15,000 loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe.

Thuốc lá điện tử có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất với các thiết kế đa dạng nên có thể bị lợi dụng để pha trộn ma túy và các chất gây nghiện khác.

Thuốc lá nung nóng (HTPs) là sản phẩm sử dụng thiết bị điện tử để nung nóng điếu thuốc (hoặc viên nén thuốc lá) đến nhiệt độ đủ để tạo ra “sol khí” (khói) có thể hít vào, có chứa nicotin - chất gây nghiện cao và các hóa chất khác, các chất phụ gia không phải thuốc lá và thường có nhiều hương vị.

Tổ chức Y tế thế giới đã có khuyến cáo: Thuốc lá nung nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Dù được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá như: Acrolein (chất gây kích ứng đường hô hấp mạnh), glycidol, formaldehyde và acetaldehyde (chất gây ung thư), carbon monoxide, hydrocarbon thơm đa vòng và các kim loại (nhôm, titan, stronti, molypden, thiếc và antimon).

Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng hiện có xu hướng nhắm tới đối tượng là giới trẻ thông qua hình ảnh, phong cách tạo gu thẩm mỹ, xu hướng của giới trẻ, bán hàng qua mạng (bán qua app điện thoại thông minh, quảng cáo và mua bán trên internet) là hình thức mà giới trẻ thường sử dụng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đặc biệt gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, đặc biệt là trẻ em vì não bộ của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển cho tới tuổi 25, làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần (Kutlu, Mgould, T ,2015; Yuan M, Cross S, Loughlin S, Leslie F, 2015; Hall F, Der-Avakian A, Gould T, Markou A, Shoaib M, Young J, 2015). Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.

Bằng chứng từ các nước cho phép sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy thuốc lá điện tử là nguyên nhân cho việc bắt đầu sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở thanh thiếu niên bởi bản chất vẫn là nghiện chất nicotin. Vì vậy, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có nhiều khả năng trở thành người hút thuốc lá điếu thông thường. Thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc nhưng sử dụng thuốc lá điện tử thì tỷ lệ chuyển sang hút thuốc lá điếu thông thường cao hơn từ 2 đến 3,5 lần so với những thanh thiếu niên chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.

Thiết bị điện tử có thể hỏng, lỗi và gây cháy nổ, thương tích, mất an toàn cho người sử dụng. Các chấn thương nghiêm trọng đã được ghi nhận như miệng, mặt, cổ mắt, mũi, xương hàm... Rác thải của bộ phận thiết bị điện tử, ống chứa dung dịch gây ảnh hưởng đến môi trường vì lượng chất thải rắn thải ra ngoài môi trường sau khi sử dụng, đặc biệt là với thiết bị sử dụng một lần.

 

Tài liệu tham khảo

(1) WHO (2018). Báo cáo của Tổ chức y tế thế giới  về  Hệ thống cung cấp nicotin điện tử (Thuốc lá điện tử).

(2) Jensen, R.P., et al (2015). Hidden formaldehyde in e-cigarette aerosols. N Engl J Med372(4): p. 392-4.

(3) Kutlu, Mgould, T (2015). Nicotine modulation of fear memories and anxiety: Implications for learning and anxiety disorders. Biochemical Pharmacology, 97(4); 498-511.

(4) Yuan M, Cross S, Loughlin S, Leslie F, (2015). Nicotine and the adolescent brain. J Physiol, 593(16); 3397-3412.

(5) Hall F, Der-Avakian A, Gould T, Markou A, Shoaib M, Young J (2015). Negative affective states and cognitive impairments in nicotine dependence. Neuroscience & Biobehavioral Reviews; 58; 168-185.

Nguyễn Huy Hồng - Tạp chí Giáo dục

 

Bạn đang đọc bài viết Thông tin về các sản phẩm được gọi là “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá nung nóng” tại chuyên mục Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong ngành Giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn