Nhận thức của giáo viên về việc sử dụng công nghệ thực tế ảo trong lớp học

Công nghệ nhập vai thực tế ảo đang trở nên phổ biến và thành công hơn trong các lớp học. Nhờ môi trường sống động, học sinh được gắn kết và có động lực học tập trong VR. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế về chi phí, nguồn lực giáo viên và kết quả học tập của học sinh khi tích hợp VR vào chương trình giảng dạy. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm hỗ trợ đề xuất các giải pháp phù hợp cho những hạn chế này.

Việc triển khai thực tế ảo (Virtual Reality - VR) cho giáo dục và các lý thuyết hỗ trợ việc sử dụng nó ngày càng cho thấy nhu cầu hiểu biết sâu sắc hơn về học tập dựa trên VR. Tuy nhiên, một số nghiên cứu dựa trên VR cũng cung cấp những bằng chứng về những bất cập của VR đối với kết quả học tập. Sự đắm chìm cao độ và cảm giác hiện diện làm giảm khả năng tập trung vào khía cạnh học tập và giảng dạy. Những tác động tiêu cực này đã được thể hiện ở nhiều môn học khác nhau, bao gồm STEM, lịch sử và học ngôn ngữ. Chẳng hạn khi học sinh học từ vựng bằng tai nghe VR đạt điểm thấp hơn đáng kể so với những đối tượng sử dụng phiên bản VR trên máy tính để bàn ít hấp dẫn hơn. Hơn nữa, còn tồn tại một số trở ngại khác bao gồm chi phí thiết bị VR, báo cáo về tình trạng say máy và quá nóng khi sử dụng trong thời gian dài. Một rào cản khác đối với việc triển khai VR trong chương trình giảng dạy là thiếu đào tạo giáo viên. Vấn đề này thường liên quan đến việc không đủ thời gian để học cách sử dụng thiết bị mà còn cần phải điều chỉnh chương trình giảng dạy truyền thống để phù hợp với việc sử dụng phương tiện mới.

Nguồn ảnh: Sưu tầm

Để tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục những hạn chế kể trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành một cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện tại Liên bang Nga để kiểm tra nhận thức và trải nghiệm của các nhà giáo dục Nga về VR. Nghiên cứu này được khởi xướng bởi Trung tâm VR/AR của Sáng kiến ​​Công nghệ Quốc gia Đại học Liên bang Viễn Đông (FEFU NTI) ở Vladivostok, Nga. Tổng cộng có 20.876 nhà giáo dục Nga đã tham gia cuộc khảo sát, hầu hết những người tham gia đều có kinh nghiệm giảng dạy lâu dài trên 20 năm.

Về phương pháp giảng dạy, hầu hết các giáo viên tham gia đều thích giữ sự cân bằng giữa phương pháp lấy học sinh làm trung tâm và lấy giáo viên làm trung tâm trong quá trình giảng dạy của họ. Tuy nhiên, phân tích cho thấy không có mối tương quan chặt chẽ giữa phương pháp giảng dạy và mức độ tích hợp VR trong quá trình dạy và học. Lý do cho kết quả này là các phương pháp giảng dạy không ảnh hưởng đến mức độ tích hợp VR vì hầu hết người tham gia đều ở giai đoạn đầu của quá trình tích hợp VR. Kết quả cũng cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa tần suất sử dụng VR và mức độ tích hợp VR. Nói cách khác, những giáo viên quen thuộc với công nghệ VR sẽ cố gắng sử dụng nó thường xuyên hơn. Phát hiện này cho thấy rằng chỉ biết VR là gì không nhất thiết dẫn đến việc sử dụng và tích hợp thực tế trong lớp học.

Để sử dụng VR trong lớp học một cách hiệu quả, giáo viên cần làm quen với công nghệ này và hiểu cách tích hợp nó vào chương trình giảng dạy. Một khi họ tự tin với công nghệ VR, họ sẽ sử dụng nó một cách sáng tạo và thường xuyên hơn. Có vẻ như hầu hết giáo viên Nga đều cần các cơ hội phát triển chuyên môn có thể giúp họ phát triển kiến ​​thức về công nghệ, sư phạm và nội dung (technological, pedagogical, and content knowledge - TPACK) ngoài kiến ​​thức kĩ thuật cơ bản về VR. Như khung TPACK gợi ý, tích hợp công nghệ đòi hỏi nhiều thứ hơn là kĩ năng kĩ thuật. Nhận thức được tầm quan trọng của mối liên kết giữa công nghệ, phương pháp sư phạm và nội dung, các chương trình phát triển chuyên môn VR nên cung cấp cho giáo viên cơ hội tích hợp VR trong bối cảnh đích thực.

Hồng Anh lược dịch

Nguồn: Khukalenko, I. S., Kaplan-Rakowski, R., An, Y., & Iushina, V. D. (2022). Teachers’ perceptions of using virtual reality technology in classrooms: A large-scale survey. Education and Information Technologies, 27(8), 11591-11613. https://doi.org/10.1007/s10639-022-11061-0 

Bạn đang đọc bài viết Nhận thức của giáo viên về việc sử dụng công nghệ thực tế ảo trong lớp học tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19