Nghiên cứu này là một trong những nghiên cứu đầu tiên giới thiệu khái niệm tiên phong về Meta-AI trong giáo dục và đề xuất tiềm năng của nó để cách mạng hóa bối cảnh giáo dục bằng cách kết hợp các công nghệ AI như ChatGPT với giáo dục Metaverse. Nhóm nghiên cứu đã phân tích 90 bài viết phân tích tập trung vào các ứng dụng của Metaverse trong giáo dục. Trước tiên, họ thiết lập một bộ tiêu chí loại trừ bao gồm các tiêu chí như khoảng thời gian, loại bài viết, nội dung và chủ đề để xác định các bài viết có liên quan. Sau đó, nghiên cứu tiến hành kiểm tra thống kê các bài viết này để xác định các chủ đề chung và xu hướng mới nổi liên quan đến việc áp dụng Metaverse trong giáo dục, từ đó cung cấp thông tin một cách tổng quát về lĩnh vực đang phát triển này.
Kết quả cho thấy Trung Quốc và Hàn Quốc nổi bật là những nước đóng góp hàng đầu trong lĩnh vực này, với lần lượt 30% và 20% số bài nghiên cứu. Các quốc gia còn lại, đóng góp từ 5% đến 9% số bài báo. Sự phân phối này cho thấy mối quan tâm toàn cầu ngày càng tăng trong việc khám phá tiềm năng của các ứng dụng Metaverse trong giáo dục. Kết quả nghiên cứu cũng nhấn mạnh các yếu tố phức tạp ảnh hưởng đến sự sẵn lòng, tính hiệu quả và sự phát triển kỹ năng của người học khi sử dụng ứng dụng Metaverse trong học tập, cũng như tiềm năng của cả chiến lược giảng dạy truyền thống. Hơn nữa, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất khái niệm đột phá về Meta-AI và tác động tiềm tàng của nó đối với việc chuyển đổi nền giáo dục.
Mặc dù có một số hạn chế nhất định, nghiên cứu vẫn cung cấp những hiểu biết có giá trị về hiện trạng ứng dụng Metaverse trong giáo dục và những đề xuất hướng nghiên cứu trong tương lai. Khi Metaverse tiếp tục phát triển, điều cần thiết là các nhà giáo dục phải cộng tác, đổi mới và mở ra các cơ hội dạy và học mới, cuối cùng là định hình lại bối cảnh giáo dục và thúc đẩy trải nghiệm hấp dẫn, toàn diện hơn cho người học trên toàn thế giới.
Hồng Anh lược dịch
Nguồn: Yihe Q., Jinpeng W. & Yixin C., Revolutionizing educational landscapes: A systematic review of Metaverse applications, paradigms and emerging technologies (2023). https://doi.org/10.1080/2331186X.2023.2264006