Sự thiên vị giới tính trong lớp học có tác động lâu dài đến điểm số và sự lựa chọn nghề nghiệp của học sinh

Có hai mẫu hình phổ biến trong giáo dục ở quy mô toàn thế giới: thứ nhất, các nữ sinh thường học giỏi hơn nam sinh ở đa số các môn học, và các nam sinh thường không học giỏi hơn nữ sinh ở các môn Toán và Vật lý bậc Trung học phổ thông; và thứ hai, có nhiều nữ sinh đi học đại học hơn so với các nam sinh. Tuy nhiên, thực tế, tỷ lệ phụ nữ có bằng cấp liên quan đến khoa học tự nhiên, công nghệ, toán học và kỹ thuật (STEM) lại không cao.

Đây chính là chủ đề nghiên cứu của hai học giả Victor Lavy và Rigissa Megalokonomou trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2019. Các nhà nghiên cứu dựa trên cơ sở bằng chứng cho thấy những quan niệm, niềm tin của một cá nhân về một nhóm người nào đó có thể quyết định thái độ của người đó đối với các thành viên của nhóm. Và điều này, dù là vô ý hay hữu ý, có ảnh hưởng đến kết quả hành động của những thành viên nhóm có tiếp xúc với những thái độ như vậy. Do đó, các nhà nghiên cứu chủ yếu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Nếu giáo viên Toán của bạn là một người ủng hộ, hoặc có niềm tin, thậm chí thiên vị các học sinh nam, điều này có ảnh hưởng như thế nào đến thành tích học tập môn Toán của các học sinh trong lớp một năm sau, và tỷ lệ học sinh lớp đó chọn theo học chương trình đào tạo đại học ngành Toán hai năm sau đó?

Để trả lời câu hỏi này, nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu quản lý điều hành của nhà chức trách Hy Lạp, bao gồm dữ liệu về học sinh, giáo viên và các lớp học. Mẫu nghiên cứu bao gồm hơn 400 giáo viên đến từ 21 trường trung học phổ thông trong khoảng thời gian 8 năm. Dữ liệu ghi lại tiến trình học tập của học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 và lựa chọn nhập học đại học của các em sau đó.

Một trong những trọng tâm của nghiên cứu này là phương pháp đo lường, xác định mức độ “thiên vị” của giáo viên đối với học sinh theo giới tính. Các nhà nghiên cứu đã tận dụng sự khác biệt trong cách thức kiểm tra, đánh giá của hai bài kiểm tra bắt buộc mà tất cả các học sinh phải tham gia vào năm lớp 11. Những bài kiểm tra này bao gồm tất cả các môn học; trong đó, một bài kiểm tra là bài thi “ngoài”, được chấm điểm bởi một giám khảo đến từ ngoài trường, họ tên và giới tính của học sinh không được tiết lộ với người chấm. Bài thi còn lại được chấm bởi chính giáo viên dạy lớp đó, và họ tên cũng như giới tính của học sinh không được giữ bí mật với người chấm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy sự thiên vị này nằm sâu trong thái độ và cách hành xử của giáo viên. Chỉ có 15% số giáo viên giữ được sự trung lập trong hành vi của mình. Có nhiều giáo viên ủng hộ nam sinh, và nhiều giáo viên ưu ái nữ sinh, điều này có sự khác biệt theo từng môn học. Chẳng hạn, các giáo viên dạy môn đại số thường có hành vi chấm điểm thiên vị học sinh nam nhiều hơn là các giáo viên dạy môn lịch sử hay tiếng Hy Lạp cổ đại.

Nghiên cứu cũng cho thấy những tác động lâu dài của những hành vi thiên vị này đối với điểm số của học sinh ở bậc trung học phổ thông cũng như lựa chọn ngành học bậc đại học sau này. Các nam sinh có giáo viên Toán thiên vị con trai hơn ở lớp 11 có xu hướng đạt thành tích cao trong môn Toán ở lớp 12. Điều ngược lại xảy ra với các nữ sinh trong lớp đó - các em có xu hướng học kém toán hơn trong năm học tiếp theo.

Sử dụng những dữ liệu điểm danh chi tiết, các nhà nghiên cứu còn phát hiện những học sinh học Toán của các giáo viên có xu hướng “ưu ái” giới tính của họ thường ít khi nghỉ học không phép và ít bị đuổi khỏi tiết học hơn. Sau khi tốt nghiệp, những thành kiến của giáo viên tiếp tục có ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ đăng ký học đại học, chất lượng của trường đại học và chương trình học mà học sinh đó theo đuổi. Những tác động này tương tự nhau đối với nam và nữ.

Tuy nhiên, thành kiến nói trên của giáo viên chỉ có ảnh hưởng đáng kể đến các nữ sinh trong việc lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu sau này của các em. Các học sinh nữ từng học những thầy cô giáo dạy toán hoặc vật lý ưu ái học sinh nam hơn ở lớp 11 sẽ có tỷ lệ đăng ký vào các ngành toán hoặc vật lý ở trường đại học hai năm sau đó ít hơn đáng kể. Thành kiến về giới của giáo viên dường như không ảnh hưởng nhiều đến việc lựa chọn chuyên ngành bậc đại học của học sinh nam.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các tác động của hành vi thiên vị theo giới tính của giáo viên thậm chí còn có tác động lâu dài hơn thế, đến cả tương lai sự nghiệp và thu nhập của học sinh sau này.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Megalokonomou, R. (2021, December 12). Teacher gender bias is real and has lasting effects on students’ marks and study choices. The Conversation. https://theconversation.com/teacher-gender-bias-is-real-and-has-lasting-effects-on-students-marks-and-study-choices-171827

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19