Lý do nào cho việc triển khai “không gian sáng chế” ở trường học?

Các nhà cải cách giáo dục ngày nay rất quan tâm đến việc tạo dựng không gian sáng chế trong trường học. Do vậy, bài viết này tìm hiểu về các yếu tố hình thành nên việc giáo viên thực hiện cải cách STEM ở trường học từ góc độ sinh thái (ecological perspective) để điều tra xem yếu tố nào định hình nỗ lực thực hiện việc tạo ra một không gian sáng chế ở nơi dạy học.

Sáng chế (Making) là một hoạt động liên quan đến thiết kế và chế tạo các đồ vật, từ dệt vải đến lập trình máy vi tính, theo những cách có ý nghĩa đối với người học. Không gian sáng chế (Makerspace) là nơi học sinh có thể tham gia vào những trải nghiệm thực hành chế tạo này. Phổ biến như một loại mô hình hội thảo lần đầu được tổ chức vào năm 2005 với sự ra mắt của tạp chí MAKE, những môi trường giáo dục này đã đem đến sự thú vị về việc học tập mang tính sáng tạo, thực hành, hướng đến sở thích và hấp dẫn cả giới trẻ cũng như phụ huynh. 

Việc xây dựng mô hình này trong trường học đòi hỏi phải xem xét một cách cẩn thận cách giáo viên điều hướng các hoạt động trong không gian mới cũng như cách trường học với tư cách là tổ chức định hình việc thực hiện chúng. Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu các yếu tố hình thành nên việc giáo viên thực hiện việc tạo ra một không gian sáng chế ở trường trung học. Nhóm tập trung xem xét việc ra quyết định của giáo viên từ góc độ sinh thái để điều tra xem yếu tố nào định hình nỗ lực thực hiện của họ bằng cách sử dụng dữ liệu quan sát và phỏng vấn được thu thập trong 2 năm tại một trường trung học phổ thông ở Hoa Kỳ. Kết quả của nghiên cứu cho thấy nỗ lực của giáo viên được định hình bởi 4 “khoảng cách” đó là bộ kỹ năng kiến ​​thức chuyên môn được phân bổ, không gian vật lý, học tập theo bộ môn và các yếu tố về cấu trúc. Việc thảo luận và ra quyết định của giáo viên là cánh cổng dẫn vào các hình thức hỗ trợ về mặt tổ chức và thể chế trong các cuộc cải cách về STEM.

Bài viết đóng góp những hiểu biết sâu sắc về việc triển khai không gian sáng chế trong trường học. “Không gian sáng chế” mang đến cơ hội nghiên cứu trong tương lai về cách thức cải cách STEM diễn ra trong các hệ thống phức tạp như một trường trung học phổ thông. Các nhà nghiên cứu và nhà cải cách phải hợp tác với giáo viên để hiểu cách thức các hoạt động và không gian này phục vụ nhằm nâng cao cơ hội học tập của học sinh. Hơn nữa, khi giáo viên tìm hiểu về các khả năng học tập trong quá trình sáng chế của học sinh, họ cần có thời gian và sự linh hoạt trong chương trình giảng dạy để tạo lập các phương pháp dạy học mới.

Hồng Anh lược dịch

Nguồn: Brian E. Gravel & Cassidy Puckett, What shapes implementation of a school-based makerspace? Teachers as multilevel actors in STEM reforms (2023) https://doi.org/10.1186/s40594-023-00395-x 

Bạn đang đọc bài viết Lý do nào cho việc triển khai “không gian sáng chế” ở trường học? tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn