Vươn tới Tri thức: Bí Mật thành công của Giáo dục Châu Á

Dựa trên hệ thống đánh giá giáo dục toàn cầu PISA 2018, bài nghiên cứu so sánh phương pháp giảng dạy và hiệu suất đọc của 10 khu vực hàng đầu giữa hai châu lục (châu Á và châu Âu). Văn hóa nỗ lực đạt được kỳ vọng cao từ phụ huynh, môi trường học tập cạnh tranh và phương pháp giảng dạy hiệu quả giúp học sinh châu Á đạt điểm số cao hơn các khu vực châu Âu.

Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (Program for International Student Assessment - PISA) là kỳ thi đánh giá quy mô quốc tế được tổ chức do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện. PISA đánh giá tính hiệu quả của các hệ thống giáo dục trên toàn thế giới bằng cách đo lường kiến ​​thức và kỹ năng nhận thức của học sinh 15 tuổi từ các quốc gia thành viên OECD và đối tác. Dựa trên dữ liệu từ PISA 2018, nghiên cứu này đã so sánh 10 khu vực có thành tích cao nhất về phương pháp giảng dạy và kiểm tra mối liên hệ giữa phương pháp giảng dạy và hiệu suất đọc. 

Nguồn: sưu tầm

Về hiệu suất đọc, Trung Quốc đã đạt được điểm về hiệu suất đọc tổng thể cao nhất trong PISA 2018, 3 khu vực châu Á khác (Singapore, Macao và Hồng Kông) cũng đạt điểm cao hơn so với các khu vực phương Tây. Sự vượt trội như vậy có thể được giải thích khi nhìn nhận bối cảnh văn hóa và xã hội của giáo dục, nơi có những áp lực đáng kể đối với học sinh để đạt được thành tích học tập. Từ góc độ văn hóa, tư tưởng Nho giáo đề cao nỗ lực và sự kiên trì hơn sự thông minh. Do đó, sinh viên nỗ lực trong học tập vì họ tin rằng thành công là kết quả của sự chăm chỉ. Thứ hai, phụ huynh ở các khu vực châu Á thường đặt kỳ vọng cao vào thành tích học tập của con họ, học sinh có thể cảm thấy xấu hổ khi bị cha mẹ đánh giá tiêu cực vì học tập không đầy đủ do vậy họ phải học chăm chỉ hơn để theo đuổi thành tích học tập tốt hơn. Cuối cùng là do môi trường học tập cạnh tranh, đối với các học sinh châu Á, điểm cao trong các kỳ thi quyết định phần lớn việc được nhận vào trường đại học hoặc để có được việc làm cũng như đối với đời sống xã hội của họ nói chung.  

Về mặt thực hành giảng dạy, kết quả cho thấy giáo viên châu Á hỗ trợ học tập nhiều hơn, hướng dẫn học sinh thường xuyên hơn và sử dụng các bài giảng có sự tương tác nhiều hơn giữa các học sinh. Các chỉ số thực hành giảng dạy ở các nước khu vực này cao hơn là do sự thấm nhuần truyền thống Nho giáo nhấn mạnh sự nỗ lực, trách nhiệm và thành tích. Sự khác biệt rõ rệt này cho thấy rằng bối cảnh văn hóa đóng một vai trò mạnh mẽ trong việc hình thành hiệu suất học tập của học sinh và hành vi giảng dạy của giáo viên. Qua những phát hiện trên, nghiên cứu đã làm sáng tỏ các phương pháp giảng dạy hiệu quả giúp tối ưu hóa hiệu suất đọc của học sinh trong các bối cảnh văn hóa khác nhau.

Hồng Anh lược dịch

Nguồn: Ho, S.K., Gan, Z. Instructional practices and students’ reading performance: a comparative study of 10 top performing regions in PISA 2018. Lang Test Asia 13, 48 (2023). https://doi.org/10.1186/s40468-023-00261-1 

Bạn đang đọc bài viết Vươn tới Tri thức: Bí Mật thành công của Giáo dục Châu Á tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn