Giáo dục châu Á vươn lên trong bảng xếp hạng đại học trẻ toàn cầu

Tổ chức giáo dục quốc tế Times Higher Education vừa công bố kết quả xếp hạng các trường đại học trẻ tốt nhất thế giới (Young University Rankings 2024).

Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, là đại học trẻ tốt nhất thế giới năm 2024.

Đứng đầu bảng xếp hạng là Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Xếp ở vị trí thứ 2 là Đại học Nghiên cứu PSL Paris. Vị trí thứ 3 lần lượt thuộc về hai trường đại học tại Hồng Kông, Trung Quốc, là Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông và Đại học Thành phố Hồng Kông. Đại học Paris-Saclay và Viện Bách khoa Paris, Pháp, lần lượt xếp vị trí thứ 5 va 6.

Trong top 10 của bảng xếp hạng còn có sự góp mặt của Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (Hàn Quốc) ở vị trí thứ 9, Đại học Maastricht (Hà Lan) nằm thứ 10.

Bảng xếp hạng các trường đại học trẻ có thể phản ánh sự phát triển tương đối của hệ thống trường đại học. Nó so sánh các trường được thành lập trong vòng 50 năm qua và áp dụng phương pháp tương tự Bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới với trọng số được hiệu chỉnh.

Điểm nổi bật của bảng xếp hạng năm nay là châu Á hiện có gần một nửa số trường đại học nghiên cứu trẻ trên thế giới. Cụ thể, số lượng các trường đại học châu Á trong danh sách đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua, từ 165 trường vào năm 2020 (chiếm 40%) lên 327 trường trong năm 2024 (49%).

Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Iran đã thúc đẩy sự gia tăng. Thổ Nhĩ Kỳ hiện có 58 trường đại học trong bảng xếp hạng, tăng so với 23 trường vào năm 2020. Ấn Độ có 55 trường được xếp hạng, tăng từ 26 trường vào năm 2020. Còn Iran tự hào có 46 trường lọt vào danh sách, tăng từ con số 20.

Cùng với sự gia tăng về số lượng đại diện, vị trí xếp hạng của nhiều tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Iran cũng được nâng cao. Tuy nhiên, vì giới hạn số năm nên các trường quá 50 năm thành lập sẽ không được xếp hạng. Điều này hạn chế khả năng so sánh chi tiết về hiệu quả hoạt động của các trường qua các năm.

Bà Xin Xu, giảng viên Đại học Oxford, Anh, nhận định giáo dục toàn cầu đang phát triển thành khối gồm nhiều quyền lực quan trọng, bao gồm các quyền lực bậc trung đang trỗi dậy. Trong đó, giáo dục đại học ở châu Á đang phát triển nhanh chóng và các quốc gia sở hữu giáo dục đại học tầm trung cần lưu ý bao gồm Ấn Độ, Iran, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn ông Yusuf Ikbal Oldac, chuyên gia về giáo dục đại học Thổ Nhĩ Kỳ tại Trường Nghiên cứu Sau đại học, Đại học Lingnan, Hồng Kông, Trung Quốc, đồng tình rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia đang phát triển trong lĩnh vực giáo dục đại học. Trong khu vực Tây Nam Á, giáo dục đại học của Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng.

Bên cạnh đó, châu Phi cũng tăng cường vị thế trong bảng xếp hạng, dù chưa nổi bật như châu Á. 5 năm trước, chỉ 39 trường đại học châu Phi xuất hiện trong danh sách, chiếm 9%. Đến năm nay, con số này nâng lên thành 77 trường, chiếm 11%.

Trong đó, Nigeria là quốc gia có nhiều trường đại học trẻ nổi bật nhất châu Phi. Quốc gia này có 10 trường được xếp hạng trong danh sách năm nay.

Bà Janet Illieva - người sáng lập kiêm Giám đốc Công ty tư vấn giáo dục Education Insight, nhìn nhận: “Trong khi Đông Á Thái Bình Dương hiện có tỷ trọng giáo dục đại học quốc tế lớn thì sự tăng trưởng trong thập kỷ tới, thậm chí hơn thế nữa sẽ thuộc về Nam Á (như Ấn Độ, Pakistan) hoặc Đông Nam Á”.

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

Bạn đang đọc bài viết Giáo dục châu Á vươn lên trong bảng xếp hạng đại học trẻ toàn cầu tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn