Tìm kiếm nguồn thu vì sự bền vững tài chính của cơ sở giáo dục đại học: Nghiên cứu trường hợp tại Nam Phi

Các trường đại học ở Nam Phi đang phải đối mặt với những thách thức tài chính đáng kể, “đe dọa” đến sự bền vững của họ. Theo đó, Ngcobo và cộng sự (2024) đã tiến hành một cuộc điều tra ý kiến ​​của các giảng viên và nhân viên về các nguồn thu tại một trường đại học công nghệ; đồng thời chỉ ra các rào cản và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao tính bền vững tài chính.

Ở Nam Phi, nguồn lực tài chính của các trường đại học bao gồm 3 nguồn chính: (1) Các khoản trợ cấp của Chính phủ; (2) Học phí; (3) Thu nhập do trường đại học tạo ra thông qua các hoạt động kinh doanh khác nhau như nghiên cứu ủy quyền, quyên góp, cung cấp dịch vụ, bán hàng và đầu tư (Wangenge Ouma & Carpentier, 2018). Theo Wang và Jacob (2023), sự bền vững tài chính rất quan trọng đối với quá trình tăng trưởng và phát triển của các trường đại học công lập. Trong khi các tổ chức này phụ thuộc nhiều vào nguồn tài trợ của chính phủ, thì các khoản nợ về học phí đã khiến họ phải gánh những áp lực tài chính khổng lồ (Alstete, 2014; Crowther et al., 2018). Do đó, các cơ sở giáo dục đại học hiện đang phải tập trung, tăng cường vào các chiến lược tạo doanh thu để đảm bảo tính bền vững tài chính của họ (Crowther và cộng sự, Cites2018; Koornhof, Cites2020; Wadud, Cites2023).

Ngcobo và cộng sự (2024) đã tiến hành điều tra 122 giảng viên và 93 nhân viên (không tham gia hoạt động giảng dạy) tại một trường đại học công nghệ nằm ở tỉnh KwaZulu-Natal, Nam Phi về các nguồn thu nhằm nâng cao tính bền vững tài chính thông qua hoạt động khảo sát bằng bảng hỏi (được thiết kế dựa trên thang đo Likert 5 mức độ), các câu hỏi chính gồm: Nguồn doanh thu có phải là một thách thức tài chính đối với trường đại học?; Những rào cản đối với sự bền vững tài chính của trường đại học là gì?; Mỗi nguồn thu nhập (thứ nhất, thứ hai và thứ ba) đóng góp như thế nào vào sự bền vững tài chính của trường đại học?; Những chiến lược nào có thể được áp dụng để tạo ra doanh thu?

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố như nguồn doanh thu, hạn chế trong năng suất nghiên cứu, kiến ​​thức và kỹ năng quản lí cũng như tỷ lệ hoàn thành chương trình sau đại học được xác định là những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính của trường đại học. Các phát hiện cũng nhấn mạnh rằng không có nguồn doanh thu nào có thể đảm bảo tính bền vững tài chính, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa các nguồn thu này. Bài báo cũng chỉ ra có sự đóng góp khác nhau của ba dòng doanh thu vào sự bền vững tài chính; đồng thời nhấn mạnh nhu cầu sử dụng các phân khúc trường đại học, hợp tác quốc tế và quan hệ đối tác doanh nghiệp để tạo thêm doanh thu. 

Nghiên cứu đề xuất ban quản lí trường đại học nên tận dụng kiến ​​thức và kĩ năng của các nhân viên có kinh nghiệm làm động lực tạo nguồn doanh thu. Quan trọng là phải tập trung vào việc thúc đẩy sinh viên đại học và sau đại học hoàn thành kịp thời, thúc đẩy sự tích cực tham gia nghiên cứu khoa học của sinh viên sau đại học và khuyến khích nhân viên nâng cao trình độ của họ. Những yếu tố này sẽ giúp nâng cao nguôn thu từ trợ cấp nhà nước và học phí.

Nguồn:

Ngcobo, X. M., Marimuthu, F., & Stainbank, L. J. (2024). Revenue sourcing for the financial sustainability of a university of technology: an exploratory study. Cogent Education, 11(1). https://doi.org/10.1080/2331186x.2023.2295173

Vân An lược dịch

Bạn đang đọc bài viết Tìm kiếm nguồn thu vì sự bền vững tài chính của cơ sở giáo dục đại học: Nghiên cứu trường hợp tại Nam Phi tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19