Trí tuệ nhân tạo (AI) và giải pháp số hóa trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc

Trung Quốc được coi là nước tiên phong trong việc phát triển, ứng dụng các phương pháp trí tuệ nhân tạo và giải pháp số hóa. Bài viết này nhằm mục đích đánh giá các chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, cung cấp cái nhìn tổng quan về các giai đoạn, lĩnh vực khác nhau, các cơ chế hành động trọng tâm cũng như các ưu tiên chính trị và những thay đổi của chính sách giáo dục ở Trung Quốc theo thời gian.

Dựa trên khung phân tích hai chiều, bài viết đã phân loại một cách toàn diện các chính sách của chính phủ Trung Quốc về tin học hóa hệ thống giáo dục, từ đó thể hiện chiến lược giáo dục dành riêng cho quốc gia này. Theo cách tiếp cận của Rothwell và Zegveld (1981), các văn bản chính sách được mã hóa và phân tích thành ba tiêu chí: Công cụ chính sách phía cung, Công cụ chính sách phía cầu và Công cụ chính sách môi trường cùng với 14 tiểu mục. Các kết quả được phân loại bằng cách sử dụng khung phân tích và được giải thích ở cấp độ nội dung cũng như ở cấp độ của quá trình và các mối quan hệ. Do đó, nghiên cứu đã cung cấp cái nhìn tổng quan về các giai đoạn và lĩnh vực khác nhau của chính sách giáo dục ở Trung Quốc, các cơ chế hành động trung tâm cũng như các chính sách chính trị, những ưu tiên và những thay đổi của chúng theo thời gian.

Thứ nhất, tầm quan trọng của chủ đề tin học hóa giáo dục. Sự phân bổ về số lượng tài liệu giữa hai giai đoạn 2001-2018 và từ năm 2018 trở đi gần như bằng nhau, mặc dù các giai đoạn này có độ dài rất khác nhau. Điều này cho thấy xu hướng tổng thể ngày càng tăng theo thời gian, là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của chủ đề này. 

Thứ hai, chính sách quốc gia toàn diện về phát triển tin học hóa giáo dục. Có thể xác định các công cụ chính trị khác nhau đóng những vai trò khác nhau trong nền chính trị quốc gia từ đó hình thành một hệ thống chính trị với các cơ chế hoạt động khác nhau. 

Thứ ba, sự thay đổi trong các ưu tiên chính trị theo thời gian như một quá trình chuyển đổi gia tăng. Có thể thấy kể từ khi bắt đầu giai đoạn tin học hóa giáo dục 2.0, các chính sách của Chính phủ Trung Quốc định hướng cung ứng đã có sự suy giảm. Đồng thời, đã có sự mở rộng các hoạt động và tập trung nhiều hơn vào các công cụ chính sách môi trường. 

Thứ tư, trọng tâm của tin học hóa giáo dục (educational informatization) cho đến nay vẫn là giáo dục đại học, tiếp theo là giáo dục tiểu học và trung học, sau đó là giáo dục và đào tạo nghề. Ở bậc tiểu học và trung học, trọng tâm là hỗ trợ việc dạy và học. Điều này phản ánh sự nhấn mạnh vào tính hiệu lực và hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục này, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các kỳ thi đầu vào và cuối kỳ. Đối với giáo dục và đào tạo nghề, chính sách của Chính phủ Trung Quốc tập trung vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và giáo viên.

Nghiên cứu này cung cấp những kiến thức chuyên sâu về các quy trình chính sách và chiến lược thông tin hóa giáo dục ở Trung Quốc. Các tổ chức giáo dục và các nhà hoạch định chính sách có thể sử dụng, tham khảo những kiến thức này cho việc thiết kế và so sánh các chiến lược giáo dục. Hơn nữa, chiến lược giáo dục của Trung Quốc cũng có thể được sử dụng làm cơ sở để so sánh với chiến lược của các quốc gia khác trên thế giới.

Hồng Anh lược dịch

Nguồn: Liu-Schuppener, Xing (2023).  Artificial intelligence and digitalization in China's education system: A systematic analysis of the policy framework and underlying strategies, Working Papers on East Asian Studies, No. 136, University of Duisburg-Essen, Institute of East Asian Studies (IN-EAST), Duisburg, https://doi.org/10.17185/duepublico/78369 

 

Bạn đang đọc bài viết Trí tuệ nhân tạo (AI) và giải pháp số hóa trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19