Sáng 14/12, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" (Nghị quyết số 29). Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị.
Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở GĐ-ĐT, các Sở, ngành dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông
Sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 29, quy mô và mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo phát triển rộng khắp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục THCS được duy trì vững chắc, chất lượng ngày càng nâng cao. Kết quả giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông được nâng lên.
Hệ thống cơ sở giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp, dạy nghề được đầu tư phát triển. Một số địa phương đã thử nghiệm các mô hình hướng nghiệp và tư vấn chọn nghề cho học sinh THCS và THPT góp phần thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh.
Giáo dục nghề nghiệp ngày càng thu hút nhiều người học có học lực tốt tham gia học nhất là những ngành, nghề mà thị trường lao động có nhu cầu lớn. Hệ thống giáo dục thường xuyên từng bước được hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu của mọi đối tượng người học.
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn một lần nữa khẳng định ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Nghị quyết 29. Qua tổng kết, đánh giá từ thực tiễn cho thấy, những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW cơ bản vẫn còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra và phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023
Thời gian tới, ngành GD-ĐT, các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trong đó tập trung các vấn đề về nhận thức, thể chế và nguồn lực.
Toàn ngành Giáo dục tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục mầm non và phổ thông theo hướng chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Thực hiện Chương trình số 28 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông về nâng cao chất lượng dạy và học gắn với việc triển khai Chương trình sách giáo khoa Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, ngành Giáo dục đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Mạng lưới trường lớp được quy hoạch chuẩn hóa
Trên cơ sở Đề án quy hoạch mạng lưới trường, lớp, bậc học trong hệ thống giáo dục, đào tạo tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2030, các huyện, thành phố chú trọng sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô điểm trường, lớp các trường mầm non, phổ thông công lập theo hướng thuận lợi cho học sinh, người dân và phù hợp với thực tế của các địa phương.
Các trường học được tập trung đầu tư cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại, trong đó ưu tiên cho việc duy trì phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, tiểu học, THCS. Các địa phương quan tâm phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non; từng bước nâng cao chất lượng hệ thống trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú, trường PTDT bán trú; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia…
Đến nay, mạng lưới các cơ sở giáo dục phát triển, phủ kín đến các xã, phường, thị trấn. Thống kê của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh có 371 cơ sở giáo dục, trong đó có 45 cơ sở giáo dục ngoài công lập; 58% số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trung bình mỗi xã, phường, thị trấn có 1,7 cơ sở giáo dục mầm non; 1,6 trường tiểu học; 1,1 trường THCS và 1 trung tâm học tập cộng đồng. Mỗi đơn vị cấp huyện có 4,1 trường THPT, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân, các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Bảo đảm sách giáo khoa
Ngay khi mới triển khai thực hiện chương trình GDPT mới, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp thực hiện các giải pháp giúp phụ huynh, học sinh trang bị đầy đủ, đúng danh mục sách giáo khoa được phê duyệt. Ngành Giáo dục phối hợp với các nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn nhằm cung ứng đầy đủ sách giáo khoa phục vụ cho nhu cầu của giáo viên, học sinh, tránh tình trạng thiếu sách giáo khoa và dụng cụ học tập trên địa bàn tỉnh. Tỉnh tập trung khắc phục tình trạng khan hiếm, thiếu sách giáo khoa, dụng cụ học tập; chấn chỉnh tình trạng giới thiệu sách tham khảo trái quy định.
Ngành Giáo dục đã niêm yết công khai danh mục sách giáo khoa lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2023-2024. Hàng năm, các đơn vị liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng sách giáo khoa, sách bài tập, xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Đối với tài liệu tham khảo, ngành Giáo dục Đắk Nông hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT, ngày 10/6/2022 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. UBND tỉnh cũng chú trọng ban hành các văn bản triển khai thực hiện theo lộ trình quy định của Chương trình GDPT mới.
Chất lượng đội ngũ nhà giáo được nâng cao
Trong những năm qua, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được Đắk Nông chú trọng, coi đây là nhân tố quyết định chất lượng đổi mới giáo dục đào tạo. UBND tỉnh đã ban hành các quyết định, kế hoạch, đề án để phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Hàng năm, các đơn vị chức năng của tỉnh chủ động rà soát, kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy các cơ sở giáo dục. Việc sắp xếp, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo hợp lý bảo đảm đúng vị trí việc làm theo quy định nhằm đáp ứng nhu cầu tăng quy mô, nâng cao chất lượng và đổi mới giáo dục.
Việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tỉnh quan tâm, chú trọng. Hàng năm, nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp học, bậc học được tổ chức. Trên cơ sở các văn bản đã ban hành, ngành Giáo dục tạo điều kiện cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tham gia học, bồi dưỡng nâng cao, đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định. Đến nay, năng lực, trình độ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhiệm vụ đổi mới.
Hiện toàn tỉnh có trên 9.942 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo theo quy định đối với giáo viên mẫu giáo đạt 81.6%; giáo viên tiểu học đạt 87.6%; giáo viên THCS 90.4% và THPT đạt 100%.
Tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nên chất lượng giáo dục trong toàn tỉnh có nhiều chuyển biến. Trong đó, rõ nét nhất chính là sự chuyển biến từ nền giáo dục tập trung trang bị kiến thức sang tập trung dạy học, phát hiện năng lực và phẩm chất của học sinh.
Các huyện, thành phố đã quan tâm nhiều hơn đến giáo dục dân tộc thiểu số. Các cơ sở giáo dục mầm non chú trọng nâng cao tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, phát triển phẩm chất và năng lực của trẻ, bảo đảm liên thông, gắn kết với giáo dục phổ thông.
Giáo dục phổ thông chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Trên cơ sở khung chương trình của Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông đã chủ động xây dựng, điều chỉnh và thực hiện chương trình giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của học sinh. Kết quả, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT toàn tỉnh đạt 97,5% (tăng 0,78% so với năm 2022); có 8/8 trường dân tộc nội trú đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT thi và xét tuyển các trường đại học, cao đẳng đạt 56,26%.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh có những tín hiệu khả quan, chất lượng học sinh giỏi quốc gia ngày càng tăng. Các phong trào thi đua, cuộc vận động được triển khai trong toàn ngành Giáo dục đã kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng, biểu dương khen thưởng những nhân tố, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động. Qua đó, tạo động lực, chuyển biến mới về nhận thức, không khí thi đua sôi nổi, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Lê Thịnh