Vì sao nhiều sinh viên bỏ giữa chừng các khóa học online?

Sự sẵn có ngày càng tăng của công nghệ trong giáo dục đại học đã dẫn đến sự phát triển của các nền tảng học tập trực tuyến. Tuy nhiên, điều này đã mang đến một thách thức lớn cho các cơ sở giáo dục đó là việc bỏ học trực tuyến của sinh viên. Nghiên cứu này trình bày một phân tích nhằm tìm ra nguyên nhân đằng sau tỷ lệ bỏ học trong môi trường học tập ảo và trình bày một cái nhìn tổng quan toàn diện cho các nhà giáo dục, nhà quản lý và nhà hoạch định chính sách.

Nhóm nghiên cứu đã chọn lọc các bài báo được xuất bản từ năm 2013 đến năm 2023 bao gồm 110 bài báo có liên quan đóng góp đáng kể cho lĩnh vực này. Nghiên cứu kiểm tra các lĩnh vực liên quan đến nhân khẩu học, khóa học, công nghệ, động lực và sự hỗ trợ để hình thành nên quyết định của sinh viên trong các chương trình học tập trực tuyến. Các phân tích đã cho thấy những nguyên nhân cụ thể như sau:

Xét về yếu tố chủ quan, một số sinh viên tổ chức các khóa học một cách không có hệ thống dẫn đến cảm giác lo ngại các nhiệm vụ và bài tập quá nhiều vì khối lượng công việc vượt quá mức thường gặp trong môi trường học tập thông thường. Thứ hai, cảm giác mất kết nối và xa xôi với bạn cùng lớp và giảng viên có thể làm giảm động lực học tập của các bạn khiến tỷ lệ bỏ học tăng. Thứ ba, trình độ học vấn trước đây của người học, đặc biệt là điểm trung bình (GPA) của họ. Điểm trung bình đóng vai trò là chỉ số đánh giá khả năng của sinh viên trong việc đáp ứng mức thành tích mà hệ thống giáo dục đại học yêu cầu, điểm này cũng có thể dự đoán nguy cơ bỏ học trong tương lai. Thứ tư, kỹ năng quản lý thời gian, sinh viên thường gặp khó khăn trong việc cân bằng các cam kết học tập, công việc và cá nhân thường dẫn đến cảm giác choáng ngợp làm giảm đi sự kiên trì của họ. Cuối cùng là sự thiếu hài lòng, những sinh viên không hài lòng thường dành ít thời gian học hơn và có tỷ lệ bỏ học cao hơn.

Xét về yếu tố khách quan, tính cách và chuyên môn của giảng viên có ảnh hưởng tới quyết định bỏ học của sinh viên. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng kỹ năng đọc viết kỹ thuật số của người hướng dẫn và niềm tin của họ vào hệ thống giáo dục trực tuyến ảnh hưởng đến động lực của sinh viên và việc tiếp tục khóa học. Thứ hai, sự hỗ trợ học tập không đầy đủ cho người học, bao gồm các yếu tố như định hướng hướng dẫn trực tuyến, chất lượng tương tác giữa giảng viên và sinh viên. Việc thiếu các cơ chế hỗ trợ hiệu quả, cùng với những khó khăn về kỹ thuật và thiếu sự hỗ trợ của người dạy có thể khiến sinh viên thất vọng và có khả năng cản trở sự kiên trì của họ. Hơn nữa, vấn đề tài chính và trình độ học vấn của phụ huynh cũng là một trong những yếu tố khách quan có tác động đến trải nghiệm sống và sự ổn định trong hành trình học tập trực tuyến của sinh viên. Điều này cho thấy các yếu tố bên ngoài lĩnh vực học thuật ảnh hưởng đáng kể đến khả năng cam kết học tập trực tuyến của sinh viên.  

Từ kết quả trên, bài nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm đóng vai trò là nguồn lực để thiết kế các biện pháp can thiệp giữ chân sinh viên tiếp tục tham gia lớp học trực tuyến. Trước hết, các tổ chức giáo dục cần thực hiện các chiến lược hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề tâm lý người học, đây là yếu tố quyết định then chốt để sinh viên lựa chọn có tiếp tục học hay không. Thứ hai, các bài giảng cần có cấu trúc rõ ràng và hợp lý mang lại sự hài lòng của sinh viên đối với các khóa học trực tuyến. Thứ ba, tạo ra các chiến lược nhằm nâng cao khả năng quản lý trách nhiệm của sinh viên và kiên trì trong hành trình học tập của mình. Thứ tư, tổ chức giáo dục và sinh viên nên chuẩn bị trước cho sự thay đổi về các kỹ thuật thích ứng hiệu quả để quá trình học được diễn ra suôn sẻ và hiệu quả hơn cho người dạy lẫn người học. Ngoài ra, sự hỗ trợ hiệu quả từ giảng viên, đặc biệt là về tính kịp thời và hữu ích, đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút và giữ chân sinh viên.

Hồng Anh lược dịch

Nguồn: Rahmani, A.M., Groot, W. & Rahmani, H. Dropout in online higher education: a systematic literature review. Int J Educ Technol High Educ 21, 19 (2024). https://doi.org/10.1186/s41239-024-00450-9 

 

Bạn đang đọc bài viết Vì sao nhiều sinh viên bỏ giữa chừng các khóa học online? tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn