Chia sẻ giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên

Chiều 12/4, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác Bộ GDĐT đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên nhằm trao đổi, chia sẻ giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương.

Dự buổi làm việc về phía tỉnh Điện Biên có Bí thư Tỉnh uỷ Trần Quốc Cường; Phó Bí thư Tỉnh uỷ Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô; lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành và đại diện một số cơ sở giáo dục của tỉnh Điện Biên.

Giáo dục là điểm sáng nhất của địa phương

Báo cáo về tình hình giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vừ A Bằng cho biết: Trong những năm qua, mạng lưới trường lớp của tỉnh được tổ chức sắp xếp đảm bảo khoa học, tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của địa phương và của ngành. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, phổ thông có học sinh bán trú được quan tâm xây dựng, củng cố và phát triển. Tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường ở tất cả các cấp học, bậc học cao, nhất là cấp học mầm non.

Quang cảnh buổi làm việc

Chất lượng giáo dục các cấp học nâng lên. Năm 2023, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT cao nhất từ trước tới nay (99,51%), số lượng học sinh đạt và chất lượng giải học sinh giỏi các môn văn hoá cấp quốc gia cao nhất từ trước đến nay. Điện Biên được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Toàn tỉnh hiện có 15.746 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học của tỉnh có trình độ đào tạo chuẩn và trên chuẩn khá cao. Tỉnh Điện Biên hiện có 74,09% số phòng học được đầu tư xây dựng kiên cố, tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia chiếm 78,06%.

Đến nay, tỉnh Điện Biên vẫn còn nhiều phòng học, phòng nội trú, phòng công vụ, nhà bếp, nhà ăn… đang là phòng tạm hoặc bán kiên cố. Ước tính nhu cầu kinh phí để tỉnh Điện Biên có thể thay thế toàn bộ số phòng học, phòng bộ môn, phòng ở bán trú, phòng công vụ đang là phòng tạm, bán kiên cố là khoảng 2600 tỷ đồng.

Một số khó khăn của giáo dục Điện Biên như: Địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung nên quy mô nhiều trường không lớn, còn nhiều điểm trường; ngân sách đầu tư cho giáo dục cơ bản dùng chi cho con người, cơ sở vật chất, thiết bị trường học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển về quy mô và yêu cầu đổi mới giáo dục; đội ngũ giáo viên, nhân viên còn thiếu nhiều so với định mức, thiếu nguồn tuyển giáo viên các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, giáo viên tiểu học; chế độ, chính sách dành cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn hạn chế…

Từ thực tiễn khó khăn của giáo dục địa phương, tỉnh Điện Biên kiến nghị Bộ GDĐT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ nâng mức hỗ trợ học sinh nội trú, bán trú, mức hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ mầm non và học sinh bán trú; kéo dài thời gian được hưởng chính sách hỗ trợ tại các xã đặc biệt khó khăn khi xã được công nhận nông thôn mới; sớm triển khai Đề án kiên cố hoá trường lớp học tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên Trần Quốc Cường phát biểu tại buổi làm việc

Về chính sách cho đội ngũ nhà giáo, tỉnh Điện Biên kiến nghị không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc được hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn và không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập như tỉnh Điện Biên; có chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm làm công tác phổ cập giáo dục; nâng mức hỗ trợ cho giáo viên mầm non dạy lớp ghép, dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số; sớm ban hành Luật Nhà giáo…

Chia sẻ về nhiều cái “nhất” của Điện Biên ở khía cạnh khó khăn như tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội khiêm tốn…, Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên Trần Quốc Cường đồng thời khẳng định, một điểm sáng nhất của Điện Biên là giáo dục và đào tạo.

Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên nhận định: Kết quả đó có được là nhờ sự quan tâm của Trung ương, của Bộ GDĐT và sự nỗ lực, quyết tâm của địa phương qua nhiều thế hệ. Thế mạnh của Điện Biên là học sinh ham học, các em có thể chất, trí tuệ. Kết quả giáo dục ở mức độ khá cao trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.

“Với yếu tố đó tỉnh càng quyết tâm hơn trình Chính phủ, Bộ GDĐT sớm thành lập Trường Đại học Điện Biên trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên để học sinh 19 dân tộc anh em được học lên cao hơn nữa”, ông Trần Quốc Cường nói.

Cần huy động bằng mọi cách để có trường học kiên cố

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị của Bộ GDĐT: Vụ Cơ sở vật chất, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Vụ Giáo dục dân tộc, Vụ Giáo dục mầm non, Vụ Giáo dục tiểu học, Vụ Giáo dục trung học đã trao đổi, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Điện Biên; đồng thời nêu các đề xuất, mong muốn với địa phương nhằm phát triển giáo dục và đào tạo.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ GDĐT Lê Thị Thanh Nhàn trao đổi tại buổi làm việc

“Cần huy động bằng mọi cách để có trường học kiên cố”, đây là lưu ý được nhấn mạnh của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn với giáo dục Điện Biên. Với thực tế tỷ lệ kiên cố hoá trong nhóm thấp nhất cả nước như hiện nay, theo Bộ trưởng, vấn đề lớn nhất giáo dục Điện Biên phải làm trong thời gian tới là hạ tầng, cơ sở vật chất, trường học, trang thiết bị, các điều kiện phục vụ dạy và học.

Với địa hình phân cách, rải rác và nhiều khó khăn đặt ra, Bộ trưởng gợi mở, Điện Biên cần rà soát tổng thể và đưa ra một số nguyên tắc trong đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất trường lớp nhằm giải quyết sự phân tán như hiện nay. Bộ trưởng cũng cho biết, dự kiến tới đây, Bộ GDĐT sẽ chủ trì tổ chức phát động toàn quốc huy động nguồn lực cho kiên cố hoá trường lớp, trong phát động này sẽ tập trung cho nhóm các tỉnh khó khăn.

Đối với vấn đề mua sắm trang thiết bị học tập, Bộ trưởng cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ còn một năm nữa là hết chu trình, đây là thời điểm cần đầu tư nhất. Do đó, mong địa phương có giải pháp cho vấn đề này, giúp giáo viên có thiết bị đồ đùng để hỗ trợ việc đổi mới phương pháp dạy học.

Nhấn mạnh định hướng chung của ngành là quyết liệt quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo, chăm lo đội ngũ cả về số lượng, chất lượng, Bộ trưởng mong muốn tỉnh Điện Biên dành sự quan tâm cho định hướng này. Trong đó, tận dụng chỉ tiêu biên chế được giao để tuyển dụng đủ số lượng; Sở GDĐT quan tâm tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên trong quá trình đổi mới hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc

“Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục” là lưu ý của Bộ trưởng với tỉnh Điện Biên để giải quyết được cả hai vấn đề đang đặt ra với tỉnh hiện nay là địa hình phân tán, nhiều điểm trường lẻ và thiếu giáo viên.

Về một số nhiệm vụ trước mắt, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Điện Biên tập trung quan tâm hoàn tất chương trình đổi mới giáo dục phổ thông; chuẩn bị kỳ thi THPT năm 2024; chuẩn bị cho kỳ thi năm 2025; làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp, với quạn điểm không phân luồng máy móc, áp đặt.

Về quan tâm lớn của tỉnh là thành lập Trường Đại học Điện Biên trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, Bộ trưởng cho biết: Chủ trương đã rõ, Bộ GDĐT sẽ đồng hành, hỗ trợ tỉnh Điện Biên trong quá trình hoàn thiện Đề án. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khuyến nghị tỉnh về việc cần tham khảo kinh nghiệm của các mô hình đại học địa phương đã thành công và chưa thành công. 

Trong trao đổi với lãnh đạo tỉnh Điện Biên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, kết quả của giáo dục Điện Biên trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Theo Bộ trưởng, mỗi tỉnh, thành phố làm tốt giáo dục tại địa bàn mình là tốt cho toàn ngành.

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

Bạn đang đọc bài viết Chia sẻ giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn